MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá xe ô tô chưa hợp lý với túi tiền người Việt

Đây là nội dung trả lời của ông Nguyễn Mạnh Quân - Vụ trưởng vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công Thương về những mục tiêu chưa đạt được của ngành công nghiệp ô tô sau 10 năm quy hoạch.

Sáng nay, 22/8/2013, Báo Công thương điện tử tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Phát triển ngành công nghiệp ô tô trong xu thế hội nhập".

Tính từ Quyết định số 117/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn 2020, đến nay đã gần 10 năm. Mục tiêu "Xây dựng và phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam để đến năm 2020 trở thành một ngành công nghiệp quan trọng của đất nước, có khả năng đáp ứng ở mức cao nhất nhu cầu thị trường trong nước và tham gia vào thị trường khu vực và thế giới" đã đi được nửa chặng đường với nhiều thách thức, khó khăn.

Trả lời câu hỏi về những két quả đạt được cũng như chưa đạt được trong gần 10 năm thực hiện quy hoạch theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ông Nguyễn Mạnh Quân- Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng- Bộ Công Thương cho biết ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ.


Có thể kể đến việc hình thành nên một ngành công nghiệp lắp ráp ô tô. Đã có 18 doanh nghiệp FDI và 38 doanh nghiệp trong nước tham gia với năng lực sản xuất khoảng 460 nghìn xe/năm, gồm đầy đủ các chủng loại xe con (200 nghìn xe), xe tải (215 nghìn xe)...

Hàng năm, ngành công nghiệp ô tô đóng góp bình quân hơn 1 tỷ USD tiền thuế cho ngân sách Nhà nước và giải quyết công ăn việc làm cho khoảng 80 nghìn lao động. 

Tuy nhiên, cũng phải nhấn mạnh, tiêu chí của ngành sản xuất ô tô thực sự là chưa đạt được, mới dừng ở mức độ lắp ráp. Dây chuyền sản xuất đầy đủ gồm 3 công đoạn chính là hàn, tẩy rửa sơn và lắp ráp. 

Chính vì thế, tỷ lệ nội địa hóa xe lắp ráp chưa cao, đến nay mới chỉ đạt bình quân khoảng 7-10% đối với xe con (Thaco đạt 15-18%, Vinaxuki đạt khoảng 40%) và đến 35 - 40% đối với xe tải nhẹ (Thaco đạt khoảng 33%, Vinaxiuki đạt khoảng 50%). Trong khi đó, mục tiêu đề ra là 40% vào năm 2005, 60% vào năm 2010 đối với các loại xe thông dụng. 

Quan trọng hơn cả, mục tiêu giá bán xe hợp lý, phù hợp với túi tiền người Việt Nam chưa đạt được. Giá bán xe ở Việt Nam vẫn ở mức cao so với các nước trong khu vực, chất lượng xe mặc dù cải tiến nhưng vẫn không bằng xe nhập khẩu. Vì vậy, mặc dù cao hơn 20% so với xe lắp ráp trong nước, xe nhập khẩu vẫn hút khách hơn đối với một bộ phận người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Mạnh Quân cho rằng, giá thành sản xuất ô tô ở Việt Nam cao hơn khoảng 20% so với các nước Asean là do sản lượng thấp, hầu hết các dây chuyền lắp ráp chỉ hoạt động đến 50% công suất. 

Ngọc Lan

thunm

Báo công thương

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên