MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giải ngân vốn ODA chuyển biến tích cực

Tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi ký kết năm 2014 đạt hơn 4,362 tỷ USD, gồm hơn 4,16 tỷ USD ODA vốn vay và vay ưu đãi, 202,05 triệu USD viện trợ không hoàn lại.

Sáng 3/2, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Ban Chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi đã họp với nhóm 6 ngân hàng tài trợ quốc tế nhằm đánh giá, xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình, dự án ODA trong năm 2015.

Theo báo cáo của Văn phòng Ban Chỉ đạo, công tác vận động và thu hút nguồn ODA và vốn vay ưu đãi, tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi ký kết năm 2014 đạt hơn 4,362 tỷ USD, gồm hơn 4,16 tỷ USD ODA vốn vay và vay ưu đãi, 202,05 triệu USD viện trợ không hoàn lại.

Giải ngân tiếp tục cải thiện

Nguồn vốn này tiếp tục ưu tiên dành hơn 70% để hỗ trợ phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội, tập trung để các cơ quan Việt Nam chú trọng đến công tác chuẩn bị dự án, đặc biệt chất lượng văn kiện và tính khả thi của các chương trình, dự án, đảm bảo mục tiêu duy trì nợ công bền vững.

Giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi năm 2014 đạt khoảng 5,6 tỷ USD (ODA vốn vay là 5,25 tỷ USD, ODA viện trợ không hoàn lại là 350 triệu USD), cao hơn 9% so với năm 2013.

Trong tổng số vốn giải ngân năm 2014 có khoảng 2,45 tỷ USD thuộc nguồn vốn xây dựng cơ bản, khoảng 2,1 tỷ USD thuộc nguồn vốn cho vay lại, khoảng 318 triệu USD thuộc nguồn vốn hành chính sự nghiệp và khoảng 732 triệu USD từ các khoản hỗ trợ ngân sách.

Theo đánh giá chung, sau những biện pháp đôn đốc kiên quyết, thường xuyên của Ban Chỉ đạo, giải ngân năm 2014 có những cải thiện đáng kể. Các nhà tài trợ quy mô lớn vẫn tiếp tục được duy trì mức giải ngân cao như Nhật Bản (JICA): 1,773 tỷ USD, WB: 1,386 tỷ USD, ADB: 1,058 tỷ USD.

Một số dự án đầu tư quy mô lớn cũng đã đóng góp vào mức giải ngân này như Dự án xây dựng Nhà ga hành khách T2-Cảng hàng không Nội Bài, Dự án cơ sở hạ tầng giao thông ĐBSCL, Dự án cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn Đồng bằng sông Hồng P4R, Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy nhiệt điện Ô Môn số 2 và lưới điện truyền tải khu vực ĐBSCL...

Ngoài ra, mức giải ngân năm 2014 cao nhờ các khoản giải ngân nhanh, hỗ trợ ngân sách như Chương trình EMCC 2 (383 triệu USD), Chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (SP-RCC 4: 130 triệu USD).

Trong năm 2014, một số công trình, dự án trọng điểm quốc gia như cầu Nhật Tân, đường nối Nhật Tân - sân bay quốc tế Nội Bài, Nhà ga hành khách T2 - Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai đã hoàn thành, được đưa vào khai thác sử dụng, góp phần hoàn chỉnh, hiện đại hóa hệ thống cơ sở hạ tầng, thúc đẩy liên kết vùng trong tiến trình phát triển khu vực phía Bắc.

Đại diện các nhà tài trợ đánh giá cao kết quả tích cực trong giải ngân vốn ODA. Ảnh: VGP/Nguyên Linh

Chú trọng công tác chuẩn bị, tiến độ đàm phán

Tuy tình hình thực hiện và giải ngân các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi những chuyển biến tích cực, song theo các ý kiến trong hội nghị là vẫn còn chậm hơn so với kỳ vọng. Giải ngân giữa các ngành, lĩnh vực và giữa các địa phương còn chưa đồng đều.

Những chương trình, dự án trong các lĩnh vực như giao thông, năng lượng điện, phát triển đô thị có mức giải ngân cao hơn so với các lĩnh vực khác như y tế, giáo dục và đào tạo, thông tin truyền thông, lao động, thương binh và xã hội.

Tương tự, giải ngân của các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM có mức cao hơn nhiều so với các địa phương khác trong cả nước.

Các nhà tài trợ lớn gồm WB, ADB, AFD, JICA, KEXIM, KFV... cũng khuyến nghị về một số vấn đề cần tháo gỡ trong xây dựng và phê duyệt Danh mục tài trợ, đàm phán và ký kết hiệp định, về sự phát sinh phổ biến  trong điều chỉnh thiết kế, tăng tổng mức đầu tư, phát sinh khối lượng hoặc chi phí, thay đổi nhân sự, điều chỉnh kế hoạch đấu thầu, vướng mắc liên quan đến quy định quản lý rút vốn, thiếu vốn đối ứng và chậm trễ trong công tác giải phóng mặt bằng...

Để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi trong thời gian tới, hội nghị kiến nghị và thống nhất một số biện pháp, hướng tới việc thực hiện nghiêm túc, đảm bảo chất lượng và tiến độ các nhiệm vụ trong Kế hoạch hành động cải thiện tình hình thực hiện các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi thời kỳ 2014-2015; tăng cường công tác chuẩn bị, tiến độ đàm phán và ký kết các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi.

Các cơ quan quản lý Nhà nước về ODA, cơ quan chủ quản, chủ dự án và các nhà tài trợ cũng thống nhất sẽ tổ chức thường xuyên các cuộc họp kiểm điểm tình hình thực hiện, xác định và kịp thời xử lý các vướng mắc nảy sinh, thúc đẩy tiến độ thực hiện và nâng cao tỷ lệ giải ngân các chương trình, dự án ODA.

>>>Từ năm 1993 – 2013: Việt Nam đã thu hút được 78,19 tỷ USD vốn ODA

Theo Nguyên Linh

PV

Chinhphu.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên