MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp “nộp” tới 40,8% lợi nhuận cho Nhà nước thông qua thuế phí

Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam không những bị chèn lấn bởi các khu vực kinh tế khác mà còn chịu áp lực lớn mất tới 40,8% lợi nhuận do đóng các khoản thuế phí.

Đó là thông tin được bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế đưa ra khi đánh giá về năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay. Vị chuyên gia này còn thông tin thêm là, con số 40,8% được đưa ra bàn luận trong cuộc họp về Cạnh tranh quốc gia và người đứng đầu một cơ quan của Chính phủ cũng đã xác định về tính chính xác của con số này.

Bày tỏ nỗi buồn khi nói về doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế trung ương (Ciem) cho biết nếu như trước khi chuẩn bị soạn thảo Luật Doanh nghiệp, doanh nghiệp tư nhân đóng góp khoảng 7% GDP.

"Buồn" với doanh nghiệp tư nhân

Đến khoảng năm 2005,thì mức đóng góp của doanh nghiệp tư nhân tăng lên với 11% GDP. Tuy nhiên, cho đến nay thì mức đóng góp của doanh nghiệp tư nhân vẫn… dậm chân tại chỗ với 11% GDP.

“Có vấn đề gì đó, khi DNNN là chủ đạo, DN FDI chèn lấn đủ thứ, thì rõ ràng khu vực này (PV-khu vực doanh nghiệp tư nhân) không thể phát triển được và nền kinh tế của ta đang hội nhập thì doanh nghiệp tư nhân lại rất mong manh và chưa nhìn thấy khả năng thay đổi, cả về số lượng và chất lượng” – Viện trưởng Viện Ciem nói.

Quan sát nền kinh tế năm 2015 ngoài vấn đề bất ổn nợ công tăng cao, nông nghiệp khó khăn, thì ở góc độ doanh nghiệp, bà Chi Lan cho rằng còn “trầm trọng hơn bao giờ hết”.

Dẫn chứng, số doanh nghiệp giải thể, phá sản và ngừng hoạt động vẫn tiếp tục tăng lên, ở mức kỷ lục mới. Bà Chi Lan đặt câu hỏi: “Doanh nghiệp chết vẫn tăng, kinh tế lại tăng trưởng thì tôi không hiểu nổi? Nếu nói số phận và sức khỏe của doanh nghiệp liên quan đến nền kinh tế thì thực trạng doanh nghiệp nói lên điều gì?”

Theo bà Chi Lan, một trong những lý do khiến cho doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn hơn là chịu sự cạnh tranh lớn của doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, hệ thống thuế, phí cũng đang tạo gánh nặng cho doanh nghiệp tư nhân, khiến cho lợi nhuận của DN bị giảm đi nhiều.

“Doanh nghiệp phải nộp tới 40,8% lợi nhuận của mình cho Nhà nước thông qua thuế phí. Vậy cải thiên môi trường kinh doanh đang thực hiện thế nào khi mà doanh nghiệp chết đi vẫn nhiều? Giá xăng dầu thế giới giảm mạnh như vậy, song Nhà nước vẫn giữ quyền kiểm soát giá và giữ ở mức cao, rồi thêm cách tính bảo hiểm xã hội mới cũng đang đè lên doanh nghiệp” – Bà Chi Lan chỉ ra.

... Và nỗi khổ bị chèn lấn

Đồng quan điểm, ông Cung cũng chỉ ra nghịch lý là hiện giá dầu thế giới đã giảm sâu, thì giá xăng dầu trong nước cũng phải giảm tương ứng. Ông Cung cho rằng, rõ ràng vẫn đang còn vấn đề ở thể chế kinh tế thị trường, nên vấn đề đặt ra là đã theo thị trường thì phải tôn trọng các quy luật và nguyên tắc của thị trường.

Sốt ruột trước thực trạng doanh nghiệp tư nhân thì teo tóp mà doanh nghiệp FDI thì ngày càng lớn mạnh, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, dẫn chứng tốc độ tăng trưởng trong năm 2015 không phải đến từ kinh tế tư nhân mà từ khối doanh nghiệp nước ngoài.

Hiện các nhà đầu tư FDI chiếm trên 50% giá trị sản xuất công nghiệp và gần 70% xuất khẩu, ông Tuyển cho rằng động lực tạo giá trị bền vững cho đất nước lại không nằm ở nội lực của chúng ta.

Bên cạnh đó, tỷ lệ sở hữu vốn của DNNN còn cao, đã không tạo ra động lực tăng trưởng và chèn lấn doanh nghiệp tư nhân. Vị chuyên gia hàng đầu này cho rằng, việc chèn lấn đặc biệt thấy rõ trong nguồn cung tín dụng, khiến cho doanh nghiệp nhỏ và vừa không tiếp cận được vốn.

“Bao trùm là doanh nghiệp trong nước đang yếu đi và rất đáng lo ngại. Cần phân tích sâu hơn những vấn đề này” – Ông Trương Đình Tuyển tỏ ra lo ngại.

Cẩm An

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên