MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp trong nước vẫn làm chủ thị trường bán lẻ Việt Nam

Hiện nay, VN có khoảng trên 900 cơ sở bán lẻ thì nhà đầu tư nước ngoài mới có 70 cơ sở, còn lại trên 800 cơ sở thuộc sở hữu của các DN Việt Nam có quy mô lớn như Sài Gòn Corp, Hapro ...

Chiều ngày 17/11, Quốc hội tiếp tục chương trình chất vấn và trả lời chất vấn các thành viên trong Chính phủ. Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội nhằm tập trung làm rõ các vấn đề về công nghiệp hỗ trợ, quản lý thị trường, phát triển công nghiệp chế tạo, sản xuất và chế biến các sản phẩm nông nghiệp, chống hàng giả, buôn lậu…

Nhận định về thực trạng thị trường bán lẻ của VN trong thời gian qua, Đại biểu Nguyễn Ngọc Hoà - TP.HCM đặt câu hỏi: Hiện các tập đoàn phân phối bán lẻ nước ngoài đang đẩy mạnh thâm nhập và chiếm lĩnh thị trường phân phối bán lẻ Việt Nam. Một mặt, các tập đoàn này tăng cường mở nhiều siêu thị, cửa hàng, mạng lưới bán lẻ tại Việt Nam; mặt khác lại tăng cường hoạt động chuyển nhượng, mua bán, sáp nhập các hệ thống phân phối hiện đại của nước ta.

Như vậy, hệ thống phân phối của VN sẽ thế nào? Ảnh hưởng đối với nền sản xuất trong nước ra sao? Việc tiêu thụ hàng hóa VN sẽ ra sao khi chúng ta không làm chủ được hệ thống phân phối? Liệu chúng ta có bị thua trên sân nhà hay không? Đặc biệt, khi chúng ta đang chuẩn bị thực hiện các Hiệp định thương mại tự do trên thế giới và khu vực. Biện pháp của Việt Nam trước những áp lực này là gì?

(Xem thêm: Nội dung phiên họp Quốc hội sáng 17/11)

Trả lời những thắc mắc của Đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, trước khi VN trở thành thành viên của WTO, chúng ta đã nhận thức rằng lĩnh vực phân phối, trong đó có bán lẻ là hết sức phức tạp và quan trọng. Do vậy, chủ trương của Chính phủ là mở cửa thị trường phân phối bán lẻ; nhưng mở cửa có lộ trình để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thương mại trong nước có thể đứng vững và cạnh tranh được với doanh nghiệp nước ngoài.

Chính vì thế, khi Hiệp định có hiệu lực vào năm 2007, chúng ta cho phép nhà phân phối nước ngoài vào VN, nhưng bắt buộc dưới hình thức liên doanh với tỷ lệ cao nhất là 49%. Từ ngày 1/1/2008, việc nhà đầu tư nước ngoài liên doanh với VN không quy định tỷ lệ góp vốn. Và từ 1/1/2009, nhà đầu tư nước ngoài được thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, VN đã có những quy định để khống chế đối với những mặt hàng nhạy cảm. Chúng ta có 9 mặt hàng quy định không được tiêu thụ trong hệ thống phân phối của nhà đầu tư nước ngoài như: gạo, đường, xăng dầu, văn hoá phẩm …

Thêm vào nữa, chúng ta cũng quy định, sau khi mở cửa cơ sở bán lẻ thứ nhất, từ cơ sở bán lẻ thứ 2 trở đi phải có báo cáo đánh giá về mặt kinh tế, có bao nhiêu nhà bán lẻ đang hoạt động trong khu vực … Trong các Hiệp định đang đàm phán tới đây, chúng ta vẫn giữ nguyên tắc mở cửa thị trường có lộ trình.

Hiện nay, VN có khoảng trên 900 cơ sở bán lẻ thì nhà đầu tư nước ngoài mới có 70 cơ sở, còn lại trên 800 cơ sở thuộc sở hữu của các DN Việt Nam có quy mô lớn như Sài Gòn Corp, Hapro ... Như vậy, tỷ lệ siêu thị bán lẻ của doanh nghiệp nước ngoài tại VN không nhiều.

Theo số liệu của Bộ Công thương, năm 2013, tổng dung lượng bán lẻ của thị trường VN là xấp xỉ 2,7 triệu tỷ đồng, năm nay ước đạt 3 triệu tỷ đồng. Nhưng tỷ trọng dung lượng bán lẻ của DN nước ngoài chỉ chiếm có 3,4%; không bằng tỷ trọng cách đây 5 năm là 3,7-3,8%.

Con số này cho thấy, chúng ta vẫn mở cửa thị trường bán lẻ nhưng mở cửa có lộ trình, có kiểm soát. Bằng những nỗ lực riêng và sự hỗ trợ của Chính phủ, doanh nghiệp bán lẻ trong nước vẫn vươn lên và phát triển.

Bộ trưởng kết luận, việc lo lắng về sự thậm nhập của DN bán lẻ nước ngoài tại thị trường VN là có. Nhưng với kinh nghiệm trong 8 năm thực hiện cam kết WTO và trong triển khai thực hiện mở cửa, chúng ta vẫn có thể làm chủ được thị trường.

Thị trường bán lẻ trước sự “đổ bộ” của DN ngoại

Nguyệt Quế

huongtt

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên