Đồng tiền nước nào có khả năng ảnh hưởng mạnh nhất đến cơ chế tỷ giá mới?
Ở góc độ thương mại, đầu tư hay vay trả nợ, đồng Nhân dân tệ, USD, yên Nhật, Euro và đồng won Hàn Quốc có khả năng sẽ là những đồng tiền ảnh hưởng mạnh nhất đến cơ chế xác định tỷ giá mới của Việt Nam.
- 05-01-2016Giá USD ngân hàng bất ngờ lao dốc mạnh
- 05-01-2016Tỷ giá có thể lên xuống theo ngày: Giới đầu cơ “khóc ròng”
- 05-01-2016Cơ chế điều hành tỷ giá mới: NHNN bán USD phái sinh cho NHTM
Kể từ ngày 4/1/2016, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chính thức áp dụng cơ chế tỷ giá mới là tỷ giá trung tâm, thay cho tỷ giá bình quân liên ngân hàng trước đây.
Theo đó, tỷ giá trung tâm được xác định dựa trên 3 yếu tố: cơ sở tham chiếu diễn biến tỷ giá bình quân gia quyền trên thị trường liên ngân hàng; diễn biến tỷ giá trên thị trường quốc tế của một số đồng tiền các quốc gia, vùng lãnh thổ có quan hệ thương mại, vay trả nợ và đầu tư lớn với Việt Nam; và các cân đối vĩ mô.
Các đồng tiền quốc tế được NHNN sử dụng làm tham chiếu bao gồm: đồng USD (Mỹ), đồng Euro (EU), đồng Bath (Thái Lan), đồng Nhân dân tệ (Trung Quốc), đồng đôla Singapore (Singapore), đồng yên (Nhật Bản), đồng won (Hàn Quốc) và đồng tiền của Đài Loan.
Vậy, nếu xét theo tỷ trọng về kim ngạch thương mại và đầu tư, trong 8 đồng tiền trên, tiền tệ của quốc gia, vùng lãnh thổ nào sẽ có khả năng ảnh hưởng mạnh nhất đến cơ chế xác định tỷ giá trung tâm mới của Việt Nam?
Về thương mại
Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tính từ đầu năm đến hết tháng 11/2015, tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam sang nhóm 8 quốc gia, vùng lãnh thổ nói trên đạt 231,8 tỷ USD; chiếm 77,4% tổng kim ngạch thương mại của cả nước.
Trong đó, Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn nhất với kim ngạch thương mại song phương đạt 60,5 tỷ USD; chiếm 20,2% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước trong 11 tháng năm 2015.
Theo sau đó là khu vực EU với kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 42,8 tỷ USD (chiếm 14,3% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước); Mỹ đạt 37,6 tỷ USD (chiếm 12,6%); Hàn Quốc đạt 33,7 tỷ USD (chiếm 11,3%) và Nhật Bản đạt 8,7 tỷ USD (chiếm 8,7%)...
Dù Ngân hàng Nhà nước không công bố rõ ràng tỷ trọng của các đồng tiền sẽ như thế nào trong việc xác định tỷ giá trung tâm hàng ngày, tuy nhiên xét ở góc độ thương mại như trên thì theo thứ tự các đồng tiền Nhân dân tệ, Euro, USD, đồng yên Nhật và đồng won Hàn Quốc có khả năng sẽ ảnh hưởng mạnh nhất đến cơ chế xác định tỷ giá mới của Việt Nam.
Về đầu tư
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong năm 2015, tổng vốn FDI vào Việt Nam đạt 22,757 tỷ USD, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, Hàn Quốc dẫn đầu với 6,72 tỷ USD, chiếm 29,6% tổng vốn đầu tư.
Malaysia đứng vị trí thứ hai với số vốn là 2,47 tỷ USD - chiếm 10,9% tổng vốn đầu tư. Nhật Bản đứng vị trí thứ ba với số vốn đầu tư là 1,84 tỷ USD; chiếm 8,1% tổng vốn đầu tư. Đài Loan ở vị trí thứ tư với số vốn đầu tư là 1,39 tỷ USD; chiếm 6,1% tổng vốn đầu tư.
Như vậy, nếu xét theo tỷ trọng vốn đầu tư, trong số 8 quốc gia, vùng lãnh thổ có đồng tiền nằm trong rổ tiền tệ xác định tỷ giá trung tâm của Việt Nam thì theo thứ tự Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore và Trung Quốc là những quốc gia có đồng tiền có tác động mạnh nhất đến cơ chế tỷ giá mới của Việt Nam.
Ngoài ra, theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong suốt hơn 20 năm qua, Nhật Bản luôn là nhà tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam, chiếm trên 30% tổng vốn ODA cam kết của quốc tế cho Việt Nam; sau đó là Hàn Quốc, EU...
Như vậy, ở góc độ thương mại, đầu tư hay vay trả nợ, các đồng tiền: Nhân dân tệ, USD, yên Nhật, Euro và đồng won Hàn Quốc sẽ là những đồng tiền có khả năng tác động mạnh nhất đến cơ chế xác định tỷ giá mới của Việt Nam.