MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp ngành thép cần một cuộc chơi sòng phẳng

Cùng với việc Bộ Công Thương áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với phôi thép và thép dài NK, tới đây các DN ngành thép sẽ chịu những tác động khác nhau từ việc thuế NK các sản phẩm này sẽ tăng lên tương ứng với mức thuế tự vệ bổ sung.

Tăng lượng tiêu thụ

“Nhằm phát huy kết quả ban đầu có ý nghĩa tích cực giúp các DN sản xuất phôi thép và thép dài ổn định, nâng cao hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh, bình ổn thị trường thép trong nước, các DN sản xuất phôi và thép dài trong nước cần có kế hoạch sản xuất kinh doanh hợp lý, đẩy mạnh sản xuất phôi thép và thép dài, cung cấp đủ nhu cầu trong nước với chất lượng và giá cả cạnh tranh. Tăng cường hợp tác giữa các DN trong Hiệp hội, giữ giá bán hợp lý, ổn định thị phần mỗi DN, ổn định thị trường nội địa. Tiếp tục hợp tác với cơ quan Nhà nước và Văn phòng VSA đáp ứng các yêu cầu cung cấp chứng cứ, tài liệu, số liệu sản xuất - kinh doanh v.v nhằm đánh giá tổng thể vụ việc để có kết luận cuối cùng của Bộ Công Thương theo đúng quy định của pháp luật”.

(Theo Hiệp hội Thép Việt Nam)

Theo quyết định áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với mặt hàng phôi thép và thép dài NK của Bộ Công Thương, từ ngày 22-3-2016 đến hết ngày 7-10-2016, ngoài mức thuế NK hiện hành, các mặt hàng NK áp dụng biện pháp tự vệ chính thức phải chịu thêm mức thuế NK bổ sung, do đó thuế NK đối với phôi thép Trung Quốc sẽ lên 33,3% và thép dài ở mức 29,2%. Mức thuế NK phôi thép và thép dài tăng lên có những tác động khác nhau đến sản xuất kinh doanh của các DN.

Trao đổi với phóng viên, đại diện một DN lớn trong ngành thép cho biết, thời gian qua giá thép nguyên liệu NK rất thấp, ảnh hưởng đến các DN sản xuất thép tự chủ về phôi trong nước. Với khối lượng NK lớn, giá thấp, nhiều đơn vị trong ngành phải bán dưới giá thành khiến nhiều đơn vị bán giá thấp phải dừng sản xuất.

Do đó, khi áp thuế sẽ giúp các đơn vị có thể tăng sản lượng tiêu thụ. Trước đây thị trường bị bóp méo vì giá thấp, nên khi áp thuế thì giá ra thị trường sẽ cao lên và được quyết định bởi cung cầu. Vị này cũng thừa nhận, mỗi chính sách đưa ra đều có tính tích cực, tiêu cực và ảnh hưởng khác nhau với đối tượng khác nhau. Về thực tế, biện pháp tự vệ sẽ giúp cho các DN sản xuất nhiều hơn là các DN thương mại.

Ông Phan Đào Vũ, Tổng giám đốc Công ty Liên doanh sản xuất Thép Vinausteel (Thép Việt Úc) cho biết, Thép Việt Úc chủ yếu sản xuất các mặt hàng thép xây dựng, nguồn phôi thép lâu nay DN mua ở trong nước là chính. Tuy nhiên, ngay khi mới kiện tự vệ thì giá phôi thép đã tăng ngay lập tức. Hiện nay phôi thép đã tăng khoảng 18%, từ 7 triệu đồng/tấn lên khoảng 8,3 triệu đồng/tấn. Điều này đã làm cho người tiêu dùng phải chịu chi phí cao hơn.

Đánh giá về tác động của tự vệ tạm thời đối với các DN ngành thép, cụ thể là các DN thép đã niêm yết, đại diện Công ty Chứng khoán Bảo Việt cho rằng, các DN được hưởng lợi đầu tiên là những DN sản xuất thép xây dựng tự chủ phôi thép bao gồm Tập đoàn Hòa Phát, Công ty CP Thép Việt Ý, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên, Công ty CP Thép DANA-Ý, Công ty Thép POMINA... do giảm bớt lo ngại về phôi thép NK từ Trung Quốc.

Những DN không sở hữu nhà máy phôi và phải mua ngoài toàn bộ như Công ty ống thép Việt Đức sẽ bị thiệt hại đầu tiên khi thuế NK phôi tăng lên. Cũng theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Bảo Việt, các DN sản xuất tôn mạ như Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen, Công ty Cổ phần Thép Nam Kim, Công ty Cổ phần Hữu Liên Á Châu... sẽ không được hưởng lợi gì từ quyết định này.

Nước xuống thuyền có xuống?

“Theo Bộ Công Thương, trên thị trường thép hiện nay không có DN nào chiếm vị trí thống lĩnh thị trường (từ 30% thị phần trở lên). Đối với sản phẩm phôi thép, trên thị trường có 14 DN lớn với lượng sản xuất chiếm gần 73% thị phần (trong đó lớn nhất là Hoà Phát chiếm gần 25% thị phần) và hàng trăm DN nhỏ với tổng lượng sản xuất chiếm 27% thị phần”.

Theo đại diện Công ty Thép Việt Úc, trong cuộc chơi toàn cầu thì “nước lên thuyền lên” và “nước xuống thuyền cũng phải xuống”. Việc sản xuất phôi của các DN có hiệu quả khác nhau nên giá thành sản xuất cũng khác nhau. Khi giá nguyên liệu phôi thép trên thế giới giảm, những DN hoạt động có hiệu quả và có lãi thì lợi nhuận sẽ thu hẹp lại.

Còn DN kém hiệu quả thì “nước xuống” nhưng thuyền không xuống, dẫn đến mắc cạn và thuế tự vệ là để cho “nước dâng lên” nhằm cứu những DN này. Như vậy, sự kém hiệu quả của một số DN tạo ra hệ lụy làm cho người tiêu dùng chịu giá cao. Đồng thời, với các DN vốn dĩ làm ăn hiệu quả thì thuế NK tăng làm tăng lợi thế cho chính DN mình cũng như so với các DN khác.

“Khi lợi thế cho một số DN tăng lên gấp bội sẽ tạo ra môi trường kinh doanh không bình đẳng khiến các DN kém lợi thế hơn lo ngại. Bởi trong môi trường này, DN có nhiều lợi thế có thể chèn ép những DN kém lợi thế hơn”, ông Phan Đào Vũ lo ngại. Theo đại diện Thép Việt Úc, câu chuyện này phải nói sòng phẳng khi bước vào thời kỳ toàn cầu hóa, hội nhập, và cái đích của hoạt động thương mại tự do là thuế về 0%. Trong điều kiện khó khăn, những DN linh hoạt sẽ biết điều chỉnh chiến lược sao cho hiệu quả, đừng vì sự kém hiệu quả của một số DN trong nước mà làm cho yếu tố hội nhập bị tác động, dẫn đến DN trong nước và người tiêu dùng không được hưởng lợi thế có được từ hội nhập, từ toàn cầu hóa.

Liên quan đến vấn đề này, đại diện một DN thép đang hưởng lợi từ thuế tự vệ cho biết, trong xu thế hội nhập, khi tham gia sân chơi chung việc gỡ bỏ hàng rào thuế là không tránh khỏi. Thực tế 200 ngày áp thuế tự vệ tạm thời và sau đó có thể có thêm thời gian áp thuế chính thức là cơ hội để DN nhìn lại mình, từ đó có chiến lược cụ thể để tái cấu trúc, nâng cao quản trị, cắt giảm giá thành để có sức cạnh tranh tốt.

Theo dự kiến của Bộ Công Thương, vào đầu tháng 4-2016, Bộ Công Thương sẽ làm việc trực tiếp với các DN phản đối việc áp thuế tự vệ để làm rõ cơ sở, lập luận của các DN đối với kiến nghị loại bỏ phôi thép ra khỏi phạm vi áp dụng biện pháp tự vệ.

Theo đó, chứng cứ và cơ sở lập luận của các bên liên quan đối với vấn đề này sẽ được trình bày trong báo cáo cuối cùng của vụ việc. Bộ Công Thương bảo đảm sẽ phân tích, đánh giá tất cả các ý kiến bình luận liên quan đến vụ việc dựa trên quy định của WTO và pháp luật Việt Nam, từ đó đưa ra báo cáo cuối cùng trên cơ sở khách quan, có tính đến lợi ích kinh tế xã hội tổng thể và ảnh hưởng đến từng phân khúc sản xuất.

Như vậy, việc áp thuế tự vệ sẽ làm cho các DN sản xuất không tự chủ phôi thép chịu thiệt thòi trong một khoảng thời gian nhất định. Các DN này phải “buông” lợi ích trước mắt của mình để đổi lấy lợi ích lâu dài, bền vững của ngành thép nói chung.

Nhưng sự thiệt thòi ấy không thể kéo dài mãi. Sau thời gian này, điều mà các DN ở thế yếu mong muốn chính là các DN nói chung, trong đó có các DN tự chủ phôi thép có cuộc chơi sòng phẳng, công bằng trong môi trường hội nhập, nơi các DN phải cạnh tranh bình đẳng bằng nội lực của chính mình. Vì thế, các DN được hưởng lợi từ việc áp thuế cần phải coi khoảng thời gian này là cơ hội để phục hồi sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh để sẵn sàng cho cuộc đua hội nhập.

Theo Bộ Công Thương, có thể trong thời gian tới, giá thép dài và phôi thép sẽ tăng ở một mức độ nhất định để đảm bảo lợi nhuận hợp lý của ngành sản xuất trong nước nói chung, không phải của riêng một công ty nào. Điều này là phù hợp với mục tiêu của biện pháp tự vệ và để giảm bớt thiệt hại của ngành sản xuất trong nước. Tuy nhiên, xem xét mức độ tập trung trên thị trường, mức độ tồn kho hàng hoá và tỷ lệ sử dụng công suất toàn ngành hiện nay, Bộ Công Thương đánh giá khả năng các DN thép lợi dụng chính sách thuế tự vệ để chi phối thị trường và tăng giá quá mức gây thiệt hại cho người tiêu dùng là khó xảy ra.

Theo Vân Khánh

Báo Hải Quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên