FDI Trung Quốc: Lo lách luật, chèn ép doanh nghiệp Việt
Sự im lặng, làm ngơ, tiếp tay của cơ quan chức năng là nguy hại số 1. Điều này sẽ làm mất tính độc lập, chủ động của nền kinh tế VN...
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã có bài phân tích liên quan tới báo cáo của các sở LĐTB&XH các tỉnh, cảnh báo trước hiện tượng lao động Trung Quốc tràn lan tại các dự án FDI của nước này tại Việt Nam.
Trái với mục đích thật sự của FDI
PV:- Thưa bà, hiện tượng lao động Trung Quốc đang có mặt khắp các dự án FDI của nước này tại Việt Nam có thể hiện mâu thuẫn gì với chính sách thu hút FDI của Việt Nam với các quốc gia khác không? Tại sao lại có một “ngoại lệ” tồn tại nhiều năm như vậy, thưa bà?
Bà Phạm Chi Lan: - Tôi cho rằng ở đây không phải là vấn đề chính sách mà là ở vấn đề thực thi. Chính sách chỉ có một, không thể có ngoại lệ riêng cho nước này nước khác được.
Câu chuyện thực thi này thì nó gắn liền với trách nhiệm của các cơ quan quản lý, đầu tiên là cơ quan cấp phép dự án, phải chịu trách nhiệm chính về giám sát dự án.
Thứ hai, là nơi cấp phép lao động phải chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát hoạt động của doanh nghiệp theo đúng hợp đồng. Địa phương nơi có dự án cũng phải chịu trách nhiệm giám sát trực tiếp.
Để lao động Trung Quốc tràn lan mà không xử lý được thì phải xem xét lại chức năng nhiệm vụ của các cơ quan này. Có chuyện bao che, làm ngơ hay không?
Còn hỏi vì sao lại có một tiền lệ như vậy thì tôi cho rằng, do công tác xử lý của chúng ta còn gặp nhiều vướng mắc?
Riêng với lao động Trung Quốc, chúng ta còn quá nương nhẹ, do e ngại, cả nể một cách quá đáng. Không nên nhầm lẫn giữa quan hệ chính trị với quan hệ hợp tác kinh tế.
Theo lẽ thông thường, để quan hệ chính trị hai nước được tốt thì phải tách bạch mọi việc và có hướng xử lý một cách công bằng, minh bạch, sòng phẳng. Nhất là trong lĩnh vực hợp tác kinh tế vấn đề sai phạm bắt buộc là phải xử lý một cách nghiêm túc, không né tránh. Đó mới là giải pháp duy trì quan hệ bền vững.
Thứ hai, cũng phải nói tới thực tế không mới là hiện tượng bắt tay, đi đêm. Đã nhúng chàm thì làm sao lên tiếng, hay trừng phạt được.
PV:- Được hưởng nhiều ưu đãi, các dự án FDI từ Trung Quốc còn mang cả công nghệ (chủ yếu là công nghệ lạc hậu), lao động phổ thông… vào Việt Nam. Điều này cảnh báo nguy cơ gì vàvì sao, thưa bà?
Bà Phạm Chi Lan: - Các dự án FDI được hưởng nhiều ưu đãi, mà không có giải pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong nước phát triển thì cũng đồng nghĩa với việc họ đã tước đoạt quyền phát triển của các doanh nghiệp trong nước và tạo ra một sân chơi không sòng phẳng.
Cùng với đó, Trung Quốc lại kéo theo những lao động, máy móc thiết bị công nghệ cũ, lạc hậu sang làm việc tại các dự án FDI của nước này là trái với mục đích thật sự của FDI.
Nhưng, bản thân các dự án FDI của Trung Quốc họ cũng đã cố tình làm như vậy, một phần cũng do thái độ của các cơ quan chức năng Việt Nam khi quá ưu ái, quá nể vì đầu tư nước ngoài.
Hành động của Trung Quốc tại các dự án FDI có thể thấy khả năng họ đang lợi dụng chính sách, chèn ép sự phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam. Không chỉ trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, ngay cả trong sản xuất nông nghiệp, lương thực...các doanh nghiệp trong nước cũng đang gặp rất nhiều khó khăn.
Thực tế, FDI Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam không nhiều như các nước khác, nhưng mức độ hưởng lợi lại cao hơn rất đáng kể từ chính các dự án ODA nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Qua những cách như vậy, thay vì mất họ lại được rất nhiều.
Điều này lý giải tại sao lại có tới 90% công trình xây dựng trọng điểm hiện đều nằm trong tay Trung Quốc. Thậm chí, có những doanh nghiệp đứng ra thầu rồi lại bán cái lại cho Trung Quốc.
Tôi không biết đằng sau đó là những vấn đề gì, tại sao tổng thầu lại cứ là tổng thầu Trung Quốc? Nhưng đi đêm vẫn là mối nghi ngờ rất lớn của xã hội.
Lo ngại nền kinh tế mất tính độc lập, chủ động
PV:- Như bà phân tích có thể thấy, sức ép từ phía Trung Quốc với nền kinh tế Việt Nam rất lớn. Bà có thể phân tích, mối nguy nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào Trung Quốc đang ở cấp độ nào không, thưa bà?
Bà Phạm Chi Lan: - Nếu chỉ cần nhìn vào mức độ nhập siêu của Việt Nam cũng có thể thấy mức độ kinh tế phụ thuộc vào Trung Quốc là rất nặng.
Nhưng điều tôi lo sợ nhất là sự im lặng, làm ngơ hoặc tiếp tay cho hiện tượng này. Điều này sẽ làm mất tính độc lập, chủ động của nền kinh tế Việt Nam trong quan hệ với Trung Quốc.
Trên thực tế, bản thân những ngành sản xuất trong nước tại Việt Nam cũng đang phụ thuộc rất lớn vào nguyên liệu và thị trường Trung Quốc, đặc biệt những ngành xuất khẩu, điều này là rất đáng lo ngại.
Ví dụ, như ngành nông nghiệp của Viêt Nam, từ vật tư nông nghiệp, đến mua bán hàng hóa cũng bị phụ thuộc vào Trung Quốc thì đó là mối đe dọa rất lớn tới cuộc sống, thu nhập, việc làm của 70% người dân làm nông nghiệp, 50% lao động phổ biến của Việt Nam.
Còn với những ngành sản xuất khác thì như tôi đã nói, là nó đã làm mất các cơ hội của các doanh nghiệp Việt Nam, tạo sân chơi không lành mạnh. Dẫn tới tình trạng cô lập, vô hiệu hóa hoặc phá sản của các doanh nghiệp trong nước.
PV:- Khi đầu tư vào các nước khác trên thế giới theo diện FDI, Trung Quốc có tìm mọi cách đưa lao động bản xứ vào như tại Việt Nam hay không, thưa bà?
Bà Phạm Chi Lan: - Nếu nhìn ra một số nước như Châu Phi, Trung Quốc cũng đã làm như vậy, cũng mang người sang trên danh nghĩa là các dự án ODA. Một số nước xung quanh Việt Nam như Lào, Malaysia… cũng có tình trạng cả làng người Trung Quốc hình thành, nhưng thông thường thấm dần qua một thời gian, qua ODA là chính.
Nhưng qua FDI thì không nhiều lắm. Tại sao lại có tiền lệ đó tồn tại, tôi cho rằng, đó là do nền quản trị của mỗi nước khác nhau. Nói thẳng nếu nước nào quản trị yếu kém hơn thì bị lấn sân nhiều hơn. Quan trọng là chính phủ phải sạch thì mới làm được.
Kẻ trộm xâm nhập,có trách nhiệm của chủ nhà
PV: - Nếu như vậy thì phải hiểu thế nào về mục đích thật sự của các dự án FDI Trung Quốc? Và các nước khác đã phải ứng phó với “chiến lược FDI” của Trung Quốc như thế nào, thưa bà?
Bà Phạm Chi Lan: - Tôi không bác bỏ hoàn toàn các dự án FDI Trung Quốc, tôi cũng không cực đoan tới mức tất cả dự án FDI Trung Quốc đều xấu. Nhưng phải cẩn thận, tỉnh táo khi xem xét hợp tác là điều cần thiết.
Nên áp dụng không chỉ với các dự án của Trung Quốc mà với tất cả các dự án của một số nhà đầu tư khác. Không phải nhà đầu tư nào cũng mang dự án tốt đẹp vào Việt Nam.
Do đó, phải đòi hỏi sự tỉnh táo của nước chủ nhà ở đây chính là Việt Nam.
Việc lao động Trung Quốc tràn lan, rõ ràng chỉ đang xảy ra với nhà đầu tư Trung Quốc. Trung Quốc đang đi ngược lại hoàn toàn mục đích, quy định, luật pháp về FDI mà bất kể đối tác đầu tư nào cũng phải tuân thủ. Vậy thì phải có sự tăng cường, kiểm soát buộc họ phải thực hiện nghiêm khắc.
Về phía nước chủ nhà nhưng không giữ được nhà mà cho kẻ trộm, kẻ cướp vào thì đương nhiên đó là trách nhiệm của mình.
PV:- Vậy, theo bà Việt Nam cần phải làm gì?
Bà Phạm Chi Lan:- Trước hết phải tăng cường năng lực của các cơ quan chức năng, thực hiện nghiêm minh luật phát, bình đẳng các doanh nghiệp. Tăng cường vai trò giám sát.
Thứ hai, trong quan hệ với Trung Quốc cần phải sòng phẳng hơn chứ không nên biến mình thành người nhu nhược trong các vấn đề kinh tế.
Doanh nghiệp sai thì phải có quyền trừng trị, hãy nhìn cách họ thẳng tay trừng trị ngay các doanh nghiệp của nước họ, vậy tại sao chúng ta lại chưa làm gì.
-Xin cảm ơn bà đã trả lời cuộc phỏng vấn này!