Hướng đi mới cho ngành nông nghiệp nước nhà
Trước sự có mặt của Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các Bộ, ngành,đặc biệt là Bộ trưởng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, đại diện các địa phương đã đề cập thẳng thắn những vấn đề của ngành Nông nghiệp hiện nay.
Đó là 2 năm gần đây, giá xuất khẩu gạo giảm bình quân 10 – 15%, giá trị sản xuất trên 1 ha trồng lúa cũng đang chững lại, thu nhập của người trồng lúa đang giảm dần do giá bán không tăng nhưng chi phí đầu vào lại tăng liên tục.
Đối với cá tra, mặc dù cả thế giới chỉ có Việt Nam sản xuất nhưng các doanh nghiệp lại tự dìm nhau, dẫn đến tình trạng treo ao, tụt giá thê thảm như hiện nay.
Các địa phương nhận định, lỗ hổng lớn nhất hiện nay là sự liên kết lỏng lẻo giữa sản xuất, chế biến, tiêu thụ. Và trong mối quan hệ này, người nông dân luôn ở thế yếu nhất. Việc không có hoặc thiếu quy hoạch đã dẫn đến tình trạng mất cân đối cung cầu, cạnh tranh không lành mạnh, sản xuất đình đốn, xuất khẩu tụt giảm.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã
nhận định, giảm sút nông nghiệp toàn vùng ĐBSCL cho thấy hoạt động sản
xuất còn mang tính chất hộ nhỏ lẻ, manh mún, không gắn kết theo chuỗi
giá trị. Cơ chế quản lý còn theo lối cũ, quan hệ sản xuất không còn phù
hợp với lực lượng sản xuất.
Đòi hỏi đặt ra đối với vùng là không thể kéo dài mô hình kinh tế hộ nhỏ lẻ mà phải đi lên theo hướng sản xuất lớn, phải đổi mới tư duy, phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng, phải có liên kết chặt chẽ trong sản xuất.
Thủ tướng đề nghị các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp và cả vùng đặc biệt lưu ý phát triển nông nghiệp, sản xuất hàng hóa lớn. Trước hết, cần nhân rộng mô hình cánh đồng mẫu lớn, phát triển những vùng nguyên liệu, tập trung gắn với thương hiệu, có sự liên kết chặt chẽ giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
PV: “Thưa tiến sỹ Đặng Kim Sơn, cùng một lúc lúa gạo, thủy sản cho đến chăn nuôi đều là những ngành hàng chủ lực của nông nghiệp Việt Nam gặp khó khăn và thậm chí là khó khăn nhất từ trước tới nay. Vậy nguyên nhân nằm ở đâu? Ở thị trường hay là ở mô hình phát triển của ngành nông nghiệp Việt Nam?”.
Tiến sỹ Đặng Kim Sơn - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp: “Tất nhiên là trong hoàn cảnh khó khăn cả trong nước lẫn ngoài nước, cầu giảm là chuyện bình thường. Tuy nhiên, giá của Việt Nam lại thấp hơn giá của thế giới, mặc dù giá thế giới đã thấp rồi. Điều đó chứng tỏ, đây là nguyên nhân nội tại phía chúng ta.
Đây là nguyên nhân của những trở ngại, vướng mắc đã lâu ngày mà chúng ta chậm sửa chữa nên nó bộc lộ ra ở khả năng cạnh tranh kém của nông sản Việt Nam trên thị trường trong và ngoài nước”.