MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dồn dập thông điệp cải cách thể chế kinh tế

Lần đầu tiên từ khi thành lập nước đến nay, chúng ta chuyển cách làm kế hoạch..

Kết thúc thời kỳ “GDP địa phương”, chấm dứt dàn trải, xin cho vốn đầu tư công, bước ngoặt lớn trong công tác lập kế hoạch… là những hàng tít lớn trên các báo điện tử của Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong hai ngày cuối tuần này.

Và đó đều là những thông điệp được phản ánh từ hội nghị toàn ngành kế hoạch và đầu tư, ngay khi mới qua ngày làm việc đầu tiên.

Không hoàn toàn mới, nếu không nói là đều đã cũ và quá cũ, song các vấn đề nêu trên vẫn có tính thời sự, bởi không chỉ dừng ở việc mổ xẻ, bàn thảo, phàn nàn như lâu nay, mà ít nhiều đều đã mang tính khẳng định.

Với GDP địa phương, như chúng tôi đã dẫn lời Thủ tướng, là cách tính “không giống ai cả” đã được nêu ra từ hàng chục năm về trước, nhưng đến nay mới được yêu cầu phải tính theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế, đảm bảo chính xác, sát thực tế.

Còn một việc “không hề mới” mà theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh thì đã thành thông lệ quốc tế nhưng lại là mới, thậm chí rất mới ở Việt Nam, đó là việc xây dựng kế hoạch đầu tư trung hạn cho cả giai đoạn 5 năm.

Lần đầu tiên từ khi thành lập nước đến nay, chúng ta chuyển cách làm kế hoạch từ hàng năm sang 5 năm, Bộ trưởng Vinh nhấn mạnh tại hội nghị toàn ngành, hôm 7/8.

Trong khi đó, hậu quả của việc làm kế hoạch manh mún là tình trạng đầu tư tràn lan, dàn trải, xin - cho vốn đầu tư công từng kéo dài triền miên hiển nhiên là chuyện đã cũ mèm. Và nợ đọng xây dựng cơ bản từng là vấn đề nóng rực tại diễn đàn Quốc hội.

Ngày 5/8/2014, ban hành chỉ thị về lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 - 2020, người đứng đầu chính phủ nêu mốc phấn đấu thanh toán cơ bản các khoản nợ đọng xây dựng cơ bản đến hết ngày 31/12/2014. 

Chỉ thị nêu rõ, từ năm 2015 trở đi, các cấp, các ngành phải thực hiện nghiêm các quy định của Luật Đầu tư công, không để phát sinh thêm nợ đọng xây dựng cơ bản. Nếu để phát sinh các khoản nợ đọng xây dựng cơ bản từ 1/1/2015, các bộ, ngành và địa phương bị xử lý vi phạm theo các quy định của Luật Đầu tư công.

Vẫn liên quan đến cải cách thể chế kinh tế, tuần thứ hai của tháng 8/2014 còn ghi nhận một thông điệp mạnh mẽ khác. Đó là kết luận của Thủ tướng tại hội nghị giao ban, sơ kết về tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước 7 tháng đầu năm vào sáng 6/8.

Yêu cầu các bộ, ngành, các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước cần phải đẩy mạnh hoạt động kinh doanh đồng thời với việc thực hiện tái cơ cấu, tập trung vào kiện toàn đội ngũ cán bộ lãnh đạo doanh nghiệp, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh: “Quan trọng nhất là sắp xếp lại đội ngũ cán bộ chủ chốt. Nếu không thực hiện được kế hoạch đặt ra thì tự nguyện từ chức”.

Vốn được coi là điểm nghẽn lớn trong cải cách thể chế kinh tế,tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước vẫn luôn là bài toán khó. Và khó nhất trong mọi cái khó chính là làm rõ và xử lý trách nhiệm. Việc có tới 84 doanh nghiệp nhà nước hiện chưa có bất kỳ tiến triển nào, thậm chí là chưa thành lập ban chỉ đạo cổ phần hóa được nêu tại cuộc giao ban là một minh chứng.

Nay, dù đằng trước hai chữ "từ chức" vẫn có hai chữ "tự nguyện" - điều quá hiếm hoi ở Việt Nam - song điều được nhấn mạnh từ người đứng đầu Chính phủ vẫn cho thấy một thông điệp mới. Bởi, yếu tố quyết định thành công của mọi công việc vẫn là con người.

“Chúng ta cần những con số thật”, đó là điều đã được Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh tại hội nghị toàn ngành kế hoạch và đầu tư, nơi có sự tham dự của rất nhiều lãnh đạo bộ ngành, địa phương.

Những con số thật chỉ có thể có được từ hành động thật và lời nói thật, chấm dứt những điều không giống ai và dũng cảm tạo nên bước ngoặt mới, bắt đầu từ chính các vị quan chức đó.

cucpth

VnEconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên