Dự thảo cơ cấu biểu giá bán lẻ điện: Trấn an hay đánh động?
Tại cuộc họp báo đầu tháng 5/2013, Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) có yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tính toán giá thành sản xuất để làm cơ sở xây dựng lộ trình điều chỉnh giá điện.
Tuy nhiên, khung giá bán lẻ điện cũng có thể thay đổi nếu dự thảo Bộ Công Thương đang lấy ý kiến được thông qua vào thời gian tới. Khi đó, kể cả trong trường hợp giá bán lẻ điện bình quân không có sự điều chỉnh, nhưng đối với nhiều đối tượng, giá điện và tiền điện phải nộp sẽ có sự tăng lên đáng kể.
Thử… "phản ứng"
Theo nhiều chuyên gia, tuyên bố trên đây của EVN là để "trấn an" dư luận đồng thời cũng "đánh động" thử phản ứng tăng giá điện. Bởi ai cũng biết, nếu căn cứ theo quy định, các yếu tố đầu vào và nhu cầu điện đang tăng ắt giá sẽ tăng… Đó là tất yếu, không trước thì sau. Giá cả, lạm phát đang "ổn" thì giá điện càng dễ tăng.
Thực ra, EVN chẳng
"khờ dại" đến mức không biết "té nước theo mưa": về nguyên tắc, EVN được
phép tăng giá bán thêm 5% nếu được Bộ Công Thương đồng ý. Điều đáng
ngạc nhiên là mặc dù than đã tăng giá từ ngày 20/4, nhưng EVN vẫn "bất
động", không cho ai hay việc than tăng giá như vậy sẽ "thiệt" cho EVN là
bao nhiêu.
Sự "đủng đỉnh" của EVN khiến mọi người sốt ruột, ngay cả cơ quan chủ quản là Bộ Công Thương cũng "nhắc nhở" yêu cầu EVN báo cáo, đánh giá những tác động của việc tăng giá than tới hoạt động của ngành điện cũng như giá thành sản xuất điện.
Ông Đặng Huy Cường - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, cho biết trên cơ sở báo cáo của EVN, Bộ Công Thương sẽ có cơ sở để xem xét lộ trình điều chỉnh giá điện. Hiện nay, EVN chưa có báo cáo gì, nên Bộ đang giao cho tập đoàn này xem xét, và phải chờ EVN tính toán.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Quang A, trong lúc nền kinh tế như thế này thì tăng giá điện là không phù hợp, càng dồn doanh nghiệp (DN) sản xuất - kinh doanh vào tình cảnh đã khó khăn càng khó khăn hơn, và chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế. Hiện nay, cơ bản EVN liên tục kêu lỗ nhưng có nhiều cách để giảm lỗ, như: giảm thất thoát, tăng cường công tác quản lý…, thay vì chọn giải pháp tăng giá điện.
Tất nhiên, việc tăng giá điện cũng có mặt tích cực là buộc các DN phải tìm cách cải thiện công nghệ, nhất là các ngành sử dụng nhiều điện để tiết kiệm năng lượng, nếu không muốn giá thành sản phẩm mình làm ra tăng quá cao. "Tuy nhiên, việc tăng giá điện sẽ kéo theo việc tăng giá các loại hàng hóa là khó tránh khỏi", ông A nói.
Cần cân nhắc thời điểm
Theo
Dự thảo lần thứ ba Quyết định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện do Bộ Công
Thương vừa công bố, về giá điện sinh hoạt, Bộ Công Thương đề xuất 6 bậc
thang thay cho 7 bậc thang hiện nay và giá được tăng dần theo thứ tự
bậc thang. Cụ thể, từ 0 - 50kWh có mức giá không lớn hơn 80% mức giá bán
lẻ điện bình quân, và từ 0 - 100kWh có mức giá không lớn hơn mức giá
bán lẻ điện bình quân.
Nếu sử dụng từ 101kWh - 200kWh, mức điều chỉnh giá là 108% giá điện bình quân. Hiện nay, khoảng này được chia thành 2 nấc: từ 101kWh - 150kWh, mức giá bán bằng 106% giá điện bình quân, từ 151kWh - 200kWh, mức điều chỉnh lên đến 134% giá điện bình quân.
Khi
khách hàng sử dụng từ 201 - 300kWh, mức tính sẽ chỉ bằng 138% giá điện
bình quân, giảm với so với tỷ lệ 145% áp dụng như hiện nay; và mức giá
cho kWh thứ 301 - 400 sẽ là 154% giá điện bình quân, giảm nhẹ so với tỷ
lệ 155% hiện nay. Từ kWh 401 trở lên, tỷ lệ điều chỉnh là 165% giá điện
bình quân, tăng 6% so với tỷ lệ 159% hiện nay.
Trong khi đó, giá điện cho sản xuất tùy thời điểm sử dụng sẽ tăng từ 2 - 7%; giá bán lẻ điện cho kinh doanh được đề xuất giảm 5% trong giờ bình thường, giảm 3% vào giờ thấp điểm và 8% vào giờ cao điểm cho các cấp điện áp.
Điểm đáng chú ý trong dự thảo này là Bộ Công Thương đã đề xuất áp giá điện riêng cho ngành sản xuất sắt thép, xi măng chứ không cho hưởng giá chung với các ngành sản xuất khác.
Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng điện cho sản xuất hiện chiếm 70%, điện cho sinh hoạt chỉ chiếm 30%, nên việc tăng giá điện cho sản xuất như dự thảo của Bộ Công Thương là tính toán "quá lãi" cho ngành điện. Ông Doanh đặt câu hỏi: trong lúc Chính phủ còn đang tìm các giải pháp để hỗ trợ cho DN vực dậy, thì tại sao lại đề xuất tăng giá điện gấp gáp như vậy?
Còn ông Nguyễn Tiến Nghi - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), khẳng định nếu dự thảo này được thông qua sẽ là bất hợp lý đối với ngành thép. Bởi rất nhiều lý do, từ việc phân biệt đối xử không công bằng giữa các ngành sản xuất, đồng thời các DN thép đang trong giai đoạn khó khăn lẽ ra cần được nhận thêm sự hỗ trợ để tồn tại và phát triển thì lại bị "vùi dập" một cách vô lý.
Mặc dù EVN đã khẳng định chưa tăng giá điện từ ngày 1/7, nhưng đã có những quan điểm cho rằng đây có thể là một "chiêu thức mới" để tăng giá điện mà không cần công bố gây hoang mang. Bởi quy định chỉ là điều chỉnh biểu giá bán lẻ điện. Cũng không phải không có lý khi nhiều chuyên gia cho rằng có thể sẽ có việc điều chỉnh giá điện trong thời gian tới, vì chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 5 tháng qua đều ở mức thấp, là điều kiện về mặt kỹ thuật để cơ quan quản lý vĩ mô tính toán cân nhắc một số mặt hàng thiết yếu vẫn còn bị kiểm soát giá chưa theo giá thị trường.
Ts. Nguyễn Đức Thành - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách (Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội), khuyến cáo cần cân nhắc thời điểm điều chỉnh giá từng mặt hàng, cũng như khoảng cách giữa các lần điều chỉnh để tránh cú sốc giá, gây áp lực, lạm phát tăng.
---------------------------------------
Rất khó khách quan và chính xác
Ts. Ngô Trí Long - chuyên gia kinh tế
------------------------------------
Ngành
điện lúc nào cũng muốn tăng giá, ngay cả năm 2012 dù làm ăn có lãi
nhưng vẫn tăng giá, vì khoản nợ của EVN hiện nay là rất lớn, Chính phủ
vẫn đang phải khoanh khoản nợ này cho EVN. Ở Việt Nam, ông "đá bóng" và
ông "thổi còi" rất thân với nhau, nên sẽ rất khó khách quan và chính
xác, do đó việc đưa ra con số chuẩn để quyết định có tăng giá điện hay
không là rất khó.
Đi ngược lại các nỗ lực cứu doanh nghiệp
Ts. Phạm Chi Lan - chuyên gia kinh tế
------------------------------------
Các
cơ quan Chính phủ cần xem xét tính tác động của việc tăng giá điện theo
nhiều phương án khác nhau để có cái nhìn tổng thể và cân nhắc việc tăng
giá là bao nhiêu, với tần suất như thế nào. Bởi khó khăn của DN hiện
nay là thật. Chúng ta đang cố gắng giảm, giãn nợ, thuế cho DN, hạ lãi
suất cho DN để họ cầm cự, quay trở lại kinh doanh, nếu tăng giá điện một
cách "bổ đầu" như hiện nay sẽ đi ngược lại các nỗ lực cứu DN.
EVN nợ xã hội một câu trả lời thuyết phục
Ts. Vũ Đình Ánh – chuyên gia kinh tế
------------------------------------
Thực
ra ngành điện bảo lãi thì là lãi, họ bảo lỗ cũng là lỗ. Bởi vì có thể
lý giải bằng chênh lệch tỷ giá và số lỗ của các năm trước cộng dồn
lại... Nó giống hệt như đối với ngành xăng dầu, cần lãi thì lãi mà cần
lỗ thì lỗ. Chính vì thế, EVN nợ xã hội này một câu trả lời thuyết phục
của việc điều chỉnh tăng giá điện.
Theo Việt Nguyễn