"Hiệp định TPP sẽ đem lại nhiều lợi ích ngoài thuế cho Việt Nam"
Australia là một thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương. Tính đến hết tháng Mười năm 2015, kim ngạch hai chiều giữa Việt Nam và Australia đạt 4,19 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất siêu khoảng 770 triệu USD sang thị trường này.
- 25-02-2016Chờ TPP để xuất hàng đi Mỹ
- 25-02-2016Việt Nam đã chủ động cải cách thể chế trước khi ký kết Hiệp định TPP
- 23-02-2016Với TPP: DN Việt cần sẵn sàng đón cơ hội hợp tác
- 20-02-2016Khởi động TPP: Nhiều tín hiệu vui
Theo bà Nguyễn Hoàng Thúy, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Australia, cả Việt Nam và Australia đều nằm trong chuỗi giá trị của khu vực châu Á-Thái Bình Dương gồm 12 nước nên khi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực sẽ thúc đẩy các hoạt động đầu tư, sản xuất trong chuỗi giá trị này, từ đó thúc đẩy thương mại song phương giữa hai nước.
Bên lề Hội nghị Tham tán Thương mại đang diễn ra tại Hà Nội, bà Nguyễn Hoàng Thúy đã có một số trao đổi với phóng viên về những điểm nổi bật trong quan hệ thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Australia, nhất là những lưu ý đối với doanh nghiệp khi Hiệp định TPP có hiệu lực.
- Là thị trường lớn, mức thu nhập bình quân đầu người cao, nhu cầu nhập khẩu hàng hóa tương đối dồi dào, Australia được đánh giá là một trong những bạn hàng lớn của Việt Nam. Vậy theo bà, khi Hiệp định Đối tác Chiến lược xuyên Thái Bình Dương được ký kết, thương mại 2 chiều giữa hai quốc gia sẽ được kỳ vọng thế nào?
Bà Nguyễn Hoàng Thúy: Hiện Việt Nam và Australia đã trở thành đối tác thương mại quan trọng của nhau, chỉ trong vòng 10 năm (2005-2014) đã tăng gấp đôi và được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ sau khi ký TPP.
Cụ thể, năm 2005 kim ngạch thương mại đạt 3 tỷ USD, đến năm 2014 đã tăng lên 6 tỷ USD. Trong khi Australia là bạn hàng xuất khẩu đứng thứ 8 và bạn hàng nhập khẩu đứng thứ 12 của Việt Nam thì theo chiều ngược lại Việt Nam là bạn hàng đứng thứ 14 của Australia cả về nhập khẩu và xuất khẩu.
Theo Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN - Australia/New Zealand (AANZFTA), đến năm 2020, Australia và New Zealand sẽ xóa bỏ thuế suất đối với 100% biểu thuế cho hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Về thuế suất thì cam kết của Australia trong AANZFTA đã là 100% nên TPP không đem lại lợi ích trực tiếp về thuế quan cho Việt Nam trong quan hệ với Australia nhưng Hiệp định TPP sẽ đem lại nhiều lợi ích khác ngoài thuế, ví dụ, với TPP, cả Việt Nam và Australia đều nằm trong chuỗi giá trị của khu vực châu Á-Thái Bình Dương gồm 12 nước nên sẽ thúc đẩy các hoạt động đầu tư, sản xuất trong chuỗi giá trị này, từ đó thúc đẩy thương mại song phương.
Không những thế, các quy định về minh bạch hóa, thuận lợi hóa thương mại (như tự chứng nhận xuất xứ), hải quan cũng sẽ tạo thuận lợi, giúp thúc đẩy thương mại song phương Việt Nam-Australia.
Ngoài ra, các quy định chặt chẽ về quyền sở hữu trí tuệ, đầu tư cũng sẽ giúp thu hút, tăng đầu tư từ Australia vào Việt Nam, từ đó thúc đẩy quan hệ thương mại.
Một khí cạnh nữa là TPP cho phép cộng gộp nguyên liệu từ các nước thành viên, nên hàng hóa Việt Nam sản xuất từ nguyên liệu nhập khẩu từ các nước TPP sẽ được hưởng ưu đãi khi xuất khẩu sang Australia.
Với sự đa dạng của các thành viên TPP thì khả năng tăng xuất khẩu của Việt Nam sang Australia sau khi TPP có hiệu lực là rất lớn.
- Một thực tế hiện nay là doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam còn chiếm đa số, vậy muốn tiếp cận thị trường Australia sẽ cần phải lưu ý những gì, thưa bà?
Bà Nguyễn Hoàng Thúy: Chính sách thương mại và thuế của Australia khá minh bạch, nhưng hàng rào phi thuế quan (các quy định về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm dịch động vật...) khá chặt chẽ.
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa nắm được, hoặc chưa cập nhật được các quy định nhập khẩu hàng hóa và quy định về kiểm dịch đối với hàng nhập khẩu của Australia. Vì vậy, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường này còn gặp khó khăn ở khâu thâm nhập thị trường và kiểm dịch.
Hơn thế nữa, thương hiệu cho hàng xuất khẩu của Việt Nam vẫn chưa được các doanh nghiệp quan tâm, đầu tư và phát triển xứng tầm.
Thực tế cho thấy, hầu hết những mặt hàng nông, thủy sản của Việt Nam được xuất khẩu vẫn chỉ ở dạng xuất thô, xuất khẩu nguyên liệu, sản phẩm đã qua chế biến thì phần lớn lại mang tên của đối tác nước ngoài. Giá trị xuất khẩu nông sản của Việt Nam so với các nước có trình độ tương đương thấp hơn nhiều. Vì thế, người tiêu dùng Australia chỉ biết một số ít thương hiệu hàng xuất khẩu Việt Nam.
Với thực trạng xuất khẩu hàng hóa sang Australia như hiện nay, vấn đề đặt ra là Việt Nam phải khắc phục các mặt tồn tại, hạn chế để thúc đẩy hoạt động này phát triển tương xứng với tiềm năng xuất khẩu của nước ta và nhu cầu nhập khẩu của phía Australia.
Ảnh chỉ mang tính minh họa (Nguồn: TTXVN)
- Với góc độ Tham tán thương mại, theo bà những bất cập trên cần giải quyết như thế nào?
Bà Nguyễn Hoàng Thúy: Để tận dụng tốt nhất cơ hội mà Hiệp định AANZFTA cũng như Hiệp định TPP mang lại, theo tôi các doanh nghiệp Việt Nam cần phải tích cực, chủ động trong việc tìm hiểu thông tin về thị trường Australia và những ưu đãi mà hàng xuất khẩu Việt Nam được hưởng trong các Hiệp định này.
Thực tế hiện nay, cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Australia khá đơn điệu và chất lượng hàng còn nhiều bất cập khi so sánh với cơ cấu và chất lượng hàng xuất khẩu của các đối thủ cạnh tranh khác, do vậy, các doanh nghiệp cần phải đa dạng hoá và nâng cao chất lượng sản phẩm thông qua việc đầu tư đổi mới công nghệ và chủ động triển khai áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế (ISO 9000, HACCP,...) đáp ứng yêu cầu bảo vệ sức khoẻ, môi trường.
Nếu muốn trụ vững trên thị trường Australia, các doanh nghiệp Việt Nam phải hướng đến một nền sản xuất sạch hơn, bởi chất lượng sản phẩm luôn là vấn đề đặt lên hàng đầu chứ không phải là sản lượng và giá cả thấp. Đặc biệt, việc hình thành chuỗi liên kết là rất cần thiết để có thể cạnh tranh tốt hơn.
Một điểm nữa cần lưu ý là khi hàng xuất khẩu đã có chỗ đứng trên thị trường thì nhất thiết doanh nghiệp phải đăng ký và bảo vệ thương hiệu hàng hóa, tránh bị mất hay tranh chấp thương hiệu.
- Xin cảm ơn bà./.
Vietnam+