Dự đoán tăng trưởng GDP cao: Đừng chỉ nhìn vào con số
Tất cả những con số được công bố chỉ là bề nổi của một tảng băng trôi...
-
Đối với đầu tư chứng khoán nói chung và để có hiệu quả, các nhà đầu tư phải phân tích rất khoa học về môi trường đầu tư, rủi ro có thể xảy ra trong thời gian đầu tư. Tóm lại, đầu tư chứng khoán là hành vi có cân nhắc cao và sự am hiểu.
-
Hiện đang có những điểm sáng có thể giúp tăng trưởng tín dụng, khi khả năng hấp thụ vốn sẽ dần tốt hơn từ nay tới cuối năm
Đến hẹn lại lên, nhiều tổ chức uy tín lại công bố những chỉ số liên quan đến tăng trưởng kinh tế, ổn định tài chính của mỗi quốc gia. Và trong đó, Việt Nam được nhiều tổ chức xếp hạng rất cao ở chỉ số liên quan đến phát triển kinh tế, đặc biệt là chỉ số GDP. Chẳng hạn, hãng tin Bloomberg nhận định, Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng cao thứ 2 thế giới với tốc độ đạt 6,6%; còn Economist lại cho rằng Việt Nam có thể đứng số 9 với tốc độ tăng trưởng xấp xỉ 7%...
Những con số dự đoán trên dường như sẽ "biết nói" khi được công bố trên toàn cầu – một lợi thế không phải quốc gia nào cũng có được. Và đến đây, liệu chúng ta có thể tổ chức ăn mừng? Ăn mừng vì nền kinh tế dần phục hồi và tăng trưởng trở lại, vì thu nhập người dân không ngừng cải thiện, hay vì hoạt động đầu tư sản xuất sẽ nhộn nhịp và sôi động…
Không! Tất cả những con số được công bố chỉ là bề nổi của một tảng băng trôi. Và thay vì chúng ta tự hài lòng với con số GDP dự báo, thì hãy tiếp tục phân tích lẫn xác định vị trí các yếu tố đóng góp vào GDP để có chiến lược khai thác hiệu quả. Bởi mức độ tăng trưởng kinh tế của mỗi quốc gia đều phụ thuộc vào các yếu tố đầu vào (vốn, lao động, TFP) hoặc các yếu tố đầu ra (tiêu dùng tư nhân, tiêu dùng chính phủ, tổng đầu tư tài sản cố định, xuất khẩu ròng…). Nếu đánh giá đúng các yếu tố này sẽ giúp hoạch định chiến lược phát triển kinh tế đúng hướng, hơn là chỉ nhìn vào những con số trên.
Tăng trưởng dựa những yếu tố đầu vào
Tăng trưởng kinh tế xét ở góc độ đầu vào, có ba yếu tố đóng góp. Đó là sự đóng góp của số lượng vốn đầu tư, đóng góp của số lượng lao động và đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP).
Theo nhiều nghiên cứu, giai đoạn 2006 – 2010, có lúc vốn đầu tư đóng góp vào tăng trưởng kinh tế Việt Nam lên tới 78%, lao động khoảng 20%, và còn lại là yếu tố TFP. Tuy nhiên, có một sự thay đổi lớn ở giai đoạn 2011 – 2014, tốc độ tăng TFP đóng góp vào tăng trưởng kinh tế tăng lên khoảng 27%, và yếu tố vốn đã giảm xuống còn hơn 53%. Điều này chứng tỏ, vai trò của TFP ngày càng được chú trọng trong phát triển kinh tế của Việt Nam, và dần đưa nền kinh tế Việt Nam theo hướng tăng trưởng về chất lượng lẫn chiều sâu.
Nhưng lạ thay ở Việt Nam, yếu tố TFP dường như chỉ được đánh đồng với hiệu quả đầu tư, cụ thể là chỉ số ICOR ở khu vực nhà nước, mà quên đi TFP là yếu tố năng suất các nhân tố tổng hợp. Nghĩa là, TFP phải thể hiện kết quả sản xuất mang lại do nâng cao hiệu quả sử dụng vốn (khu vực nhà nước, khu vực tư nhân) và lao động (các nhân tố hữu hình), nhờ vào tác động của các nhân tố vô hình như đổi mới công nghệ, hợp lý hóa sản xuất, cải tiến quản lý, nâng cao trình độ lao động của nhân viên…
Vì vậy dễ dàng nhận thấy, yếu tố TFP chỉ mới dừng lại ở cải thiện ICOR bằng phương pháp cơ học, mà chưa thật sự dựa vào cải tiến khoa học công nghệ - kỹ thuật,nâng cao cao trình độ quản lý, cũng như gia tăng năng suất lao động (Năng suất lao động của Việt Nam vẫn nằm ở top cuối bảng xếp hạng trong khu vực Đông Nam Á, 2015).
Nên chăng, cải thiện năng suất lao động, đổi mới khoa học công nghệ - kỹ thuật, nâng cao trình độ quản trị/quản lý phải quyết liệt, ưu tiên để hướng nền kinh tế tăng trưởng bền vững hơn, và dần thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.
Tăng trưởng dựa trên các yếu tố đầu ra
Còn tăng trưởng kinh tế xét ở yếu tố đầu ra gồm những đóng góp của: tiêu dùng tư nhân, tiêu dùng chính phủ, tổng đầu tư tài sản cố định, xuất khẩu ròng…
Theo những số liệu của Worldbank, tăng trưởng kinh tế Việt Nam chủ yếu do tiêu dùng cuối cùng. Trong đó, một dấu hiệu đáng mừng là sự tăng lên đều đặn của tiêu dùng tư nhân và sự suy giảm có chủ đích của tiêu dùng chính phủ. Một điểm sáng trong thống kê của Worldbank là tiêu dùng tư nhân gia tăng nhanh và ngày càng thông qua mua bán trên thị trường. Đây là động lực tăng trưởng kinh tế hấp dẫn với một thị trường bán lẻ đầy tiềm năng trong thời gian tới.
Tuy nhiên, tiêu dùng cuối cùng đóng góp nhiều trong tăng trưởng không có nghĩa là người dân giàu có và nền kinh tế Việt nam đang chuyển từ đầu tư sang tiêu dùng như nhiều quốc gia phát triển. Mà ở đó được lý giải do quy mô GDP của Việt Nam còn nhỏ, nên tỷ trọng tiêu dùng cuối cùng phải chiếm tỷ trọng lớn trong GDP; ngoài ra, mức tiêu dùng bình quân đầu người trong nhiều năm còn thấp nên nhu cầu và tốc độ tăng trưởng thường cao.
Động lực tăng trưởng tiếp theo của nền kinh tế Việt Nam đến từ đầu tư tài sản cố định, trung bình khoảng 6,6% cho giai đoạn 2015 – 2017. Khoản đầu tư này bao gồm đầu tư phi nhà ở - việc mua/xây nhà máy mới, và máy móc mới của các công ty; và đầu tư nhà ở - việc mua nhà hoặc các căn hộ mới của người tiêu dùng.
Theo thống kê từ Bộ Khoa học và Công nghệ, hiện nay cả nước có gần 600.000 doanh nghiệp với hơn 90% là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hầu hết đều đang sử dụng công nghệ tụt hậu so với mức trung bình của thế giới từ 2 – 3 thế hệ, trong đó có đến 76% số máy móc, dây chuyền công nghệ nhập thuộc thế hệ những năm 60 – 70 của thế kỷ trước, 75% số thiết bị đã hết khấu hao. Chính vì vậy, một thời gian dài, các khoản đầu tư tài sản cố định thường chảy vào kênh bất động sản để tìm kiếm lợi nhuận hơn là đầu tư trực tiếp cho sản xuất kinh doanh. Đấy cũng chính là nguyên nhân làm suy giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam so với các nước trên thế giới.
Thiết nghĩ, chính phủ nên có những biện pháp nắn dòng vốn đầu tư tài sản cố định của nền kinh tế sang đầu tư nhà xưởng, máy móc thiết bị, khoa học công nghệ…để tạo sức bật về năng lực sản xuất, đổi mới sản phẩm, gia tăng cạnh tranh…cho doanh nghiệp Việt Nam trong thời kỳ hội nhập AEC và TPP.
Tóm lại, tăng trưởng kinh tế nhanh, không bằng bền vững. Tăng trưởng ở số lượng, không bằng ở chất lượng. VàViệt Nam cần nỗ lực hơn nữa cho việc cải thiện mức độ đóng góp TFP ở gia tăng năng suất lao động, trình độ chuyên môn, khả năng quản trị…; nắn dòng vốn đầu tư tài sản cố định sang đổi mới khoa học công nghệ, nhà xương, máy móc thiết bị…; xây dựng một thị trường mua bán hàng hóa đa dạng về chủng loại, mẫu mã, chất lượng…để gia tăng hơn nữa giá trị tiêu dùng cuối cùng. Tất cả điều trên nhằm giúp khai thác hiệu quả các tiềm năng vốn có của những động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.