Gia nhập TPP: Lo cho Dệt may Việt Nam
Gia nhập TPP (Hiệp ước Đối tác xuyên Thái Bình Dương) sẽ đưa Việt Nam nằm trong một trong ba trung tâm của ngành dệt may thế giới.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) hiện nay Việt Nam có nguy cơ trở thành một trung tâm “3 không”: không nguyên liệu, không thiết bị, công nghệ và không có thị trường.
Ông Nguyễn Đức Tuấn, Phó Tổng thư ký VITAS, cho biết, dự kiến việc đàm phán tham gia TPP của Việt Nam nhiều khả năng hoàn tất vào cuối năm nay. TPP đặt ra quy định về quy tắc xuất xứ đối với hàng dệt may của các nước thành viên để được hưởng thuế suất 0%, đó là công thức “từ sợi trở đi” (yarn forward), tức là các công đoạn từ kéo sợi, dệt, nhuộm, hoàn tất và may phải được làm tại các nước thành viên TPP.
Điều này đã gây khó cho Việt Nam khi 88% nguồn cung nguyên phụ liệu may phải nhập khẩu từ nước ngoài. Để gỡ khó cho các nước thành viên (mà chủ yếu là Việt Nam, Malaysia và Mexico), các bên tham gia đàm phán đang đưa ra sáng kiến là áp dụng giải pháp “nguồn cung thiếu hụt” (short supplying list) cho phép ngành dệt may của các nước được tiếp tục mua một số nguyên liệu từ bên ngoài khối để sản xuất. Thời hạn của giải pháp này là khoảng 3 năm.
Việt Nam đã đàm phán để đưa vào danh mục hơn 80 loại hàng hóa và muốn kéo dài thời gian của giải pháp này hơn nữa, nhưng có vẻ sẽ rất khó khăn.
Đây cũng là vấn đề đau đầu nhất trong quá trình gia nhập TPP. Theo khảo sát bước đầu của VITAS, bông nhập khẩu trong năm 2012 của cả nước là 415.000 tấn, chiếm đến 99% nhu cầu sản xuất, khoảng gần 90% sản phẩm của doanh nghiệp dệt may Việt Nam được thực hiện theo phương thức CMT (cắt-ráp-hoàn thiện).
Về công nghệ, thiết bị, Việt Nam không có nhiều lợi thế và cũng đang phải nhập khẩu từ nước ngoài. Thị trường nội địa vẫn đang bị bỏ ngỏ và rất ít doanh nghiệp tiêu thụ được sản phẩm trong nước.
“Nếu tình trạng này không được cải thiện sẽ tạo ra những hệ lụy lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của ngành dệt may Việt Nam thời gian tới. Trong ngắn và trung hạn sẽ khó khai thác được lợi thế do TPP và FTA (Hiệp định thương mại tự do) mang lại nếu áp dụng công thức “từ sợi trở đi” hoặc yêu cầu cao về quy tắc xuất xứ được áp dụng.
Trong dài hạn, không kích thích được người lao động, dễ bị tổn thương khi xuất hiện những thị trường lao động giá rẻ và điều quan trọng hơn là không tạo ra sự phát triển ổn định, bền vững của ngành”, ông Tuấn nói.
Theo Nguyễn Trường