Hết chịu nổi với các khoản phí và phụ phí vô lý
Trước hàng loạt khoản phí và phụ phí đã bị các hãng tàu nước ngoài áp đặt thu vô lý trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng đã hết cam chịu!
- 26-08-2011Loạn phí tàu biển
- 21-11-2007Vẫn loạn phí và lệ phí
Trước yêu cầu đó, Bộ Giao Thông Vận Tải đã thành lập một tổ công tác đặc biệt do Cục Hàng hải làm đầu mối để rà soát các loại phí và phụ phí, kiểm tra đối với việc lạm thu của các hãng tàu.
Theo các Hiệp hội ngành hàng, mục tiêu trước mắt là yêu cầu các hãng tàu phải trả lại các khoản thu vô lý. Về lâu dài, hãng tàu cần phải minh bạch việc thu phí với từng loại phí và mức thu cụ thể.
Đòi lại phí kẹt cảng
Theo Cục Hàng Hải Việt Nam, ngày 6/8/2014 Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn đã ra thông báo chấm dứt tình trạng ùn tắc tại cảng Cát Lái (TP. Hồ Chí Minh). Tuy nhiên, các hãng tàu vẫn tiếp tục thu phí kẹt cảng, với mức thu từ 1-2,4 triệu đồng/container đến ngày 20-/8/2014. Các hãng tàu như: Maersk Line, OOCL, MCC, Giang Ming, Wanhai… vẫn tiếp tục thu đến 20/8 thậm chí đến nay vẫn còn nhiều hãng tàu khác chưa có thông báo ngừng thu phí kẹt cảng ở cảng Cát Lái.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư kí Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, việc cảng đã hết ùn tắc mà hãng tàu vẫn thu phí kẹt cảng là vô lý. VASEP đang đại diện cho các doanh nghiệp đề nghị các hãng tàu phải trả ngay lại khoản phí này.
Cũng theo ông Nam, sau khi làm việc với một số hiệp hội ngành hàng VASEP sẽ tiếp tục yêu cầu các hãng tàu cần có sự đối thoại về nhiều khoản phí khác chứ không chỉ riêng phí kẹt cảng.
Theo Cục Hàng hải Việt Nam, cần có giải pháp để các hãng tàu không tự ý áp đặt các loại phụ phí tại Việt Nam. Trong đó, thành lập tổ công tác bao gồm các thành viên là Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Quản lý cạnh tranh, Cục Xuất nhập khẩu, Cục Quản lý giá, Tổng Cục thuế, Tổng cục Hải quan, Hiệp hội chủ hàng Việt Nam và các Hiệp hội ngành hàng liên quan… nhằm rà soát thu các các loại phí, phụ phí so sánh với quy định pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế. Đề nghị với một số hãng tàu ngừng thu ngay một số loại phí không hợp lý, thực hiện kiểm tra, giám sát với việc thu một số phụ phí.
Hãng tàu phải minh bạch việc thu phí
Theo các thành viên của tổ công tác, để hạn chế tình trạng áp đặt thu phí bất hợp lý tổ công tác sẽ đối thoại với các hãng tàu yêu cầu công khai, minh bạch các khoản thu phí cụ thể: về thời gian thu, mức thu, đối tượng thu…
Cụ thể, với phí mất container chỉ thu với hàng xuất khẩu, không thu với hàng nhập khẩu. Đồng thời, hãng tàu chỉ được thu khi có sự mất cân đối giữa hàng xuất và hàng nhập với tỷ lệ chênh lệch từ 20% trở lên. Các cảng vụ hàng hải sẽ có nhiệm vụ thông báo về tỷ lệ chênh lệch này.
Đối với phí tắc nghẽn cảng, hãng tàu chỉ được thu trong thời gian xảy ra ùn tắc khi cảng có văn bản thông báo đã hoạt động lại bình thường thì hãng tàu nước ngoài phải chấm dứt thu.
Tương tự, nhiều loại phí như phí vệ sinh, phí sửa chữa container, phí đặt cọc container lạnh cũng đang được Cục Hàng hải Việt Nam kiến nghị các hãng tàu nước ngoài phải ngừng thu. Cơ quan này dự kiến sẽ báo cáo Bộ Giao Thông Vận Tải và các Bộ ngành liên quan nhằm kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định tiêu chí cụ thể cho từng loại phí.
Theo VASEP, Cục Hàng Hải cần phải có một cuộc làm việc chính thức với các hãng tàu đề nghị hãng tàu trước khi tăng phí phải thông báo trước 6 tháng để doanh nghiệp chủ động tính vào chi phí giá thành, cân đối sản xuất kinh doanh.
Trong khi đó, báo cáo của Bộ Giao Thông Vận Tải kiến nghị về lâu dài Nhà nước cần phải có chính sách khuyến khích, phát triển đội tàu container, tàu có tải trọng lớn chạy tuyến quốc tế để nhanh chóng chiếm được thị phần vận tải, giảm phụ thuộc vào hãng tàu nước ngoài.
Song song đó, Hiệp hội chủ hàng Việt Nam cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam cần phải thay đổi dần phương thức xuất nhập khẩu, từ chỗ bán FOB, mua CIF, tức cả xuất nhập khẩu đều ở cảng đến, việc chọn hãng tàu vận chuyển do phía nước ngoài đảm nhiệm, sang hình thức mua và bán hàng tại cảng đi, chủ động quyền vận tải, tránh tình trạng bị áp đặt như hiện nay.
>>> Doanh nghiệp còng lưng cõng phí bất hợp lý tại cảng biển
>>> Mất 29.000 tỷ đồng vì phụ phí “trời ơi”!
Hướng Dương