MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp Việt đang bỏ ngỏ thị trường thương mại điện tử tại nước mình

"Lẽ ra thị trường thương mại điện tử Việt Nam phải đạt trên 20 tỷ USD mới tương xứng với quy mô dân số trẻ, trong đó có 1/3 số người sử dụng internet và hơn 50% số người sử dụng internet có mua sắm online như hiện nay"

“Chúng ta có khai thác thị trường thương mại điện tử không? Hay để các ông lớn trên thế giới nhảy vào khai thác hộ? Nếu không đi trước, chúng ta sẽ để thị trường rơi vào tay người khác.”

Ông Nguyễn Ngọc Hưng – Tổng giám đốc của kênh thương mại trực tuyến disieuthi.vn đã đặt câu hỏi như vậy tại Hội thảo “Thúc đẩy ngành bán lẻ Việt Nam bằng thương mại điện tử”.

Câu hỏi này không phải bây giờ mới được đặt ra, bởi vì các tập đoàn bán lẻ đã thâm nhập vào Việt Nam hàng chục năm nay. Nhưng gần đây, khi thị trường Việt Nam ngày càng trở nên hấp dẫn cùng với quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, những cái tên ngoại đã xuất hiện nhiều hơn, trong đó nổi bật là Aeon, Lotte. Walmart cũng đang thăm dò nghiên cứu.

Sự khác biệt của thị trường bán lẻ trực tuyến tại Việt Nam

Theo ông Vũ Vinh Phú – Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, sự xuất hiện của kênh thương mại văn minh cách đây gần 20 năm bao gồm các siêu thị, trung tâm thương mại tại Thủ đô đã đem lại bộ mặt mới cho thương mại bán lẻ trong thời kỳ Việt Nam bước vào hội nhập kinh tế khu vực và thế giới. Đến nay, trên địa bàn Hà Nội đã có 70 siêu thị, 15 trung tâm thương mại, song song với đó là 400 chợ truyền thống hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ.

Ngoài phương thức bán hàng trực tuyến còn có các phương thức mới như bán hàng qua điện thoại, truyền hình, bán hàng qua mạng… Các hình thức này đã đem lại nhiều tiện ích cho người tiêu dùng và doanh số bán hàng theo hình thức thương mại điện tử lên đến hàng tỷ USD (theo số liệu của bộ Công thương).

Tuy nhiên, ông Nguyễn Lâm Thanh – Tổng thư ký hội truyền thông số Việt Nam nhận xét, ngành bán lẻ Việt Nam “hơi khác” với thế giới. Người Việt Nam lên mạng với tâm lý đi mua hàng giá rẻ trong khi ở các nước khác, người dân mua hàng trên mạng với tâm lý là tìm kiếm sự tiện lợi.

Theo ông Thanh, hiện nay, các tên tuổi lớn trên thế giới trong ngành bán lẻ đều đã bổ sung thêm kênh online nhưng Việt Nam thì chưa nhiều. Số liệu từ một báo cáo cho biết tỷ lệ mua hàng online tại các nước Đông Nam Á nói chung mới có 1% nhưng ở Việt Nam, Thái Lan hay Indonesia, tỷ lệ này còn thấp hơn, chỉ có 0,1 – 0,2%.

Bên cạnh đó, do chưa có đơn vị lớn đủ uy tín nên người Việt Nam không dám lưu lại số thẻ tín dụng để thanh toán trực tuyến lên các trang mua sắm, vì vậy việc mua sắm trực tuyến của người Việt có đến 98% là giao hàng và thanh toán tại nhà.

Các mặt hàng trực tuyến cũng chưa quá phong phú khi 40% sản phẩm khách mua hàng qua mạng là thời trang, 80% đến từ đồ điện tử, gia dụng, thực phẩm.

Thị trường vẫn còn đang bỏ ngỏ

Theo báo cáo của GSO và Nielsen, thị trường bán lẻ là thị trường phát triển nhanh nhất trong thời gian gần đây, đặc biệt là tiêu dùng nhanh và Việt Nam là thị trường có tốc độ phát triển nhanh nhất.

Ông Nguyễn Ngọc Hưng – Tổng giám đốc của disieuthi.vn cho rằng, lẽ ra thị trường thương mại điện tử Việt Nam phải đạt trên 20 tỷ USD mới tương xứng với quy mô dân số trẻ, trong đó có 1/3 số người sử dụng internet và hơn 50% số người sử dụng internet có mua sắm online như hiện nay. Tại Việt Nam chưa có sàn giao dịch FMCG (bán lẻ trực tuyến) và cũng chưa có siêu thị nào đầu tư vào FMCG E-commerce.

Chính vì vậy, theo ông Hưng, thị trường thương mại điện tử với các nhà bán lẻ hiện nay còn đang bỏ ngỏ, chưa khai thác nhiều, tính chuyên nghiệp chưa cao, chưa lấy trọn niềm tin của người tiêu dùng.

Hiện nay, tại Việt Nam đã có một số nhóm công ty hoạt động trong thương mại điện tử, cung cấp hàng hóa đơn ngành hoặc đa ngành như Lazada (đa ngành hàng) và Zalora (đơn ngành) cùng thuộc công ty Rocket Internet, tiki.vn của Sumitomo. Xuất hiện sớm nhất có thể kể đến các trang thuộc họ groupon như muachung, hotdeal thì tập trung vào giá cả. Ngoài ra là các trang quảng cáo phân nhóm như enbac.com, rongbay.com, vatgia.com…

Với lợi thế về vốn, công nghệ và kinh nghiệm, các tập đoàn nước ngoài chấp nhận chịu lỗ trong thời gian đầu hoạt động để có thể bao phủ toàn bộ các kênh tiếp cận của khách hàng và cạnh tranh bằng giá cả. Ông Vũ Vinh Phú – Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, việc đổ bộ của các tập đoàn bán lẻ vào ngành bán lẻ nói chung và bán lẻ trực tuyến nói riêng tại Việt Nam là xu thế tất yếu không thể ngăn cản được, vì vậy, điều quan trọng là năng lực của doanh nghiệp Việt như thế nào.

“ Chúng ta đang yếu ở nguồn nhân lực, vốn và nhất là liên doanh liên kết. Do đó, chúng ta phải mua lớn bán lớn, phục vụ chuyên nghiệp như giao hàng nhanh, giữ chữ tín, có trách nhiệm đến cùng với hàng hóa. Nhà nước cũng cần có cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bán lẻ trong khuôn khổ những cam kết hội nhập”- ông Phú nêu ý kiến.

Dù xuất phát điểm chậm hơn nhưng người Việt Nam đang xếp số 1 trên thế giới về số lượng click trên internet. Bên cạnh đó, xu hướng mới của thương mại điện tử là sự dịch chuyển từ E-Commerce sang M-Commerce (mua hàng qua điện thoại di động). Chính vì vậy, ông Nguyễn Ngọc Hưng nhận định, “Đây là lúc thích hợp nhất để tham gia và thúc đẩy thị trường bán lẻ online của Việt Nam”.

Mỹ Hà

trangminh

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên