“Dự án ảnh hưởng rất rộng nhưng chưa được xem xét hết”
Nhóm các nhà khoa học gồm các chuyên gia về môi trường, đại diện Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VNR) vừa hoàn thành bản báo cáo cung cấp thêm lý luận.
Cập nhật những bằng chứng khoa học sắc bén để phản bác lại lập luận trong công văn mới đây của tập đoàn Đức Long Gia Lai gửi UBND tỉnh Đồng Nai.
Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, chủ biên của bản báo cáo – TS Vũ Ngọc Long, viện trưởng viện Sinh thái học miền Nam, thành viên VNR – cho biết: “Sẽ gửi báo cáo đến Quốc hội, ban thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), vườn quốc gia Cát Tiên, khu dự trữ sinh quyển và UBND tỉnh Đồng Nai kiến nghị dừng triển khai dự án thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A cho tới khi có một đánh giá môi trường chiến lược được thực hiện hoàn thiện”.
Hơn 60 xã bị ảnh hưởng chứ không chỉ ba, bốn xã
Đầu tháng 4.2013 VNR đã có báo cáo phản biện báo cáo ĐTM của dự án thuỷ diện Đồng Nai 6 và 6A khiến dư luận quan tâm. Vậy báo cáo lần này có gì khác so với báo cáo đó, thưa ông?
Công văn của tập đoàn Đức Long Gia Lai vừa gửi cho UBND tỉnh Đồng Nai muốn chứng minh với các đơn vị bị ảnh hưởng rằng việc làm của họ là đúng. Họ có quyền làm cái này cái kia và hy vọng dự án sẽ được phê duyệt.
Bản báo cáo lần này của VNR, tôi đã bổ sung rất nhiều các số liệu cũng như các nghiên cứu dựa trên kinh nghiệm mấy chục năm của tôi về nơi đây (TS Long từng là giám đốc chương trình phát triển cộng đồng dự án bảo vệ vườn quốc gia Cát Tiên – PV).
Trước đây tôi chỉ tham gia cùng VNR ở khía cạnh đa dạng sinh học, nhưng lần này tôi đề cập rộng và sâu tới các vấn đề mới như văn hoá các dân tộc thiểu số, vấn đề sinh thái nhân văn, nguồn nước, nông nghiệp, sinh kế… Tôi cho rằng phản biện lần này của VNR khá hoàn chỉnh và là cơ sở để Đồng Nai trả lời phía tập đoàn.
Ông có thể chia sẻ một trong những vấn đề phản biện đáng quan tâm nhất của báo cáo lần này?
Tôi cho rằng vấn đề đáng quan tâm nhất lần này là tập trung vào giá trị không thể thay thế được của tính đa dạng sinh học khu rừng Cát Lộc. Đây là giá trị không thể đánh đổi. Thứ hai, chúng tôi đề cập về phạm vi ảnh hưởng của dự án rộng hơn rất nhiều chứ không hẹp như chủ đầu tư trình bày trong báo cáo ĐTM.
Chúng tôi yêu cầu họ phải đánh giá toàn bộ tính lưu vực của nó. Tức là từ dưới chân đập bao gồm hơn 60 xã nằm ven sông cho tới đập Trị An. Khu vực này bị ảnh hưởng do họ có sử dụng nước của sông Đồng Nai và có ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp cũng như sinh kế và an toàn lương thực của họ.
Như vậy phạm vi của dự án không phải chỉ là ba, bốn xã bị ảnh hưởng trực tiếp từ lòng hồ như họ đề cập. Phạm vi dự án này ảnh hưởng rất rộng mà chưa được xem xét đến, những số liệu nghiên cứu trước đây về khu vực đó được chúng tôi cập nhật bổ sung kèm theo.
Phía dự án muốn chứng minh mình đúng nhưng họ có đưa ra được lập luận gì sắc bén hơn trong công văn mới đây không, thưa ông?
Cũng không có nhiều. Họ vẫn bảo thủ giữ quan điểm của mình và lờ đi rất nhiều phản bác. Tôi cũng có xem báo cáo ĐTM lần hai – mà họ cho là hoàn chỉnh, đã nộp cho bộ – nhưng cũng không khác gì lắm. Họ có bổ sung tổ chức nghiên cứu về đa dạng sinh học, tổ chức tham vấn cộng đồng nhưng mang tính hình thức và chưa theo đúng thực tế yêu cầu của nó.
Nhiều loài sẽ biến mất khi chưa được biết đến
Ông có nhấn mạnh tới giá trị không thể thay thế của rừng Cát Lộc, xin ông cho biết rõ hơn?
Về giá trị của rừng Cát Lộc tôi chỉ đề cập đến loài mới nhất vừa được tìm thấy mang tên tôi (Camellia Longii) thôi. Báo cáo ĐTM họ nói là không tìm thấy, không có nhưng họ không có chuyên môn, họ đâu có khả năng nhận biết đó là loài mới.
Loài này hiện nay tất cả các nơi khác chưa thấy có mô tả, chỉ xuất hiện riêng ở khu vực này. Hiện tôi đã lấy được mẫu, hoàn thiện và gửi báo ra cộng đồng quốc tế để được công bố một cách chính thức.
Trong báo cáo phân tích lần này chúng tôi khẳng định có rất nhiều loài sẽ bị biến mất đi trước khi người ta biết đến. Điều đó là sự thật, đặc biệt là ở khu vực này có nhiều loài chưa được nhiều người biết đến và vẫn cần nghiên cứu tiếp tục.
Diện tích rừng sẽ bị mất bao nhiêu vẫn là câu hỏi khiến dư luận băn khoăn. Phản biện lần này, VNR có ý kiến về điều đó như thế nào, thưa ông?
Tập đoàn Đức Long Gia Lai chỉ căn cứ vào bản đồ, lòng hồ lan đến đâu thì rừng mất đến đó nhưng trên thực tế diện tích rừng bị mất còn liên quan đến việc thi công đường dẫn, đường truyền tải điện. Khu vực hai bên bờ bên kia của Đồng Nai 6 và 6A không phải rừng của vườn quốc gia Cát Tiên nhưng nó vẫn là rừng đầu nguồn, rừng già rất tốt chứ không phải rừng xấu như họ vẫn nói.
Ngoài ra, người ta cứ tập trung vào Cát Tiên nhưng bên kia phía Dăk Nông cũng bị ảnh hưởng rất nặng. Rừng đầu nguồn rất tốt, có giá trị giữ nước và sinh thuỷ. Dự án thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A còn vi phạm vào vấn đề gọi là “khu vườn quốc gia”.
Người ta thường nói: “Khi bạn vào vườn quốc gia, hãy chụp ảnh hãy để lại dấu chân nhưng đừng lấy đi bất cứ cái gì, kể cả một chiếc lá cây”. Việc cho phép đầu tư vào khu vực bảo tồn nghiêm ngặt và lấy đi 137ha rừng đặc dụng có giá trị đa dạng sinh học cao là sự mất mát quá lớn.
Ví dụ dự án nằm trên khu vực Đồng Nai 3, Đồng Nai 4 hoặc bên ngoài thì nó sẽ không bị ảnh hưởng nhiều.
Đồng bào Mạ sẽ mất đi nơi dựa dẫm cuối cùng
Như trao đổi ban đầu, trong báo cáo lần này VNR có những phản biện gì trong việc bảo vệ nguồn nước và sinh thái nhân văn tại khu vực này?
Đây là khu rừng sinh thuỷ, do đó nó liên quan tới số phận của sông Đồng Nai và việc chia sẻ lợi ích của sông Đồng Nai không chỉ có Đồng Nai mà còn của Lâm Đồng, Dăk Lăk, Bình Dương và TP.HCM.
Thứ hai, dự án này triển khai sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới xã Đồng Nai Thượng. Theo tôi đây là xã cần được bảo vệ bởi đây là nơi cư trú của đồng bào dân tộc Mạ. Họ là người bản địa sống dựa vào rừng. Phía chủ đầu tư nói dự án được xây dựng sẽ có lợi, đem lại phát triển kinh tế cho đồng bào nhưng tôi cho là không phải vậy, cách nhìn của họ là họ hiểu sai.
Đồng bào Mạ sống dựa vào rừng là chính, nếu mất rừng họ sẽ mất đi nơi dựa dẫm cuối cùng, môi trường sống của họ bị đe doạ. Đồng bào Mạ sống rải rác cả ở Bảo Lâm, Bình Phước. Phía tả ngạn sông Đồng Nai như khu vực Đồng Nai Thượng là nơi cư trú lớn nhất. Trung tâm của đồng bào Mạ là ở đây.
Tôi muốn nhấn mạnh tới vấn đề sinh thái nhân văn vì đồng bào Mạ khác với người Kinh, họ không biết buôn bán. Từ xưa tới nay họ dựa vào rừng, xem xét mối quan hệ của rừng Cát Lộc nó không còn là rừng thôi mà rừng còn có con người trong đó. Ở đây con người được đặt như một loài cây, một “loại con”, một yếu tố làm nên hệ sinh thái cần được bảo vệ.
Theo Thanh Tuyền