MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đừng đẩy khó cho doanh nghiệp

Quy định cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt còn nhiều điểm chưa rõ đã đẩy doanh nghiệp đến chỗ khó

Cho rằng việc Kiểm toán Nhà nước đề xuất truy thu 408 tỉ đồng tiền thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) là chưa thỏa đáng nên hầu hết ý kiến chuyên gia cho rằng cần quy định lại cơ sở tính thuế TTĐB theo giá bán của công ty thương mại nhưng không quá 10% giá thị trường. Nếu không, “sự cố” Sabeco sẽ còn xảy ra.

Dẹp hệ thống thương mại?

Ngoài Sabeco, hiện nay việc thành lập các công ty con - cháu đã trở nên phổ biến ở nhiều doanh nghiệp (DN). “Có thể do chưa lường hết được hoạt động của DN nên khi xây dựng Thông tư 05 (hướng dẫn thực hiện Luật Thuế TTĐB), Bộ Tài chính quy định chưa thật rõ ràng cơ sở tính thuế TTĐB. Đây là thực tế phải tìm cách khắc phục chứ không phải chuyện DN đúng hay sai vì họ có quyền làm những việc pháp luật không cấm” - một chuyên gia kinh tế nói.

Theo ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA), nếu nói Thông tư 05 có kẽ hở ở chỗ không quy định rõ ràng đánh thuế ở khâu nào trong hệ thống thương mại thì cần phải xem xét lại cả hệ thống thương mại Việt Nam trong sự so sánh với thế giới.

“Bất cứ DN nào trong nước hay trên thế giới đều phải tiêu thụ sản phẩm trong hệ thống thương mại. Như vậy, muốn bịt kẽ hở của Thông tư 05 thì phải đánh thuế tại các công ty thương mại cộng với tỉ lệ phần trăm khống chế mức nộp thuế trên giá bán ra hoặc là dẹp hệ thống thương mại. Tuy nhiên, dẹp hệ thống thương mại thì phi lý bởi hiện nay, chúng ta đang cần phát triển hệ thống này, các tập đoàn thế giới cũng đang ồ ạt vào Việt Nam. Còn áp dụng phương án đánh thuế thì phải xem xét, cân nhắc kỹ, đừng để DN chịu thiệt” - ông Việt nêu ý kiến.

Đừng hiểu theo cách dắt dây

Theo các chuyên gia về thuế, về nguyên tắc, thuế TTĐB chỉ thu ở nơi sản xuất. Bản thân thuế TTĐB đánh vào người tiêu dùng chứ không đánh vào DN, DN được giao làm nhiệm vụ thu hộ nhà nước (trên cơ sở số lượng sản phẩm sản xuất). Khi ban hành Thông tư 05, có thể Bộ Tài chính không tính tới khả năng các DN nằm trong diện phải đóng thuế TTĐB đã thành lập một loạt công ty thương mại (công ty con)… bán vòng vèo qua các công ty con trước khi bán ra thị trường.

Tuy nhiên, nguyên tắc giá tính thuế TTĐB trên giá của nhà sản xuất, nhà nước toàn quyền ấn định mức thuế cao hay thấp để hạn chế tiêu dùng mặt hàng đó nên việc quy định giá tính thuế theo giá bán của đơn vị thương mại là không đúng với bản chất của thuế TTĐB. Từng có nhiều năm làm việc trong lĩnh vực thuế, luật sư Trần Cẩm Chương, Trưởng Văn phòng Luật sư Trần Cẩm Chương, cho rằng thuế TTĐB dựa trên giá bán của nhà sản xuất, nhà sản xuất có quyền tự chủ trong kinh doanh, quyết định giá bán ra. Đó là hoạt động dân sự, cơ quan nhà nước không thể dùng mệnh lệnh hành chính để can thiệp vào hoạt động dân sự.

Ông Nguyễn Thái Sơn - nguyên Trưởng Phòng Pháp chế Cục Thuế TP HCM, Giám đốc Công ty Tư vấn thuế Sài Gòn - cho rằng Thông tư 05 quy định cụ thể và hướng dẫn cách tính thuế TTĐB, DN đã làm đúng theo hướng dẫn đó nên không thể nói DN vi phạm. Ngoài ra, theo luật, DN sản xuất và DN thương mại có quan hệ độc lập, liên kết với nhau; không thể đưa cách hiểu dắt dây rằng đây là hình thức công ty mẹ - con, chuyển lợi nhuận từ công ty mẹ sang công ty con… trong khi luật không đề cập.

“Chỉ có Quốc hội được trao quyền làm luật và giải thích luật. Kiểm toán Nhà nước là cơ quan thuộc Quốc hội nhưng không có quyền giải thích luật theo chủ quan của mình và yêu cầu các cơ quan chức năng, DN phải làm theo cách diễn giải đó. Kiểm toán có quyền nghi ngờ và kiến nghị sửa luật, sửa thông tư để bịt kẽ hở nhưng không thể đem phát hiện đó ra làm cơ sở… đòi tiền DN” - ông Nguyễn Thái Sơn nói.

Luật sư Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM, cũng cho rằng nếu các cơ quan nhà nước cứ suy diễn theo ý mình mà không dựa trên cơ sở pháp lý nào thì sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến DN. Ngoài một bộ phận DN nhà nước, có không ít DN tư nhân, DN có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động trong những lĩnh vực chịu thuế TTĐB. DN nhà nước có thể “xin” tiền nhà nước để nộp theo quyết định truy thu nhưng DN tư nhân, DN có vốn đầu tư nước ngoài biết “xin” ai để nộp?

Sửa Thông tư 05

Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Đậu Anh Tuấn, cho rằng Thông tư 05 và các văn bản khác chưa quy định chi tiết trường hợp cơ sở sản xuất bán hàng qua công ty cấp 1, cấp 2 của mình… thì tính thuế TTĐB như thế nào. Do đó, mới dẫn đến việc DN áp dụng theo hướng có lợi cho mình. Trong khi đó, theo nguyên tắc, DN không làm trái pháp luật thì không được xem họ có sai phạm và buộc truy thu thuế.

Cũng theo ông Tuấn, Bộ Tài chính chủ trì đang soạn thảo phương án sửa đổi Thông tư 05 theo hướng lấy mốc tính thuế TTĐB theo giá thị trường. Tức là có thể lấy giá của công ty thương mại nhưng không quá 5% hay 10% của giá thị trường để làm căn cứ tính thuế TTĐB. “Tuy nhiên, cộng đồng DN có ý kiến là giá thị trường rất khó xác định. Giá ở Hà Nội khác với giá ở Hà Giang bởi chi phí vận chuyển khác nhau nên tìm ra được kịch bản không phải dễ. Để thực hiện cần nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, có tham vấn các DN nhiều chiều” - ông Tuấn lưu ý.

P.Nhung

 

 

Theo Phương Nhung - Thanh Nhân

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên