MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giải pháp gia tăng xuất khẩu dưới góc nhìn từ các hiệp định trong WTO

Theo TS Bùi Quang Tín, có 3 giải pháp để hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu bao gồm: Tỷ giá hối đoái; hỗ trợ tránh rơi vào trợ cấp đèn đỏ; và phát triển các trung tâm xúc tiến thương mại.

Nội dung nổi bật

- Theo TS Bùi Quang Tín, những chiến lược xúc tiến xuất khẩu có thể đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển của các quốc gia

-Có 3 giải pháp để hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu bao gồm: Tỷ giá hối đoái; hỗ trợ tránh rơi vào trợ cấp đèn đỏ; và phát triển các trung tâm xúc tiến thương mại.


Những chiến lược xúc tiến xuất khẩu có thể đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển của các quốc gia, đặc biệt của các nước đang phát triển nơi đang tìm kiếm cơ hội để biến xuất khẩu trở thành cỗ máy phục vụ phát triển kinh tế. Trở thành Thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) từ ngày 11/1/2007 là một công cụ quan trọng để tham gia hệ thống thương mại đa phương. Nó yêu cầu các thị trường trong nước mở cửa với thương mại quốc tế - nơi các ngoại lệ và những linh hoạt đã được thỏa thuận - nhưng cũng cung cấp nhiều cơ hội về thị trường lớn cho các nhà sản xuất trong nước.

Để có những hỗ trợ cho hoạt động xuất khẩu trong tương lai cũng như hoạt động hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam đang xuất khẩu, chúng ta có thể thực hiện một số giải pháp cơ bản, nhưng vẫn phù hợp với các thoả thuận trong các hiệp định của WTO.

Giải pháp đầu tiên là chính sách tỷ giá hối đoái. Về nguyên lý, tỷ giá hối đoái thay đổi sẽ làm thay đổi mức giá tương đối của hàng hoá và dịch vụ bằng đồng tiền trong nước và đồng tiền nước ngoài, nên tỷ giá sẽ có ảnh hưởng nhất định đến xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, do tỷ giá có tác động không chỉ đến xuất nhập khẩu mà nó có tác động đến lạm phát và ổn định thị trường tài chính. Chính vì vậy, tỷ giá là một công cụ quản lý vĩ mô rất quan trọng của chính phủ các nước, và khi sử dụng công cụ này trong quản lý vĩ mô, có hai vấn đề quan trọng mà các nhà hoạch định chính sách các nước đều phải xem xét khi quyết định cơ chế điều hành tỷ giá đó là ảnh hưởng của tỷ giá đến ổn định vĩ mô và ảnh hưởng  của tỷ giá đến xuất nhập khẩu.

Ngoài ra, cơ chế tỷ giá có thể tác động đến xuất khẩu qua ba kênh. Thứ nhất, chính sách tỷ giá có thể tác động trực tiếp đến các dòng thương mại, từ đó dẫn đến áp lực phải can thiệp bằng các chính sách thương mại như trợ giá hoặc thuế quan. Kênh thứ hai là thông qua tác động chung của chính sách tỷ giá đến cán cân thanh toán nói chung. Kênh cuối cùng là thông qua tác động gián tiếp của chính sách tỷ giá đến tăng trưởng và lạm phát trong nước.

Về trung hạn, tỷ giá hối đoái cần trở thành một công cụ hỗ trợ tích cực trong việc cải thiện cán cân thương mại, tăng khả năng cạnh tranh trong xuất khẩu, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Mục tiêu này chỉ có thể đặt ra khi nền kinh tế đã đạt được những điều kiện nhất định, như

- Tiềm lực tài chính của quốc gia đã đủ mạnh;

- Thị trường tài chính phát triển đầy đủ và vận hành ổn định;

- Tình trạng  đô la hóa trong nền kinh tế  được kiểm soát, lạm phát ở mức ổn định;

- Cơ cấu xuất nhập khẩu có sự thay đổi căn bản, theo hướng xuất khẩu các mặt hàng tinh chế, tỷ trọng xuất khẩu các mặt hàng thô giảm, giá trị hàng xuất được hình thành chủ yếu bằng nguyên, vật liệu trong nước.

Nếu như các điều kiện trên đều được thoả mãn thì để tỷ giá trở thành công cụ hỗ trợ tích cực trong việc cải thiện cán cân thương mại, tăng khả năng cạnh tranh trong xuất khẩu, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế thì định giá VND theo hướng thấp hơn giá trị của nó. Điều này, sẽ tăng khả năng cạnh tranh quốc tế của doanh nghiệp xuất khẩu, từ đó, đảm bảo tính bền vững của cán cân thanh toán, trong đó xuất khẩu đóng vai trò là trọng tâm. Đặc biệt, các doanh nghiệp xuất khẩu có tỷ lệ đầu vào của các nguyên vật liệu trong nước trong cơ cấu sản phẩm xuất khẩu cao - điều mà Việt Nam muốn khuyến khích - càng được lợi từ chính sách tỷ giá cạnh tranh này.

 Thứ hai, đối với trợ cấp đèn đỏ (nhóm trợ cấp đèn đỏ trong WTO là trợ cấp bị cấm sử dụng, bao gồm trợ cấp xuất khẩu và trợ cấp thay thế nhập khẩu để khuyến khích sử dụng đầu vào trong nước, khuyến khích nội địa hóa), khi có căn cứ xác định chính phủ Việt Nam trợ cấp dưới bất kỳ hình thức nào cho các doanh nghiệp đang hoặc sẽ thực hiện hoạt động xuất khẩu thì các quốc gia khác sẽ có thể áp dụng biện pháp khắc phục hoặc các biện pháp đối kháng tương ứng. Nói một cách khác, “Các quốc gia thành viên không được phép cấp hay duy trì các khoản trợ cấp xuất khẩu, bất kể dưới hình thức nào, cho dù là trợ cấp trực tiếp theo quy định của văn bản pháp luật (de jure) hay không được quy định về mặt pháp lý nhưng thực tế lại gắn với tình hình xuất khẩu của doanh nghiệp (de facto)” .

Do đó, giải pháp trong trường hợp này để khuyến khích xuất khẩu là Việt Nam có thể áp dụng các hoạt động hỗ trợ nhằm giúp cho các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu hoặc trong tương lai có định hướng sẽ xuất khẩu sản phẩm của họ ra nước ngoài. Việc hỗ trợ làm tăng khả năng cạnh tranh và năng lực sản xuất sản phẩm cho các doanh nghiệp sẽ tránh được trường hợp rơi vào trợ cấp đèn đỏ theo hiệp định SCM trong WTO.

Ví dụ như, Chính phủ Việt Nam ký kết các hiệp định song phương và đa phương với các quốc gia khác trong khuôn khổ WTO về việc tăng cường hỗ trợ trong lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, làm tăng năng lực sản xuất sản phẩm nhằm tạo điều kiện hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt nam trong thời kỳ đổi mới và hội nhập với thế giới. Với sự hợp tác như vậy, không một quốc gia nào trong tổ chức WTO có thể viện dẫn hành vi trên của Chính phủ Việt Nam là rơi vào trường hợp bị cấm – trợ cấp đèn đỏ.

Trường hợp khác, với những dự án đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam trong thời gian gần đây, từ đó kéo theo việc hàng loạt các công trình của chủ đầu tư vào cơ sở hạ tầng tại Việt Nam; đây cũng là một trong những cơ sở để giúp các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất, hạ giá thành sản phẩm và tăng tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế (vì lúc đó chi phí cho việc vận chuyển hàng hoá đã giảm so với trước đây) và dĩ nhiên, không một quốc gia nào trong WTO có thể viện dẫn đây là hành động trợ cấp trực tiếp hay gián tiếp từ chính phủ Việt Nam.

Mặt khác, trên thực tế, khi mà hầu như không một quốc gia thành viên nào của WTO lại không duy trì trợ cấp thì Việt Nam cũng cần nghiên cứu để duy trì một số biện pháp trợ cấp phù hợp nhất. Quan trọng là hình thức trợ cấp này nên thuộc loại “đèn xanh” và cũng có thể là “đèn vàng”, nhưng có thể được bỏ qua không sử dụng các biện pháp đối kháng hay biện pháp đối kháng mà quốc gia khác sử dụng có thể chấp nhận được đối với chúng ta; ví dụ như trợ cấp cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D); trợ cấp phát triển khu vực; trợ cấp bảo vệ môi trường; các biện pháp hỗ trợ về thông tin, tìm kiếm khách hàng, tham dự triển lãm, ...

Thứ ba, phát triển các Trung tâm xúc tiến thương mại (XTTM). Nghiên cứu những thực tiễn của công tác XTTM trên thế giới và tình hình thực tế của Việt Nam, dưới đây là một số khuyến nghị nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống XTTM, từ đó tăng cường và khuyến khích xuất khẩu cho các doanh nghiệp:

Nâng cao nhận thức của các Trung tâm XTTM về sự cần thiết phải có một chiến lược phát triển trong trung và dài hạn phù hợp với mục tiêu XTTM của quốc gia cũng như phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Chiến lược của các Trung tâm XTTM địa phương ngoài việc đề ra các chỉ tiêu về XTTM của địa phương còn cần xác định "Tầm nhìn", "Mục tiêu phát triển trung và dài hạn của Trung tâm XTTM" và các giải pháp và nguồn lực cần thiết để có thể đạt các mục tiêu đề ra. Tổ chức các hoạt động đào tạo bồi dưỡng về quy trình xây dựng chiến lược cho các cán bộ Trung tâm XTTM.

Đối với mỗi Trung tâm XTTM, ngoài việc căn cứ vào mục tiêu XTTM của quốc gia cũng như phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, việc xây dựng chiến lược còn cần phải dựa vào phân tích điểm mạnh - điểm yếu - cơ hội - thách thức (SWOT) và môi trường cạnh tranh của mỗi Trung tâm để có chiến lược phù hợp; tiến hành khảo sát nhu cầu của doanh nghiệp, đồng thời tiến hành phân đoạn khách hàng phù hợp với mục tiêu chiến lược của Trung tâm và danh mục dịch vụ của Trung tâm; cần có cơ chế để định kỳ tham vấn được cộng đồng doanh nghiệp về chiến lược để có những điều chỉnh kịp thời (ví dụ như tổ chức hội nghị hàng năm, tham vấn các hiệp hội tại địa phương, ...).

Các mục tiêu của chiến lược cần được lượng hóa cụ thể theo kết qủa (ví dụ: mỗi năm phục vụ được bao nhiêu doanh nghiệp, mức độ tăng trưởng xuất khẩu của các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ của Trung tâm, ...) để có thể đánh giá một cách khách quan (hàng năm và định kỳ theo giai đoạn) về kết quả, tác động thực tế của công tác XTTM của địa phương.

TS. Bùi Quang Tín

CTV Hàng hóa

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên