MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

FTA Việt Nam – EU: Thuận lợi và khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam

Việt Nam chưa có nền công nghiệp phụ trợ để các doanh nghiệp có thể cạnh tranh khi tham gia hiệp định như FTA Việt Nam – EU.

Ngày 02/03 tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công Nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo “Đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU: Cơ hội và thách thức nào cho Việt Nam? ”. Hội thảo trong khuôn khổ nằm trong khuôn khổ chiến dịch vận động chính sách của doanh nghiệp Việt Nam với Hiệp đinh thương mại tự do Việt Nam – EU, thuộc dự án MUTRAP III được Liên minh châu Âu tài trợ.

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (FTA) được xem là bước phát triển tiếp của những hiệp định khung đã được ký giữa 2 bên. Lãnh đạo cấp cao 2 bên cũng đều thể hiện đồng thuận trong xem xét nghiên cứu đàm phán hiệp định FTA.

Hội thảo là cơ hội để các doanh nghiệp, hiệp hội, các đơn vị nghiên cứu và cơ quan quản lý tìm hiểu, trao đổi thông tin về cơ hội thách thức FTA Việt Nam – EU có thể mang lại.

Ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch UB tư vấn về Chính sách Thương mại Quốc tế VCCI, buổi hội thảo ngoài việc cung cấp thông tin đa chiều về dự thảo FTA tương lai giữa Việt Nam – EU còn là sáng kiến khởi động từ phía cộng đồng doanh nghiệp. Các doanh nghiệp chủ động tham gia, đóng góp ý kiến ngay từ khi chưa có sự khởi động chính thức từ phía nhà nước.

Thông qua việc cung cấp thông tin cụ thể về những mặt tích cực cũng như bất lợi đến các ngành sản xuất, dịch vụ trong nước và phổ biến kinh nghiệm các nước có hoàn cảnh tương tự như Việt Nam khi ký kết FTA với EU.

Ông Huỳnh chia sẻ: “Tích cực, chủ động tham gia thì quá trình đàm phán chúng ta có thể kiểm soát được, cũng như sớm nhận ra cơ hội và thách thức. Doanh nghiệp chủ động tham gia sớm sẽ cung cấp thông tin quý báu cho các đoàn đàm phán Chính phủ để có những quyết định phù hợp”

Khi ký kết hiệp định với những quốc gia phát triển thì doanh nghiệp chịu cạnh tranh khốc liệt. Tuy nhiên hầu hết các doanh nghiệp đều hiểu được vì lợi ích quốc gia, lợi ích người tiêu dùng chấp nhận mức độ cạnh tranh “chịu đựng được” để được hưởng những lợi ích khác từ hiệp định.

Hiệp định thương mại tự do FTA Việt Nam – EU mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp do ưu đãi thuế quan, tiếp cận nhập khẩu các công nghệ cao từ các quốc gia tiên tiến.

“Những mặt hàng chủ lực của Việt Nam có thể khai thác được là dệt may, da giầy, thủy sản, đồ điện tử; nhưng chúng ta cần nhìn rõ hàm lượng Việt Nam là bao nhiêu do đàm phán là có sự đánh đổi”- Ông Huỳnh nhấn mạnh.

Chính phủ có quan điểm về việc nhận thức vị trí của Việt Nam trong chuỗi sản xuất toàn cầu vì thế các doanh nghiệp cũng cần xác định vị trí của mình trong nền kinh tế.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng có cùng quan điểm thúc đẩy ký kết một hiệp định thương mại tư do Việt Nam – EU. Theo bà Chi Lan thì EU là đối tác quan trọng của Việt Nam, là nhà đầu tư lớn hiện nay.

“Bên cạnh đó EU cũng là nhà cung cấp viện trợ lớn cho Việt Nam nhưng sẽ giảm dần khi Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình. Do đó để chuẩn bị cho việc giảm đi nguồn viện trợ EU thì cần tạo những kênh vốn đầu tư mới bù đắp”- Bà Phạm Chi Lan nói.

Hiện nay Chính phủ cũng khuyến khích những hình thức đầu tư như hợp tác nhà nước và doanh nghiệp (PPP) trong xây dựng cơ sở hạ tầng. Những hiệp định như thế này sẽ thúc đẩy các hình thức đầu tư như thế phát triển.

Có nhiều ý kiến lo ngại việc Việt Nam chưa có nền công nghiệp phụ trợ để các doanh nghiệp có thể cạnh tranh khi tham gia hiệp định như FTA Việt Nam – EU. Bà Chi Lan cho rằng bản thân các thành viên EU đều nhận thấy điều đó và hiệp định được ký kết sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp EU đầu tư vào Việt Nam để xây dựng ngành công nghiệp phụ trợ. Từ đó Việt Nam có thể cải thiện năng lực cạnh tranh, nâng vị thế quốc gia lên so với các nước trong khu vực.

Vấn đề là trong đàm phán cần sáng suốt để lựa chọn những điều khoản có lợi với những thế mạnh sẵn có, cố gắng giảm ảnh hưởng bất lợi. Các doanh nghiệp sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường EU rộng lớn với mức thuế thấp hơn và những rào cản thương mại phi thuế quan cũng sẽ giảm bớt. Có nắm bắt được cơ hội này không? Câu trả lời nằm ở các doanh nghiệp Việt Nam.

Cao Sơn

thanhhuong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên