EVN "coi nhẹ" lợi nhuận, tăng giá bù tiền cho xe sang
Ông Đinh Quang Tri - Phó tổng giám đốc tập đoàn Điện lực EVN cho biết, vấn đề lợi nhuận của EVN chưa phải là tiêu chí được đặt lên hàng đầu trong giai đoạn này, năm 2014, EVN chỉ đặt mục tiêu sản xuất kinh doanh có lợi nhuận.Trong khi phần lợi nhuận của EVN lại đang được bù tiền cho việc mua xe sang, xây biệt thự...
Vốn điều lệ của EVN lên tới hơn 143.000 tỷ đồng nhưng năm nay, EVN chỉ đặt mục tiêu tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu khoảng 1%.Thông tin trên Vnexpress, ông Đinh Quang Tri cho hay, năm 2014 Tập đoàn Điện lực Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Khả năng cung ứng điện cho khu vực phía Nam gặp nhiều khó khăn do đó, EVN phải tăng khả năng truyền tải của hệ thống điện từ miền Bắc và miền Trung vào miền Nam.
Cũng theo ông Đinh Quang Tri, tình hình sản xuất kinh doanh điện còn nhiều rủi ro do sự biến động của yếu tố đầu vào như giá nhiên liệu đầu vào, tỷ giá hối đoái, cơ cấu sản lượng, chính sách tín dụng, tiền tệ... Bởi vậy, EVN sẽ còn gặp nhiều khó khăn trong việc cân đối nguồn tài chính.
Ngoài ra, ông Tri còn cho biết, bên cạnh nhiệm vụ đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội và đời sống nhân dân, EVN còn có một nhiệm vụ hết sức quan trọng đó là tham gia cùng Chính phủ trong việc ổn định kinh tế vĩ mô; tiếp tục đẩy mạnh công tác an sinh xã hội và góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng...
Phó tổng giám đốc EVN Đinh Quang Tricho biết, vấn đề lợi nhuận của EVN chưa phải là tiêu chí được đặt lên hàng đầu trong giai đoạn này |
Lý giải về ý kiến cho rằng EVN chỉ tập trung vào việc xin điều chỉnh giá điện nhưng chưa chú ý đến việc đảm bảo chất lượng điện, ông Đinh Quang Tri cho biết, muốn chất lượng điện tốt thì cần phải tốn chi phí đầu tư, cải tạo. Điều này đồng nghĩa với việc không thể có giá điện rẻ được.
Trong khi đó, phần lợi nhuận của EVN lại được tập đoàn này bù tiền mua xe sang, xây biệt thự.
Theo quy định, Tập đoàn chỉ được mua ôtô 2 cầu, giá tối đa là 1,04 tỷ mỗi xe. Nhưng thực tế thanh tra Chính phủ đã chỉ ra việc EVN mua 2 xe Toyota Land Cruiser với giá hơn 2,5 tỷ đồng mỗi chiếc, đồng thời tính vào chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh chung.
Cùng với công ty mẹ, Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) cũng mua sắm xe công vượt giá quy định 2,2 tỷ khi sắm 6 chiếc Toyota Camry 2.4G cho hoạt động kinh doanh.
Giải thích về vấn đề này tại buổi họp báo tổng kết năm 2013 của Thanh tra Chính phủ ngày 10/1 vừa qua, ông Tri cho biết Tập đoàn đã thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính: "Phần trong định mức sẽ được khấu hao vào chi phí, còn phần vượt sẽ lấy lợi nhuận sau thuế để bù vào”, ông Tri cho hay.
Ngoài ra, tại cuộc họp báo này, Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra những sai phạm của EVN khi tính chi phí xây biệt thự, sân tennis, bể bơi... vào giá điện.
Theo Thanh tra Chính phủ, trong 6 dự án nguồn điện của EVN, gồm nhiệt điện Ô Môn 1, nhiệt điện Phú Mỹ 1 và 4, nhiệt điện Nghi Sơn 1, nhiệt điện Hải Phòng 1, nhiệt điện Quảng Ninh 1, đều có hạng mục “khu nhà quản lý vận hành và sửa chữa”.
Tuy nhiên, trên thực tế đó là 355.000 m2 đất được xây dựng gồm nhà ở cho cán bộ với các loại biệt thự đơn lập, nhà song lập, nhà liền kề, chung cư cao tầng, có cơ sở hạ tầng đi kèm như nhà trẻ, bể bơi, sân tennis… với tổng giá trị đầu tư trên 595 tỷ đồng.
Thanh tra Chính phủ khẳng định, toàn bộ chi phí này nằm trong tổng mức đầu tư dự án nguồn điện, do đó sẽ được tính vào giá bán điện là không đúng quy định.
Nhưng EVN đã được "xóa án" một cách bất ngờ khi trong chuyên mục Dân hỏi Bộ trưởng trả lời tối 26/1, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh lại khẳng định trong 6 dự án đầu tư, chỉ 1 dự án trên 60 tỷ đồng được tính vào giá bán điện, còn lại 5 dự án đang trong quá trình xây dựng và đưa vào sử dụng.
Theo Hà Oanh