MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

HSC: Lạm phát sẽ giảm tốc nhưng lãi suất sẽ không giảm thêm

Xu hướng lãi suất ở đây đã tách khỏi xu hướng lạm phát và được dẫn dắt bởi lãi suất kỳ hạn dài.

Nhận định này được CTCP Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HSC) nêu trong báo cáo của mình, phát hành cuối tuần qua.

Cụ thể, HSC cho rằng, trong ngắn hạn lạm phát có khả năng sẽ giảm tốc. Tuy nhiên lãi suất sẽ không giảm thêm.

Cục quản lý giá thuộc Bộ Tài Chính cho biết dự báo lạm phát tháng 7 sẽ thấp hơn so với tháng 6 do nhu cầu tiêu dùng vẫn thấp và giá cả giảm ở một số mặt hàng nông sản chính như là gạo và đường.

“Chúng tôi cho rằng giá cả sẽ đi ngang hoặc tăng nhẹ so với tháng trước do sự giảm giá của nông sản và các loại nguyên liệu. Mặc dù lạm phát ổn định (so với tháng trước) thì điều này cũng không ảnh hưởng đến chính sách vì lãi suất cùng với lợi suất trái phiếu hiện tại chịu ảnh hưởng của thị trường thế giới thông qua tỷ giá” – Tổ chức này nhận định.

Lãi suất tiền đồng hiện đang chạy theo lãi suất tiền đô chứ không phải lạm phát trong nước – Nói cách khác thì dù cho lạm phát có thấp như thế nào, thì khi dự báo xu hướng lãi suất trung hạn ở Việt Nam, chúng ta cũng nên quan tâm nhiều hơn đến xu hướng lợi suất trái phiếu và lãi suất tiền đô.

Xu hướng lãi suất ở đây đã tách khỏi xu hướng lạm phát và được dẫn dắt bởi lãi suất kỳ hạn dài.

Lý do rất đơn giản, vì cho dù hiện lạm phát là rất thấp, thì quan điểm chung cho thấy lạm phát và lãi suất sẽ cùng tăng lên trong năm tới.

Quan điểm chung cho thấy lạm phát cả năm 2016 sẽ tăng lên mức 6% và lãi suất đang bắt đầu dần phản ánh xu hướng này – Điều này được dự báo bởi quan điểm cho rằng giá thực phẩm sẽ bật lên (có một số dự báo như vậy, chúng tôi dự báo lạm phát 2016 sẽ lên khoảng 5-6%) và Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ sẽ tăng lãi suất một hoặc hai lần từ nay đến cuối năm.

Do vậy, hiện tại để dự báo xu hướng lãi suất trong tương lai thì yếu tố lãi suất đô đang cho dự báo tốt hơn so với lạm phát trong nước.

HSC cũng cho rằng, mục tiêu tăng trưởng tín dụng có thể điều chỉnh lên 17% nếu mục tiêu tăng trưởng GDP được điều chỉnh lên 6,5% như dự kiến – NHNN cho rằng tăng trưởng tín dụng toàn bộ ngành ngân hàng sẽ đạt mục tiêu 13% - 15% cho năm nay và cho biết có thể điều chỉnh tăng mục tiêu lên 17% để tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế với mục tiêu tăng trưởng GDP năm nay nhiều khả năng được điều chỉnh lên 6,5%.

Khánh Nhi

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên