DN tư nhân bước vào cuộc chơi TPP với thế yếu
Lĩnh vực đầu tư được đưa vào trong một chương của Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) với những điều khoản về đối xử bình đẳng giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và doanh nghiệp nội địa. Điều này sẽ có những tác động không nhỏ tới doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam.
- 19-12-2015TPP sẽ tiết kiệm cho dệt may, da giày Việt Nam hơn tỷ USD tiền thuế vào Mỹ hàng năm
- 19-12-2015Nông sản Việt trong TPP: Thử xem xét từng nước đối thủ
- 17-12-2015Cam kết về lao động theo TPP, doanh nghiệp đang đi đúng hướng
Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc, doanh nghiệp tư nhân chiếm tỷ lệ chủ yếu trong số hơn 400.000 doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam, có đến 75% là doanh nghiệp tư nhân.
Mặc dù chiếm số lượng lớn, doanh nghiệp tư nhân chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ và đang chịu lép vế so với các doanh nghiệp FDI. Số lượng lao động tại mỗi doanh nghiệp này chỉ đạt khoảng 14,4 lao động, thấp hơn nhiều so với con số gần 300 lao động tại mỗi doanh nghiệp FDI.
Thực tế cũng cho thấy, những doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả tập trung chủ yếu ở nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ với quy mô vốn thấp. Số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải giải thể hoặc đăng ký tạm ngừng hoạt động thời gian vừa qua phần lớn là những doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng.
Trong khi đó, các doanh nghiệp FDI đang có lợi thế lớn về quy mô so với doanh nghiệp tư nhân trong nước, không chỉ về vốn đầu tư mà còn cả trên khía cạnh hoạt động.
Nhận định chung về sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, bà Sherry Boger, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) cho biết, rất ít doanh nghiệp Việt Nam nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Mặc dù Việt Nam đã và đang thu hút đầu tư nước ngoài với tăng trưởng xuất khẩu khá lớn, nhưng hơn 2/3 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam là từ các nhà máy có vốn đầu tư nước ngoài và nguyên vật liệu, phụ tùng, linh kiện nhập khẩu chiếm 90% giá trị xuất khẩu. Việt Nam đang xếp thấp nhất trong các nước ASEAN-6 về nhập khẩu từ Hoa Kỳ với khoảng 6,7 tỷ USD dự kiến trong năm 2015.
Thực tế, các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là khối doanh nghiệp tư nhân, đang phải bước vào cuộc chơi TPP với một thế yếu hơn rất nhiều.
Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, mục A chương 9 của bản Toàn văn Hiệp định TPP quy định rõ quy tắc đối xử bình đẳng giữa nhà đầu tư nước ngoài từ các nước TPP và nhà đầu tư nội địa là như nhau. Đồng thời, các ưu đãi đối với nhà đầu tư đến từ các nước TPP không được kém hơn so với ưu đãi dành cho nhà đầu tư đến từ các nước TPP khác hay các nước ngoài TPP.
Ngoài ra, TPP cũng đưa ra những quy định loại bỏ các ràng buộc liên quan tới tự do hoạt động của các doanh nghiệp FDI như yêu cầu về hàm lượng nội địa, lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp. Như vậy, sau khi TPP được thực thi, các doanh nghiệp FDI về cơ bản sẽ được hoạt động và đối xử tương tự doanh nghiệp nội địa. Với những thỏa thuận đã được công bố, TPP sẽ mang lại làn sóng đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam trong thời gian tới, doanh nghiệp tư nhân trong nước sẽ càng trở nên bất lợi hơn trong cuộc cạnh tranh về quy mô so với khối doanh nghiệp FDI.
“Tuy nhiên, với quá trình sàng lọc các doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả đã và đang diễn ra, doanh nghiệp tư nhân vẫn còn có những cơ hội để mở rộng quy mô vốn và phát triển” - ông Nguyễn Thanh Tùng nhận định.