Gần 23 tỷ USD vốn ngoại tiếp tục “chảy” vào Việt Nam
Tổng vốn FDI đăng ký cấp mới và vốn cấp bổ sung vào Việt Nam trong năm 2015 đạt 22,76 tỷ USD, tăng 12,5% so với năm 2014.
- 23-12-20151,5 tỷ USD vốn FDI đã đổ vào bất động sản TPHCM
- 09-12-2015Vốn FDI Nhật Bản chảy mạnh vào Việt Nam
- 07-12-2015Phú Yên thu hút hơn 4,5 tỷ USD vốn FDI
Theo số liệu mới công bố của Tổng cục thống kê, tính từ đầu năm đến thời điểm 15/12/2015, cả nước đã thu hút được 2.013 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 15,58 tỷ USD, tăng 26,8% về số dự án và giảm 0,4% về số vốn so với cùng kỳ năm 2014.
Đồng thời có 814 lượt dự án được cấp vốn bổ sung với số vốn đạt 7,18 tỷ USD. Như vậy, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới và vốn cấp bổ sung vào Việt Nam trong năm 2015 đạt 22,76 tỷ USD, tăng 12,5% so với năm 2014.
Trong đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện năm 2015 ước tính đạt 14,5 tỷ USD, tăng 17,4% so với năm trước.
Xét theo lĩnh vực, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 15,23 tỷ USD, chiếm 66,9% tổng vốn đăng ký.
Theo sau đó là ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 2,81 tỷ USD, chiếm 12,4%. Ngành kinh doanh bất động sản đạt 2,39 tỷ USD, chiếm 10,5% và các ngành còn lại đạt 2,32 tỷ USD, chiếm 10,2%.
Trong năm 2015, cả nước có 48 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép mới, trong đó thành phố Hồ Chí Minh dẫn đầu với số vốn đăng ký đạt 2,81 tỷ USD, chiếm 18% tổng vốn đăng ký cấp mới.
Tiếp đến là Trà Vinh 2,52 tỷ USD, chiếm 16,2%; Bình Dương 2,46 tỷ USD, chiếm 15,8%; Đồng Nai 1,47 tỷ USD, chiếm 9,4%; Hà Nội 910,7 triệu USD, chiếm 5,8%; Hải Phòng 573,1 triệu USD, chiếm 3,7%; Tây Ninh 502,9 triệu USD, chiếm 3,2%; Quảng Ninh 373,9 triệu USD, chiếm 2,4%.
Trong số 58 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư cấp mới tại Việt Nam năm 2015, Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất với 2,68 tỷ USD, chiếm 17,2% tổng vốn đăng ký cấp mới.
Theo sau đó là Malaysia đạt 2,45 tỷ USD, chiếm 15,7%; Nhật Bản 1,28 tỷ USD, chiếm 8,2%; Vương quốc Anh 1,26 tỷ USD, chiếm 8,1%; Sinapore 1,03 tỷ USD, chiếm 6,6%; Đài Loan 940,4 triệu USD, chiếm 6% tổng vốn đầu tư.