MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp Việt lo ngại trước "làn sóng" hàng giá rẻ sắp "tràn" vào Việt Nam

Khảo sát của VCCI cũng chỉ ra, có khoảng hơn 1/3 DN có thể cân nhắc sử dụng công cụ phòng vệ thương mại nếu gặp khó khăn do hàng nước ngoài cạnh tranh không lành mạnh hoặc nhập khẩu ồ ạt vào thị trường.

Trong khi các doanh nghiệp Việt Nam chỉ thực hiện bốn vụ điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam, thì hàng hóa Việt Nam ở nước ngoài đã bị điều tra 94 vụ và có 46 vụ bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại. Vậy điều gì cản trở các DN Việt Nam sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại?

Tại Hội thảo "Điều gì cản trở DN Việt Nam sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại để tự bảo vệ trước hàng hóa nước ngoài" do VCCI thực hiện, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng các vụ kiện phòng vệ thương mại ở VIệt Nam chủ yếu là các biện pháp tự vệ khi có 3/4 vụ là điều tra áp dụng biện pháp này.

Đây chỉ là biện pháp bảo hộ tạm thời trước tình trạng gia tăng đột biến của hàng hóa nước ngoài nhập khẩu gây thiệt hại trong sản xuất nội địa.

Bị kiện 46 vụ, chỉ kiện có 4 vụ

Do đó, các vụ kiện này đòi hỏi trách nhiệm chứng minh nhẹ nhàng hơn cho các nguyên đơn, như không phải chứng minh hành vi cạnh tranh không lành mạnh, không phải xuất trình thông tin về chi phí của hàng hóa nhập khẩu mà thường là rất khó tiếp cận, nên dễ đi kiện hơn.

Đồng thời, việc điều ta tự vệ của Chính phủ dễ thực hiện hơn do không phải đầu tư quá lớn nguồn lực để xác định, tính toán công thức chi phí phức tạp như kiện chóng bán phá giá, chống trợ cấp. Do đó, công cụ này là một ưu thế đáng kể so với các công cụ khác đối với cơ quan điều tra, vốn chưa trải qua nhiều thử thách thực tế từ các lĩnh vực này.

Trong cả ba vụ việc phòng vệ thương mại mà Việt Nam sử dụng, nguyên đơn chỉ bao gồm 1 – 2 doanh nghiệp, với sản lượng sản phẩm liên quan đến các nguyên đơn sản xuất chiếm tới khoảng trên dưới 70 – 80% tổng sản lượng sản xuất nội địa.

Điều này cho thấy, các DN có thị phần lớn là các DN mạnh, có đủ năng lực để thực hiện việc đi kiện theo các thủ tục phức tạp cũng như có đủ nguồn lực để đầu tư vào việc đi kiện, khi coi đây là một chiến lược kinh doanh của mình.

Tuy nhiên, theo bà Trang thì điều này cũng đồng nghía với việc công cụ phòng vệ thương mại hiện vẫn đang là công cụ của “nhà giàu”, chưa phải là công cụ để bảo vệ quyền và lợi ích của các DN nhỏ, vốn là những chủ thể được đánh giá là chịu tác động mạnh nhất từ các hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

Cũng theo Trung tâm WTO, các sản phẩm bị kiện trong cả ba vụ việc phòng vệ thương mại của Việt Nam đều không phải các sản phẩm trong tốp đầu về nhập khẩu vào Việt Nam. Đây là tín hiệu cho thấy nhiều loại hàng hóa khác của Việt Nam đang phải cạnh tranh gay gắt với hàng hóa nước ngoài nhập khẩu chưa được bảo vệ bằng công cụ phòng vệ thương mại.

Đáng chú ý, theo khảo sát về “Khả năng kiện chống bán phá giá – chống trợ cấp – tự vệ (kiện phòng vệ thương mại) đối với hàng hóa nhập khẩu gây thiệt hại cho Việt Nam” được Trung tâm WTO thực hiện với 1000 DN thuộc 6 ngành sản xuất cho thấy, khoảng 60 – 70% các DN được hỏi biết về công cụ phòng vệ thương mại

“Đặc biệt, các DN không chỉ biết về công cụ phòng vệ thương mại với tính chất là rào cản ở nước ngoài với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam, mà còn biết đến với tính chất công cụ có thể sử dụng ở trong nước, để bảo vệ chính mình”, bà Trang nói.

Hóa nhập khẩu đang "đe dọa" hàng nội

Tuy nhiên, hiểu biết này của DN chỉ dừng lại ở mức độ “sơ khởi”, nghe nói tới chứ không có kiến thức sâu về công cụ phòng vệ. Phần lớn các DN (77%) trả lời rằng mình biết cộng cụ phòng vệ thương mại thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.

Đáng chú ý, có tới 1/3 doanh nghiệp trả lời khảo sát rằng có tồn tại hiện tượng hàng hóa nước ngoài bán sang Việt Nam với giá thậm chí còn rẻ hơn giá bán tại thị trường nước họ. Hiện tượng này đang diễn ra phổ biến chứ không phải của riêng ngành nào.

Theo các DN trả lời khảo sát, có tới 70% DN cho rằng hàng hóa nước ngoài có thể bán với giá rất thấp vào Việt Nam là do các biện pháp bất hợp pháp, trong đó nguyên nhân là Chính phủ nước ngoài trợ cấp dưới các hình thức khác nhau; hoặc do phía nước ngoài cố tình bán rẻ (phá giá) để chiếm lĩnh thị trường giai đoạn đầu.

Việc sản phẩm nước ngoài bán giá thấp đã mang lại hệ quả lớn, khi có tới hơn nửa số DN được khảo sát cho rằng bị cạnh tranh nhiều hơn; 37,21% số doanh nghiệp cho rằng hiện tượng hàng hóa nhập khẩu bán giá thấp khiến họ không thể cạnh tranh được.

Về tình trạng gia tăng nhập khẩu một cách ồ ạt, bất thường của hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam, có tới trên 40% DN lại khẳng định có tồn tại hiện tượng này; 73% DN khẳng định có hiện tượng này. Thực tế này gây ra những thiệt hại lớn cho các DN Việt Nam, khi có tới 44,71% DN không thể chống đỡ được tăng lên.

Mặc dù sản phẩm hàng hóa của Việt Nam đang bị cạnh tranh và “đe dọa” nghiêm trọng đến khả năng cạnh tranh và giữ thị phần trên thị trường, song thực tế DN Việt Nam sử dụng rất ít công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ chính mình.

Khảo sát của VCCI cũng chỉ ra, có khoảng hơn 1/3 DN có thể cân nhắc sử dụng công cụ phòng vệ thương mại nếu gặp khó khăn do hàng nước ngoài cạnh tranh không lành mạnh hoặc nhập khẩu ồ ạt vào thị trường.

Tuy nhiên, có tới 71% DN cho rằng tập hợp lực lượng để đi kiện là rất khó khăn, 86% DN cho rằng nếu đi kiện thì sẽ gặp khó khăn trong huy động nguồn lực tài chính; chỉ 11% DN cho rằng các cán bộ nhân viên của DN có thể đáp ứng được yêu cầu đi kiện và chỉ 2% DN cho rằng có thể tập hợp được đầy đủ các thông tin, bằng chứng cần thiết cho việc đi kiện.

An Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên