Hậu WTO: Muốn thành “người lớn” không thể bất cẩn
TS. Hà Huy Tuấn - Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cảnh báo, gia nhập WTO luôn bao hàm cơ hội và thách thức.
Nếu quốc gia và DN chủ động hội nhập, chuẩn bị kỹ càng, xác định rõ lợi thế và điểm yếu để xây dựng chiến lược hội nhập phù hợp thì quá trình phát triển sẽ nhanh và bền vững.
Hưng phấn thái quá?
Chính thức là thành viên WTO tháng 11/2006, Việt Nam tiếp nhận các cơ hội mới. Việc tham gia vào quá trình toàn cầu hóa về thương mại - đầu tư không chỉ giúp Việt Nam mở cửa đối với thị trường bên ngoài mà cũng tạo dựng một môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, minh bạch hơn đối với thị trường nội địa…
“Như một cú hích về nhận thức trước viễn cảnh các ngân hàng nước ngoài vào Việt Nam với ưu thế vượt trội về công nghệ, tài chính, mạng lưới và thương hiệu, việc gia nhập WTO là hồi chuông cho các ngân hàng nội địa chủ động tiếp cận các phương thức quản trị mới trên thế giới”, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Hà Huy Tuấn đánh giá. Cũng bởi vậy, hầu hết các NHTM được cấp phép hoạt động trước năm 2007 để đón đầu cơ hội phát triển.
Đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế cũng như khẳng định vị thế, các ngân hàng liên tục gia tăng mạnh cả về tổng tài sản và vốn chủ sở hữu. Hầu hết các ngân hàng đều đạt được mức vốn pháp định là 3.000 tỷ đồng theo quy định của NHNN. Trong đó, một số ngân hàng còn có số vốn điều lệ khá cao như: VietinBank, Agribank, Vietcombank, BIDV, Techcombank…
Giá trị tổng tài sản của các NHTM cũng tăng mạnh. Trong giai đoạn từ năm 2007 - 2010, quy mô tài sản của các NHTM đã tăng gấp đôi, từ 1.069 nghìn tỷ lên 2.690 nghìn tỷ đồng và đạt khoảng hơn 4 triệu tỷ đồng vào cuối năm 2012.
Nhưng mặt trái của việc tín dụng tăng nhanh liên tục trong khi tốc độ huy động vốn không đáp ứng kịp đã khiến cho hệ thống ngân hàng đối mặt nhiều rủi ro. Cạnh tranh trong huy động vốn đã có lúc gay gắt đến mức các NHTM đã phải trao quyền chủ động về lãi suất, kỳ hạn gửi tiền cho khách hàng.
“Việc cho phép khách hàng gửi/rút tiền bất kỳ lúc nào với lãi suất theo kỳ thực gửi đã khiến các NHTM hoàn toàn rơi vào thế bị động. Và điều này đã khiến hệ thống ngân hàng đối mặt thêm những rủi ro lãi suất, kỳ hạn”, TS. Nguyễn Thị Hải Hà - Phó giám đốc Trường Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực VietinBank, nhận định.
Nguyên nhân dẫn đến bất ổn trong hoạt động của hệ thống ngân hàng ở một số thời điểm “nóng” được TS. Hà Huy Tuấn chỉ ra chính là do sự chuẩn bị chưa kỹ càng khi bước vào hội nhập WTO, lúc rủi ro và thách thức ngày càng lớn hơn nhưng công tác quản lý, giám sát ngân hàng chưa bắt nhịp với xu thế vận động của thị trường. Trong khi đó, quy chế an toàn còn nhiều lỏng lẻo, bỏ ngỏ các rủi ro lớn về sở hữu chéo, đồng loạt chuyển đổi mô hình hoạt động cho ngân hàng…
TS. Lê Đăng Doanh cho rằng, chính sự “hưng phấn” thái quá, cộng với việc muốn nhanh chóng trở thành “người khổng lồ”, tạo nên trào lưu ngân hàng nông thôn muốn chuyển lên thành đô thị, rồi đầu tư ồ ạt vào các lĩnh vực nóng như BĐS, chứng khoán… đã nảy sinh nhiều bất cập trong hoạt động tín dụng. Nhưng khi kinh tế suy giảm, bong bóng chứng khoán, BĐS vỡ ra, hệ lụy là nợ xấu tăng mạnh khiến cả hệ thống đau đầu tìm ra cách gỡ.
TS. Hà Huy Tuấn cảnh báo, gia nhập WTO luôn bao hàm cơ hội và thách thức. Nếu quốc gia và DN chủ động hội nhập, chuẩn bị kỹ càng, xác định rõ lợi thế và điểm yếu để xây dựng chiến lược hội nhập phù hợp thì quá trình phát triển sẽ nhanh và bền vững. Nhưng nếu phát triển nóng vội, thiếu tính lâu dài và bền vững, những bất cập sẽ bộc lộ nhanh hơn...
3 thế cân bằng cần thiết
Theo kinh nghiệm của Trung Quốc khi gia nhập WTO, nhờ chuẩn bị chủ động, ứng phó kịp thời và liên tục, nên những tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đến ngành ngân hàng nước này giảm thiểu, các rủi ro đã được khống chế, giúp hệ thống ngân hàng nước này duy trì sự phát triển ổn định, lành mạnh. Sau 10 năm gia nhập WTO, tổng tài sản cũng như lợi nhuận của các tổ chức tài chính ngân hàng Trung Quốc liên tục tăng trưởng dù kinh tế thế giới suy giảm.
Ths. Nghiêm Thị Thúy Hằng (Viện Chính sách và Chiến lược tài chính) cho biết, sau khi gia nhập WTO, Trung Quốc khuyến khích các ngân hàng nước ngoài góp vốn vào ngân hàng nội với tư cách cổ đông chiến lược để khai thác, học hỏi kỹ năng quản lý cũng như công nghệ tiên tiến. Cũng như Việt Nam, Trung Quốc hạn chế tỷ lệ vốn góp đầu tư nước ngoài vào các ngân hàng, song lại cho phép các nhà đầu tư ngoại nắm giữ vị trí quan trọng trong ban điều hành, làm gia tăng sức hấp dẫn.
PGS. TS. Lê Hoàng Nga (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) lưu ý, trong khi điều kiện nội sinh chưa thật sự tốt thì những cuộc “đổ bộ” của nhà đầu tư ngoại với tốc độ nhanh sẽ tạo ra những tổn thương cho hệ thống ngân hàng. Nếu không đẩy nhanh tốc độ cơ cấu lại hệ thống thì ảnh hưởng tiêu cực của nó sẽ rất lớn đối với kinh tế vĩ mô. “Xét cả về chỉ báo định lượng và định tính, tính tổn thương của hệ thống các NHTM Việt Nam sau 6 năm gia nhập WTO là rất lớn”, một chuyên gia đánh giá.
Do đó, theo bà Nga, thời gian tới, hệ thống NHTM cần nâng cao khả năng phòng vệ trước các cú sốc. Một trong những giải pháp trọng tâm là nâng cao năng lực quản trị rủi ro của các ngân hàng. Đây là yếu tố cốt lõi trong tiến trình tái cơ cấu. Cụ thể, các NHTM cần thiết lập hệ thống quản trị rủi ro như khung quản trị, cơ cấu tổ chức, quy trình, công cụ đo lường… trong toàn hệ thống.
Kinh nghiệm của Trung Quốc cũng cho thấy, khi các ngân hàng nước này chủ động tăng cường công tác quản lý rủi ro qua việc áp dụng nguyên tắc quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế Basel đã giúp ứng phó thành công đối với những cú sốc về tài chính.
TS. Tuấn cho biết, mô hình các nước trên thế giới khi xử lý khủng hoảng đều tái cơ cấu và giảm bớt số lượng ngân hàng để tăng quy mô hoạt động, tạo lợi thế về chi phí vốn và các vấn đề quản trị rủi ro. Do vậy, các NHTM Việt Nam nên cân nhắc các phương án tái cơ cấu và sáp nhập để tăng cường năng lực hoạt động trong bối cảnh cạnh tranh mới.
“Chi phí cho việc áp dụng các tiêu chuẩn an toàn Basel chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới lợi nhuận ngân hàng. Nhưng đánh đổi lại hệ thống NHTM Việt Nam sẽ hoạt động an toàn hiệu quả hơn trong tương lai”, TS. Tuấn lưu ý. Còn bà Nga thì bổ sung thêm: “Quá trình tái cơ cấu cần có tầm nhìn dài hạn cho cả hệ thống, thực hiện theo thông lệ quốc tế và các cam kết WTO. Có như vậy, hệ thống ngân hàng mới đạt được sự an toàn trong hoạt động”.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Thị Kim Thanh - Viện trưởng Viện Chiến lược, NHNN cho rằng, trong điều kiện kinh tế khó khăn, những bất ổn tài chính trong nước và quốc tế có xu hướng gia tăng, việc duy trì một chiến lược kinh doanh phù hợp để tăng lợi nhuận, cạnh tranh thành công đã là một điều khó đối với ngân hàng. Nhưng phát triển thế nào để không làm ảnh hưởng đến các lợi ích trong tương lai, hay nói cách khác là duy trì “tài chính bền vững”, lại càng khó hơn.
Theo nhận định của TS. Thanh, một ngân hàng sẽ phát triển bền vững khi đạt cùng lúc ba sự cân bằng. Đó là cân bằng giữa lợi nhuận kỳ vọng với mức độ rủi ro mà ngân hàng có thể chấp nhận được; cân bằng giữa lợi ích của ngân hàng và khách hàng; và cân bằng giữa gia tăng lợi ích cho cộng đồng và bảo vệ môi trường.
Theo Thu Hà