MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá dầu sẽ còn "ám ảnh" đến kinh tế Việt Nam năm 2016

Giá dầu ở mức 40 USD/thùng, đồng NDT phá giá 3%, cộng thêm phá giá kỹ thuật tiền đồng ở mức 3% và thu thuế từ khu vực kinh tế thực sẽ không bù đắp được phần ngân sách hụt thu từ xuất khẩu dầu thô do giá dầu giảm

Đó là nhận định của TS. Lương Văn Khôi - Trưởng ban Kinh tế thế giới thuộc Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) khi trao đổi với chúng tôi xung quanh việc giá dầu giảm và tác động đến nền kinh tế, thu ngân sách.

Thưa ông, giá dầu thế giới tiếp tục giảm và có diễn biến khó lường khi xuống mức dưới 40 USD/thùng. Ông nhận định thế nào về xu hướng giá dầu trong thời gian tới?

Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), trong quý 3/2015 giá dầu ở mức 48,16 USD/thùng; quý 4 là 49,16 USD/thùng; mức trung bình của năm 2015 là 51 USD/thùng và 2016 là 50,36 USD/thùng.

Tôi cho rằng diễn biến giá dầu thế giới phụ thuộc vào cung cầu thị trường, trong khi kinh tế thế giới phục hồi rất mong manh.

Thứ nhất, nguồn cung dầu hiện nay đã có thêm Mỹ, khi nước này làm chủ công nghệ khai thác dầu đá phiến và không phải nhập khẩu từ các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) nữa. Nếu công nghệ ngày càng cải tiến, chi phí giảm và Quốc hội Mỹ phê chuẩn xuất khẩu dầu thì đây là yếu tố tác động giá dầu thế giới.

Thứ hai, hiện các nước OPEC cũng đang tạo sức ép lên ngành công nghiệp khai thác dầu đá phiến của Mỹ bằng giá dầu rẻ, nhằm triệt hạ ngành này. Hiện sản lượng khai thác dầu của các nước thuộc tổ chức OPEC vẫn không giảm ngay cả khi giá dầu thế giới giảm sâu.

Nhiều chuyên gia nói: "Văn minh dầu mỏ sẽ kết thúc trong khoảng 40 năm tới" nên cuộc chiến dầu mỏ sẽ sớm kết thúc. 50 năm trước chúng ta cũng nói như vậy, song với công nghệ mới nhiều loại dầu mới đã được phát hiện và khai thác với trữ lượng lớn. Có nghĩa, khi công nghệ phát triển thì khai thác dầu mỏ tốt hơn với chi phí thấp hơn và nhiều loại dầu mỏ mới như dầu đá phiến được phát hiện.

Thứ ba, phát triển năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng sóng,… cũng là những yếu tố tác động tới giá dầu thế giới vì đây là những ngồn năng lượng thay thế dầu mỏ.

Thứ tư, yếu tố khủng hoảng địa chính trị tại Iran, Syria và Ukraine… cũng sẽ tác động tới giá dầu thế giới. Điển hình là khi Iran và nhóm các nước P5+1 đã đạt được thỏa thuận về hạt nhân trong tháng 7 và các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Iran sẽ được dỡ bỏ. Iran sẽ quay trở lại thị trường dầu mỏ thế giới với lượng cung khoảng 1 – 2 triệu thùng/ngày hoặc cao hơn nữa và sẽ làm cho nguồn cung tăng lên, tác động làm giảm giá dầu thế giới.

Trong khi đó, tình hình kinh tế của nhiều nước vẫn chưa thực sự được cải thiện và giảm tốc. Đặc biệt là Trung Quốc, mức tăng trưởng được dự báo sẽ giảm từ mức 7,3% trong năm 2014 xuống mức 6,8% trong năm 2015, nên nhu cầu về dầu mỏ sẽ giảm.

Nền kinh tế các nước xuất khẩu dầu như Nga, Trung Đông, Na-Uy, Trung Đông đều và châu Phi suy giảm mạnh hoặc rơi vào suy thoái. Nguồn thu từ dầu giảm sẽ tác động trực tiếp đến cầu trong nước, từ đó tác động đến nền kinh tế phát triển do cầu về hàng hóa của các quốc gia này từ các nền kinh tế phát triển giảm. Đơn cử nếu kinh tế Nga khó khăn thì khu vực châu Âu (EU-28) cũng bị ảnh hưởng do Nga và EU28 là những đối tác thương mại quan trọng của nhau.

Hiện Mỹ đang khai thác dầu đá phiến ở mức hòa vốn khoảng 50 USD/thùng, các nước OPEC như Ả rập Xeút, Bắc Kenya,… là 20 – 30 USD. Nếu xét theo năng lực tích trữ thì giá dầu sẽ dao động ở khoảng 35-40 USD/thùng. Nếu các nước OPEC vẫn tiếp tục ép ngành công nghiệp khai thác dầu đá phiến Mỹ và Iran cung lượng lớn dầu ra thị trường thế giới thì giá dầu có thể xuống dưới mức 30 USD/thùng.

Như vậy, giá dầu trong thời gian tới sẽ phụ thuộc vào cung - cầu về dầu của thế giới, vào triển vọng phục hồi của kinh tế thế giới, phụ thuộc vào động thái của OPEC với dầu đá phiến Mỹ cũng như khủng hoảng địa chính trị và nhân tố Iran.

Việt Nam là nước xuất khẩu dầu mỏ nên việc giá dầu giảm đang tác động lớn đến thu ngân sách. Vậy ông đánh giá thế nào về tác động này?

Đầu năm dự toán ngân sách thu từ dầu thô là 100 USD/thùng, nhưng giờ giá dầu giảm 40 USD. Trong khi đó ngành dầu khí đóng góp 20% ngân sách, nên chắc chắn ngân sách sẽ bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, cần thấy rằng giá dầu giảm tác động hai chiều. Trước hết tác động trực tiếp đến giá cả hàng hóa thế giới, khiến cho nguyên vật liệu đầu vào và kim loại cơ bản, giá đầu vào sản xuất nông nghiệp, chi phí phục vụ sản xuất trong nước giảm đi.

Từ đó kích thích nền kinh tế thực tăng trưởng và phát triển mạnh hơn. Khi khu vực kinh tế thực tăng trưởng và phát triển mạnh hơn thì DN sẽ đóng thuế nhiều hơn cho Chính phủ và bù đắp vào phần hụt thu từ giá dầu giảm.

Tuy nhiên, ngân sách Trung ương hiện đang phụ thuộc tới 20% từ xuất khẩu dầu thô. Nên khi giá giảm, thu ngân sách giảm sẽ tác động đến chi tiêu chính phủ và từ đó làm ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế nói chung.

Do đó, để hạn chế tác động tiêu cực từ việc giảm giá dầu, cần thúc đẩy để khu vực kinh tế thực tăng trưởng mạnh hơn, tận dụng lợi thế giá dầu giảm như cải cách sâu rộng và toàn diện DN.

Giảm giá xăng dầu thành phẩm trong nước cho phù hợp với diễn biến của xăng dầu thế giới, đồng thời có những chế tài buộc các ngành dịch vụ sử dụng xăng dầu như dịch vụ vận tải giảm giá cước vận chuyển để giảm đầu vào cho các DN sản xuất. Đồng thời, cải cách hệ thống thuế để tránh thất thu thuế, bù đắp thu cho ngân sách.

Vậy với các kịch bản giá dầu ở mốc 50 USD, 40 USD hay 30 USD thì ông dự báo sẽ tác động thế nào đến nền kinh tế và ngân sách?

Với kịch bản giá dầu ở mức 50 USD, cộng yếu tố đồng NDT phá giá 3%, phá giá kỹ thuật tiền đồng ở mức 3% thì tăng trưởng kinh tế Việt Nam tăng 0,03 điểm % trong năm 2015; Xuất khẩu tăng 0,2 điểm %, nhập khẩu giảm 0,08 điểm % trong năm 2015. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế sẽ giảm 0,15 điểm % trong năm 2016.

Với kịch bản giá dầu ở mức 40 USD/thùng, đồng NDT phá giá 3% và phá giá kỹ thuật tiền đồng ở mức 3% và thu thuế từ khu vực kinh tế thực không bù đắp được phần ngân sách hụt thu từ xuất khẩu dầu thô do giá dầu giảm, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2015 sẽ giảm 0,45 điểm %; năm 2016 giảm 0,58 điểm %. Thu ngân sách cuối năm 2015 sẽ giảm 2.000 tỷ; năm 2016 là giảm 13.000 tỷ.

Tuy nhiên, nếu tận dụng tốt việc giá dầu giảm, kích thích khu vực kinh tế thực tăng trưởng và phát triển, thu từ thuế DN tăng mạnh và bù đắp được phần hụt thu từ xuất khẩu dầu thô thì tăng trưởng kinh tế Việt Nam chỉ giảm 0,03 điểm % trong năm nay, song lại cải thiện trong năm 2016 với mức tăng trưởng tăng thêm là 0,34 điểm %.

Trên thực tế, thu ngân sách từ nội địa đã tăng mạnh trong 8 tháng đầu năm, thậm chí vượt dự toán. Điều đó cho thấy thu từ khu vực kinh tế thực đang tăng lên và bù đắp cho phần hụt thu từ dầu thô.

Với kịch bản 30 USD/thùng, đồng NDT phá giá 3% và phá giá kỹ thuật tiền đồng ở mức 3% và khoản đóng thuế của khu vực doanh nghiệp không bù đắp được phần ngân sách Trung ương giảm do giá dầu thô giảm, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2015 giảm 0,95 điểm %; năm 2016 là 1,08 điểm % và nền kinh tế Việt Nam sẽ rơi vào thời kỳ giảm phát với tỷ lệ lạm phát ở mức – 0,3% trong năm 2015 và -0,6% trong năm 2016. Đồng thời, thu ngân sách năm 2015 giảm 5.000 tỷ và năm 2016 giảm 25.000 tỷ.

Nhưng nếu tận dụng được lợi ích từ giá dầu giảm, kích thích khu vực kinh tế thực, bù đắp được được phần hụt thu ngân sách từ xuất khẩu dầu thô, thì tăng trưởng kinh tế năm 2015 chỉ giảm 0,02 điểm % và tăng 0,26 điểm % trong năm 2016.

Cẩm An (thực hiện)

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên