MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

HSBC: Không phải lúc để phục hồi, Việt Nam cần “tiến lên”

5 năm tới không phải là thời điểm phục hồi mà là thời điểm Việt Nam phát huy động lực và tăng trưởng xuất khẩu...

Trong báo cáo mới công bố, Ngân hàng HSBC dự báo, trong giai đoạn 2021-2030, xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng trưởng trên 10%. Dòng vốn FDI mạnh mẽ góp phần đa dạng hóa xuất khẩu của Việt Nam và đưa Việt Nam thâm nhập vào các khu vực đóng góp giá trị cao hơn.

Bên cạnh đó, lực lượng lao động trẻ và đang tiếp tục gia tăng, có tay nghề ngày càng cao tiếp tục hấp dẫn những nhà sản xuất trên thế giới đến Việt Nam. Tốc độ tự do hóa thương mại nhanh cũng đem lại lợi thế cho Việt Nam và góp phần mở rộng thị trường xuất khẩu.

Các điều khoản về đầu tư và dịch vụ trong TPP sẽ đưa tới động lực để cải cách, đáng kể nhất là tự do hóa một số lĩnh vực quan trọng. Có thể thấy, cùng lúc với thời điểm gia nhập TPP, chính phủ thông báo sẽ dỡ bỏ mức trần sở hữu nước ngoài 49% trong nhiều lĩnh vực (mặc dù một vài lĩnh vực quan trọng như ngân hàng vẫn phải áp dụng mức trần).

HSBC cho rằng, sự ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã được cải thiện đáng kể trong những năm gần đây. Tài khoản vãng lai đạt thặng dư kể từ năm 2011 và thậm chí trước khi giá nhiên liệu giảm mạnh, Chính phủ đã kiểm soát lạm phát rất tốt trong năm 2013 và nửa đầu 2014.

“Tuy vậy, rủi ro vẫn còn ở mức cao, đặc biệt trong điều kiện triển vọng thị trường và thương mại thế giới còn mong manh. Mặc dù đã có những cải cách trong những năm gần đây, khu vực nhà nước vẫn chiếm ưu thế trong phân bổ đầu tư và nền kinh tế vẫn cần những bước đi cởi mở hơn nữa để có thể tiếp tục phát triển” – HSBC nhận định.

Bên cạnh đó, một yếu tố giúp Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ so với phần còn lại của khu vực là sự kết nối mạnh mẽ với các thị trường phương Tây. Mỹ là đối tác xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và vị trí này vẫn sẽ tiếp tục vào năm 2030. Mỹ cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam nhưng hai nước vẫn chưa ký kết hiệp định tự do thương mại. Vì thế TPP sẽ là một yếu tố quan trọng trong quan hệ đối tác thương mại song phương này.

Việt Nam được kỳ vọng là một trong số ít nước trong danh sách khảo sát đạt tăng trưởng GDP hơn 6% trong năm 2015 (những nước khác bao gồm Bangladesh, Trung Quốc và Ấn Độ). Việt Nam cũng đã vượt lên các nước láng giềng về thu hút FDI và xuất khẩu.

“5 năm tới không phải là thời điểm phục hồi mà là thời điểm Việt Nam phát huy động lực và tăng trưởng xuất khẩu. Ba yếu tố sẽ hỗ trợ các hoạt động xuất khẩu một cách mạnh mẽ là lực lượng lao động lớn và có chi phí thấp, chính sách hướng tới mở cửa thương mại, FDI và những yếu tố cơ bản của nền kinh tế vĩ mô đang ngày càng ổn định” – báo cáo cho biết.

Trên cơ sở đó, HSBC kỳ vọng, đầu tư được trải đều trong nhiều lĩnh vực và những bước tiến vững chắc hướng tới tự do hóa thương mại, đáng kể nhất là thỏa thuận TPP cũng như AEC sẽ thúc đẩy tăng trưởng thương mại và đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam trong những năm tới.

Nguyệt Quế

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên