MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

FDI và tâm lý vồ vập sính ngoại của người Việt

“Người Việt Nam vốn chuộng yếu tố ngoại nhập, quan chức Việt Nam càng đặc biệt chuộng vốn ngoại và doanh nghiệp ngoại”. Nhiều chuyên gia kinh tế đã cùng có nhận định như thế trong hội thảo về FDI gần đây.

Nhất bên trọng nhất bên khinh

Điều tra Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2013 của VCCI mới đây cho thấy, khoảng 32% doanh nghiệp dân doanh trong nước chung quan điểm họ đang ở trong mối quan hệ nhất bên trọng nhất bên khinh với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. 

Taị một số tỉnh, cảm nhận này phổ biến, đặc biệt là tại Tuyên Quang (49%), Nam Định (46%) và Hà Nam (44%). Tại Hà Nội, Bà Rịa – Vũng Tàu và Hải Phòng, cũng có đến 40% doanh nghiệp phàn nàn về việc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) được ưu ái.

Theo kết quả khảo sát, các tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long như Kiên Giang và Cần Thơ tạo ra được sân chơi bình đẳng nhất, trong khi các doanh nghiệp dân doanh tại Hà Tĩnh phải vật lộng với nhiều khó khăn hơn.

Báo cáo PCI 2013 cho rằng mặc dù một số doanh nghiệp nói đến tình trạng ưu đãi trong lĩnh vực tiếp cận đất đai và thủ tục hành chính, song mấu chốt là chính quyền tỉnh có tư duy quan tâm thu hút đầu tư nước ngoài hơn là giải quyết khó khăn và tạo điều kiện cho doanh nghiệp dân doanh hoạt động.

“Không biết từ lúc nào, tâm lý ưu đãi doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đã lấn lướt tràn lan lên mọi tư duy điều hành của các cán bộ địa phương lẫn trung ương. Cải cách thủ tục, cải cách cơ chế, ưu đãi thuế phí, ưu đãi đất đai…, điều gì cũng gắn với mấy chữ “rốt ráo”, “quyết liệt”, “nhanh chóng”. Chẳng mấy khi mấy chỉ đạo mang tính “quyết tâm cao” này được gắn với việc tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp trong nước.” – Ông Đinh Văn Tá – GĐ Công ty CP Phú Lâm ở Khu CN Bắc Thăng Long - Hà Nội chia sẻ.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng: “Khi vào Việt Nam, khối FDI được miễn giảm thuế trong thời gian dài, còn doanh nghiệp Việt không được hưởng ưu đãi này. Họ còn có thể vay vốn từ các ngân hàng trong nước một cách dễ dàng với lãi suất ưu đãi. Ngay cả sau này, khi Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm lãi suất thì trên thực tế, các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam vẫn phải vay cao hơn so với mức công bố. 

Đó là chưa kể các điều kiện kinh doanh hay tiếp cận thị trường, khối FDI cũng được tạo điều kiện hơn. Nếu tình trạng này còn tiếp diễn thì doanh nghiệp Việt chưa thể cạnh tranh nổi với doanh nghiệp nước ngoài trong thời gian tới.”

Không thể phủ nhận rằng FDI với tác dụng lan tỏa theo mô hình “đàn ngỗng bay” đã đóng góp một vai trò quan trọng cho thành công của quá trình công nghiệp hóa và chuyển đổi kinh tế của Việt Nam. Việc chú trọng ưu đãi, thu hút FDI mang lại một con số đẹp đẽ là 60% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam do doanh nghiệp FDI đóng góp.

Nhưng “Chuyển dịch cơ cấu mà Việt Nam đạt được trong thời gian qua do khu vực FDI và các cơ hội thương mại chứ không phải bằng năng lực của doanh nghiệp nội địa” - giáo sư Kenichi Ohno (Viện chiến lược chính sách Nhật Bản) bình luận.

Đây cũng chính là lí do mà đã đến lúc Việt Nam phải nhìn nhận lại câu chuyện này. 

Không ít tiêu cực đến từ dòng vốn FDI

GS Ohno cho rằng, FDI ẩn chứa nhiều tiêu cực mà các nhà điều hành vĩ mô phải lưu tâm đến để có các chính sách thể chế phủ hợp, nó thể hiện qua các vấn đề về môi trường, gây ra sự khan hiếm, kinh tế phát triển quá nóng (lạm phát và bong bóng), các hoạt động bất hợp pháp và sự thống trị của người nước ngoài.

Theo phân tích của ông Ohno, “một trong những tác động không mong muốn đầu tiên của FDI là việc khai thác các nguồn tài nguyên không tái tạo và hủy hoại môi trường, bao gồm phá rừng, ô nhiễm không khí và nước, ô nhiễm đất và thải ra các chất rắn nguy hại.

Ngoài ra, dòng FDI lớn chảy vào có thể cạnh tranh với các nguồn tài nguyên khan hiếm trong nước và tạo ra sự khan hiếm, nhập siêu, lạm phát hay bong bóng đầu cơ trong các nguồn lực này mà không đóng góp gì cho năng suất và đổi mới. 

Ví dụ, quá nhiều đầu tư vào các loại hình bất động sản không được kiểm soát có thể gây ra tình trạng bong bóng nhà đất và ùn tắc giao thông. Sự xuất hiện của các doanh nghiệp sử dụng lao động quy mô lớn có thể gây khan hiếm lao động phổ thông, đẩy mức lương chung tăng lên hoặc làm tăng di cư lao động từ vùng sâu vùng xa hay từ các nước láng giềng.

Trong trường hợp xấu nhất, FDI thậm chí còn tăng các hoạt động bất hợp pháp như tội phạm, ma túy, buôn bán vũ khí, rửa tiền, tham nhũng, trốn thuế, chuyển giá và các giao dịch bất hợp pháp khác”.

Phải “bình tĩnh để cân bằng lại”

Mặc dù nhiều yếu tố tiêu cực tiềm ẩn, FDI ngày nay vẫn đang được coi như là một yếu tố tích cực cho các nước đi sau, thậm chí các nước trên thế giới còn cạnh tranh gay gắt với nhau để thu hút FDI. Cuộc cạnh tranh này ngày càng nóng, kể cả đối với Việt Nam trong mối quan hệ với các nước trong khu vực.

Tuy nhiên, như đã nói ở trên, việc quá tập trung chăm sóc và ưu đãi khối DN FDI thay vì chăm sóc nhiều hơn cho khối DN dân doanh nội địa đã gây ra sự phụ thuộc bất hợp lí vào yếu tố ngoại quốc.

Phải nói thật là không có một nước nào có sự ưu đãi quá mức cho người nước ngoài và phân biệt đối xử với người trong nước như ở Việt Nam. Trong mọi hiệp định thương mại tự do, cái mà bên ngoài họ đấu tranh đòi chỉ là cái bình đẳng so với doanh nghiệp nội địa, nhưng Việt Nam thì có cái gì tốt đẹp nhất cũng đem dành hết cho người nước ngoài. Cần rút bớt những ưu đãi quá mức đối với đầu tư nước ngoài để tạo mặt bằng cạnh tranh bình đẳng cho các DN trong nước”

“ Một nền kinh tế muốn phát triển mạnh và bền vững đều phải dựa vào nội lực chứ không thể dựa vào bên ngoài. Dựa vào doanh nghiệp FDI để có con số tăng trưởng GDP, xuất khẩu đẹp chỉ mang tính hình thức nhất thời. Khi không còn cung cấp nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp FDI nữa, họ sẽ tự động rút lui khỏi thị trường và chuyển sang những mảnh đất màu mỡ mới. Khi ấy Việt Nam sẽ càng khó khăn hơn nữa.” – Nguyên Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Hồng Anh

uyenlt

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên