[Họp quốc hội] Việt Nam có thể tạo ra dư địa để tăng trưởng và phát triển
Nhận xét về tình hình kinh tế xã hội năm 2014, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa – TPHCM cho rằng, chúng ta đang tăng trưởng và phát triển dưới tiềm năng.
Phiên họp sáng 31/10, các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận về tình hình KT-XH. Các vấn đề được quan tâm như nợ công, đầu tư, nợ xấu, tín dụng, gỡ khó doanh nghiệp, nông thôn, các chính sách...
Nhận xét về tình hình kinh tế xã hội năm 2014, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa – TP HCM cho rằng, chúng ta đang tăng trưởng và phát triển dưới tiềm năng. Năm 2015-2016, nền kinh tế sẽ chưa thể có những chuyển biến mạnh mẽ, mục tiêu tăng trưởng phải đặt ra nỗ lực trong 5-10 năm chứ không thể đạt được trong 1-2 năm.
Chúng ta vẫn chạy trên đường ray cũ, đi về hướng cũ thì chưa thể thấy được chân trời mới. Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành thì kinh tế VN chưa thể bay cao vì đôi cánh của nó bị đeo quá nhiều gánh nặng.
Xuất khẩu VN luôn đứng trong top 10, top 5 thế giới nhưng suốt hai thập kỷ qua, xuất khẩu vẫn chủ yếu là gia công, lao động giá rẻ. Chúng ta nhập khẩu đến 70-80% nguyên liệu, phụ liệu, nhập khẩu hàng tiêu dùng, thậm chí cả hàng nông sản.
(Xem thêm: Việt Nam: Xuất siêu 2,2 tỉ USD 9 tháng; nhập siêu từ Trung Quốc hơn 20 tỉ USD)
Trong hai thập kỷ qua, phát triển kinh tế VN có 3 cái hao chưa khắc phục được: hao vốn, hao ngoại tệ và hao tài nguyên môi trường.
Một nguy cơ mới là sự lệ thuộc vào kinh tế Trung Quốc, lệ thuộc diễn ra trên nhiều lĩnh vực, xuất nhập khẩu, đấu thầu thi công, năng lượng viễn thông, khai thác khoáng sản, trang thiết bị, nhân công, hàng tiêu dùng …
Theo Đại biểu, một nước có tiềm năng lớn như VN mà phải nhập khẩu nông sản từ Trung Quốc là một vấn đề lớn. Tại sao nhà máy của Samsung xuất khẩu 130 triệu điện thoai di động, trị giá 23,9 tỷ đô la, sử dụng 45.000 lao động mà chỉ sử dụng có 70 người Hàn Quốc, trong khi người Trung Quốc làm việc ở khắp nơi tại Việt Nam, từ Hà Tĩnh, Lâm Đồng, TP HCM, Bình Dương …
Về giải pháp, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói, trong khi chờ những chuyển biến thực sự, VN có thể tạo ra dư địa để tăng trưởng và phát triển.
Thứ nhất, cùng với việc ban hành các bộ luật mới, Quốc hội và Chính phủ cần có ngay những chính sách như ưu đãi đầu tư tư nhân, BOT, BT, ưu đãi cho DN vừa và nhỏ, ưu đãi cho nông nghiệp, đa dạng hóa, đa phương hóa các liên minh kinh tế.
Thứ hai, con người là yếu tố quyết định của mọi giải pháp, do vậy cần đầu tư cho phát triển nguồn lực con người. Chú trọng tìm cán bộ lãnh đạo có tài, có đức, yêu nước, có tư duy và có khả năng đổi mới.
>>>Trực tiếp sáng 31/10: "Chúng ta đang tăng trưởng và phát triển dưới tiềm năng"
Nguyệt Quế