MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hệ thống cảng biển Việt Nam: Những cảng nào sẽ được ưu tiên phát triển?

Đến tháng 9/2014, Việt Nam có tổng cộng 44 cảng biển các loại, trong đó có 14 cảng biển loại I, IA; 17 cảng biển loại II. Kinh phí phát triển hệ thống cảng biển theo quy hoạch đến năm 2020, tầm nhìn 2030 ước tính khoảng 80.000 – 100.000 tỷ đồng.

Quy hoạch cảng biển Việt Nam - Chú trọng phát triển các cảng loại I, IA

Theo Quyết định 1037/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngyà 24/06/2014 phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Việt Nam chú trọng phát triển các cảng có khả năng tiếp nhận tàu biển cao trọng tải đến 100.000 tấn hoặc lớn hơn ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam.

Cụ thể: Tập trung xây dựng cảng cửa ngõ quốc tế tại Hải Phòng, Bà Rịa – Vũng Tàu và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (khi có điều kiện) tiếp nhận được tàu có trọng tải đến 100.000 tấn (tàu container 8.000 TEU) hoặc lớn hơn, đủ năng lực để có thể kết hợp vai trò trung chuyển container quốc tế. Đây là những cảng biển được phân loại là IA trong quyết định phê duyệt quy hoạch.

Hệ thống cảng biển phải bảo đảm thông qua toàn bộ lượng hàng xuất nhập khẩu và giao lưu giữa các vùng, miền trong nước bằng đường biển đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước với năng lực theo quy hoạch của hệ thống cảng biển tại các thời điểm quy hoạch như sau:

- Năm 2015 khoảng từ 400 đến 410 triệu tấn/năm trong đó hàng tổng hợp, container từ 275 đến 280 triệu tấn/năm.

- Vào năm 2020, khoảng từ 640 đến 680 triệu tấn/năm, trong đó hàng tổng hợp, container từ 375 đến 400 triệu tấn/năm;

- Vào năm 2030 khoảng từ 1.040 đến 1.160 triệu tấn/năm trong đó hàng tổng hợp, container từ 630 đến 715 triệu tấn/năm.

Phân theo vùng lãnh thổ, hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 gồm 6 nhóm cảng và khả năng thông qua hàng hóa cụ thể như sau:

Kinh phí phát triển hệ thống cảng biển ước tính khoảng 80.000 – 100.000 tỷ đồng

Theo quy hoạch, Việt Nam có 4 cảng loại IA (Hải Phòng, Bà Rịa – Vũng Tàu; Vân Phong; Khánh Hòa) và 11 cảng biển loại I (Quảng Ninh, Nghi Sơn, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Dung Quất, Quy Nhơn, Tp. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Cần Thơ).

Tổng kinh phí để phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020 ước tính khoảng 80 – 100.000 tỷ đồng (không bao gồm kinh phí đầu tư đối với các bến cảng, cầu cảng chuyên dùng); trong đó kết cấu hạ tầng công cộng cảng biển dự kiến khoảng từ 40.000 đến 50.000 tỷ đồng.

Theo quy hoạch, nguồn vốn ngân sách chỉ tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng công cộng cảng biển tại các các biển tổng hợp, đầu mối khu vực (được hiểu là cảng loại IA và I – PV);

Các hạng mục kết cấu hạ tầng bến cảng chủ yếu được đầu tư bằng nguồn huy động hợp pháp của doanh nghiệp. Chú trọng áp dụng hình thức đầu tư PPP đối với các cảng, khu bến phát triển mới có quy mô lớn.

Sơ lược thực trạng cảng biển Việt Nam

Về số lượng cảng biển, theo ông Bùi Thiên Thu –Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam tại Diễn đàn Logistic lần 2, tính đến tháng 9/2014 (sau thời điểm quy hoạch ngành được phê duyệt), Việt Nam có tổng cộng 44 cảng biển các loại, trong đó có 14 cảng biển loại I, IA (quy hoạch có 15 cảng biển loại IA và I), 17 cảng biển loại II và 13 cảng biển loại III bao gồm khoảng 219 bến cảng với gần 44 km cầu cảng và hàng chục khu chuyển tải.

Về lượng hàng hóa thông qua, theo Cục Hàng hải Việt Nam, năm 2014 sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam ước đạt 370,3 triệu tấn, tăng 14%, trong đó hàng container đạt 10,24 triệu TEUs, tăng 20,1% so với năm 2013 và là năm đạt sản lượng cao nhất từ trước đến nay.

Lượng hàng thông qua cảng Nhóm số 1 - Cảng biển phía bắc từ Quảng Ninh đến Ninh Bình tiếp tục tăng trưởng ổn định, đạt 120,3 triệu tấn, tăng 13% (chiếm 33% của cả nước); Nhóm cảng biển số 5 – Cảng biển Đông Nam Bộ đạt 162 triệu tấn, tăng 14% (chiếm 44%).

Cũng theo Cục Hàng hải Việt Nam, năm 2014 sản lượng container khu vực Hải Phòng đạt 3,36 triệu TEUs, tăng 20,3%; Khu vực TP.Hồ Chí Minh đạt 4,98 triệu TEUs, tăng 14,8%.

Được biết, tại khu vực cảng Hải Phòng, Đình Vũ là cảng biển có lượng hàng thông qua lớn nhất, tiếp sau là Cảng Hải Phòng (Hoàng Diệu/Chùa Vẽ), các cảng khác ở Hải Phòng  năng lực khai thác cũng khá cao. Trong khi đó, ở khu vực Tp. Hồ Chí Minh, các cảng dẫn đầu về năng lực khai thác gồm: Cát Lái, Cảng Container quốc tế Việt Nam – VICT, Cảng Sài Gòn, ICD Phước Long, Cảng Bến Nghé…

Điểm đáng lưu ý rằng, cụm cảng Cái Mép – Thị Vải năm 2014 lượng hàng thông qua cảng tại khu vực Bà Rịa – Vũng Tàu đạt 59,3 triệu tấn, tăng 20% so với năm 2013, riêng hàng container đạt 1,15 triệu TEUs. Được đánh giá là cảng nước sâu có tiềm năng, vị trí thuận lợi, tiếp nhận được các tàu có tải trọng lớn, tuy nhiên thực tế hiệu quả khai thác cảng còn thấp do kết nối giao thông giữa cảng và các địa phương trong vùng, Tp. Hồ Chí Minh chưa đồng bộ.

Như vậy, theo quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, đến năm 2014 sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam đã đạt từ 90,3% - 92,6% mục tiêu đề ra. Theo quy hoạch được duyệt như đã đề cập ở trên, mục tiêu của ngành vào năm 2015 sảng lượng hàng hóa thông qua cảng biển đạt khoảng từ 400 đến 410 triệu tấn/năm trong đó hàng tổng hợp, container từ 275 đến 280 triệu tấn/năm.

Cảng biển loại I là cảng biển đầu mối khu vực. Cảng biển loại I có vai trò là cảng cửa ngõ hoặc cảng trung chuyển quốc tế được ký hiệu là cảng biển loại IA. Cảng IA là cảng có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải đến 100.000 tấn; cảng loại I có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải đến 70.000 tấn.

Cảng biển loại II là cảng biển tổng hợp địa phương;

Cảng biển loại III là cảng biển chuyên dùng phục vụ cho cơ sở công nghiệp tập trung, hoạt động doanh nghiệp.

Thanh Giang

Ngọc Quỳnh

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên