MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

FTA Việt Nam – EU: Bức tranh không chỉ màu hồng

Mức thuế trung bình áp dụng đối với dệt may là 11,7%, thủy sản là 10,8% và giày dép các loại là 12,4% - riêng với giầy da là 17%. Khi thuế suất bằng 0% quả là một lợi thế cho các doanh nghiệp này.

Năm 2011, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 5 của EU trong các nước Asean, với tổng giá trị  thương mại song phương 18 tỷ Euro, trong đó giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt 12,8 tỷ Euro; giá trị nhập khẩu từ EU vào Việt Nam đạt 5,2 tỷ Euro.

EU hiện là thị trường xuất khẩu quan trọng thứ 2 của Việt Nam cũng như là một trong những nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam. Trong năm 2011, tổng giá trị đầu tư của EU tại Việt Nam đạt 1,4 tỷ Euro, chiếm hơn 12% tổng giá trị vốn FDI đăng ký vào Việt Nam trong năm nay. 

Vòng đàm phán Hiệp định thương mại tự do - FTA song phương đầu tiên giữa Việt Nam – EU dự kiến sẽ diễn ra vào đầu tháng 10/2012.

Cũng như FTA Việt Nam – Hoa Kỳ, FTA Việt Nam – EU chắc chắn sẽ đem lại cả cơ hội và thách thức cho các nước đang phát triển như Việt Nam. Đồng thời nó sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong nước tăng trưởng mạnh; và Việt Nam sẽ có cơ hội đón nhiều dòng vốn đầu tư từ châu Âu.

Các chuyên gia nhận định rằng, từ phía Việt Nam lợi ích lớn nhất thu được bao gồm: tăng trưởng trong đầu tư của EU vào ngành công nghiệp dịch vụ của Việt Nam, tăng cường xuất khẩu của Việt Nam sang EU và cơ hội nâng cấp trình độ kỹ thuật của Việt Nam thông qua việc nhập khẩu hàng hóa chiến lược với mức giá thấp hơn.

Về tổng thể, các quốc gia sau khi tham gia FTA với EU đều đạt được những kết quả khả quan. Theo một nghiên cứu khác do VCCI tiến hành – phân tích tác động của một vài FTA mà EU ký với một số đối tác, các FTA mà EU ký trước đây với Chilê, Mehico và Nam Phi đã đem lại hiệu quả thương mại rất tích cực cho các nước này. 

Đối với Mehico, FTA còn mang lại cho nước này dòng vốn FDI khổng lồ từ EU bởi các doanh nghiệp EU sẽ được hưởng lợi khi xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ nhờ Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ NAFTA.

Cơ hội cho các doanh nghiệp dệt may, giày da, thủy sản

Năm 2011, 5 nhóm mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào EU gồm: Điện thoại các loại và linh kiện; giày dép; dệt may; hải sản và cà phê. 5 nhóm hàng này chiếm hơn 60% giá trị xuất khẩu sang EU của Việt Nam.
Nguồn: Tổng Cục thống kê

EU cũng là một trong 3 thị trường dẫn đầu về giá trị xuất khẩu 5 nhóm mặt hàng: Điện thoại các loại và linh kiện; giày dép; dệt may; hải sản và cà phê

Theo Mutrap, mức thuế suất áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam vào EU đã liên tục giảm và ở mức bình quân khoảng 4,1% năm 2009.

Tuy nhiên, mức thuế trung bình áp dụng đối với một số mặt hàng dệt may là 11,7%, thủy sản là 10,8% và giày dép các loại là 12,4% - riêng thuế nhập khẩu đối hàng giầy da là 17%.

Điều này đồng nghĩa, thông qua FTA, khả năng EU miễn trừ thuế quan đối với hầu hết các hoạt động thương mại sẽ giúp mang lại lợi thế so sánh cho Việt Nam so với các đối thủ cạnh tranh xuất khẩu vào thị trường EU.

Không chỉ là “màu hồng”

Thứ nhất, Việt Nam xuất khẩu sang EU là mặt hàng thô, nông thủy, hải sản, trong khi đó EU đưa ra các yêu cầu kỹ thuật, vệ sinh và chất lượng sản phẩm rất cao, nên không phải doanh nghiệp nào cũng có thể đáp ứng để đưa hàng vào thị trường này.

Thứ hai, mức thuế bình quân áp dụng với hầu hết các mặt hàng xuất khẩu của EU vào Việt Nam ngoại trừ đối với ô tô 24,2% và một phần với hàng điện tử 8,9%, về cơ bản đều ở mức thấp (cơ khí 3,4%, dược phẩm 2%, dụng cụ quang học và y tế 1,3%, máy bay 0%),. Tuy nhiên đó là tính trên mức bình quân, mức thuế đỉnh cho các mặt hàng như đã nêu vẫn tương đối cao – từ 10% đối với dược đến 90% đối với ô tô

Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu khác của EU vào Việt Nam đều được áp mức thuế tương đối thấp như với cơ khí (3,4%), dược phẩm (2%), sắt (2%), dụng cụ quang học và y tế (1,3%) và máy bay (0%). Tuy nhiên, ngoại trừ đối với máy bay, mức thuế đỉnh đối với các mặt hàng nêu trên vẫn còn ở mức tương đối cao (từ mức 10% đối với dược phẩm tới 90% đối với ô tô).

Vì vậy, FTA Việt Nam – EU thực hiện ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến ngân sách do nguồn thu thuế nhập khẩu bị ảnh hưởng, và thị trường ô tô trong nước sẽ cạnh tranh hơn.

Thứ ba, mặc dù ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên – Bộ Công thương cho rằng:” Với mối quan hệ tốt đẹp và tiềm năng sẵn có, FTA giữa khu vực và khu vực hay các FTA song phương giữa từng nước Asean với EU, trên thực tế đều nhằm mục tiêu cuối cùng là tăng cường hội nhập kinh tế, mang lại lợi ích thiết thực nhất cho các quốc gia, doanh nghiệp và các bên liên quan”.

Nhưng điều này đặt ra thách thức cho Việt Nam  trong việc cải cách quản lý ở cấp độ quốc gia nhằm tăng vị thế đàm phán.

Cải cách quản lý được nhận định là đóng vai trò quan trọng trong quá trình cải cách cơ cấu kinh tế, nhân tố cần thiết để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế dài hạn đối với Việt Nam và Asean, cũng như khu vực Đông Nam Á nhằm thu lợi ích kinh tế toàn diện thông qua trao đổi thương mại và đầu tư với EU.

Cuối cùng, trong ngắn hạn, nền kinh tế của khu vực EU đang phải đối mặt với nhiều thách thức hơn so với các nền kinh tế khác trên toàn cầu: tình hình nợ xấu, vỡ nợ của các nước EU. “Rất có thể tình hình kinh tế của EU có thể xấu hơn nữa so với những gì chúng ta dự báo” – nhận định của Chủ tịch Ernst & Young.

Vì vậy trước mắt tăng trưởng xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam vào EU không phải là chỉ màu hồng.  

Q. Nguyễn

quynhnn

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên