Khả năng không có đợt tăng giá điện thứ 2 trong năm
Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN ông Đinh Quang Tri cho biết như vậy tại cuộc họp báo diễn ra chiều ngày 6/3/2015 để giải đáp các thông tin về tăng giá điện ngay sau khi Thường trực Chính phủ thông qua phương án tăng giá điện 7,5% có hiệu lực từ ngày 16/3 tới đây.
- 06-03-2015Phó Tổng Giám đốc EVN: Đáng lẽ ra giá điện phải tăng 12,8%
- 06-03-2015Tăng giá điện: Hộ tiêu thụ dưới 50kWh sẽ phải trả thêm gần 5.000 đồng/tháng
- 06-03-2015Quản lý giá điện đã tiến dần tới giá thị trường
Tóm tắt:
- Ông Đinh Quang Tri đưa ra nhận định: Năm nay ngân hàng tiếp tục thông báo điều hành tỷ giá ổn định nên chênh lệch dự kiến không phát sinh nhiều.
- Bức tranh ngành điện phụ thuộc không chỉ EVN, tập đoàn Nhà nước mà cả người tiêu dùng điện. Nếu dùng tiết kiệm thì sức ép tăng giá giảm đi. Nếu tiếp tục dùng chưa hiệu quả thì sức ép tăng giá điện lại tăng lên.
- Mặc dù lần này giá điện có điều chỉnh tăng tuy nhiên theo đánh giá của các nhà đầu tư nước ngoài thì hiện nay giá điện của Việt Nam vẫn chưa hấp dẫn được nhà đầu tư nước ngoài.
Tại họp báo, ông Tri đưa ra nhận định: Năm nay ngân hàng tiếp tục thông báo điều hành tỷ giá ổn định nên chênh lệch dự kiến không phát sinh nhiều. Giá khí cũng đã có lộ trình và không còn điều chỉnh nhiều nữa. Giá than trong năm nay cũng chưa có thông báo của Tập đoàn than về việc tăng giá than. Hơn nữa, giá than thế giới đang giảm cũng tạo sức ép cho ngành than không thể tăng giá than được mà phải theo thị trường.
Đây là các yếu tố làm cho giá điện trong nước ổn định và nếu các hộ tiêu thụ điện tiết kiệm điện sử dụng thì áp lực lên giá điện cũng sẽ ít đi. Do đó, “Giá điện trong năm 2015 chắc là sẽ ổn định” – Đại diện của EVN khẳng định.
Trước câu hỏi của báo chí, rằng với mức tăng giá điện tới 7,5%- mức cao nhất trong vòng 3 năm qua thì liệu chất lượng dịch vụ cung ứng điện tới người dân sẽ tăng? Ông Tri nhìn nhận, kể cả trong trường hợp không tăng giá điện thì EVN cũng chỉ đạo các đơn vị tăng năng suất lao động và chất lượng dịch vụ, cũng như trách nhiệm cung cấp điện cho các hộ tiêu thụ.
“Tăng giá điện hôm nay không phải là ngày mai chất lượng điện lên ngay được, mà tăng để có thêm nguồn đầu tư, cấp điện an toàn, dịch vụ điện mới nâng cao được”- ông nói và nhấn mạnh thêm, “Bức tranh ngành điện phụ thuộc không chỉ EVN, tập đoàn Nhà nước mà cả người tiêu dùng điện. Nếu dùng tiết kiệm thì sức ép tăng giá giảm đi. Nếu tiếp tục dùng chưa hiệu quả thì sức ép tăng giá điện lại tăng lên”.
Nói về năng suất lao động cũng như bộ máy ở EVN, ông Tri khẳng định: Nếu tiếp tục thực hiện theo mô hình cũ thì bộ máy tiếp tục cồng kềnh, nhưng EVN đã tách thành 3 tổng công ty và thực hiện không nhận biên chế từ năm 2013 (trừ các nhà máy mới). Do đó, năng suất lao động năm 2013 đã tăng 6,8%, năm 2014 tăng 9% và năm nay kế hoạch cũng sẽ tăng 9%.
Đi kèm với đó là năm 2016 sẽ cổ phần hóa các tổng công ty này để tạo sức ép cạnh tranh. Đặc biệt chế độ lương của các tổng công ty được thực hiện theo nguyên tắc tổng doanh thu/tổng chi phí chính điều này đã giúp cho các công ty con phải tự cân đối tiền…
Bên cạnh đó, ông Tri cũng cho rằng, mặc dù lần này giá điện có điều chỉnh tăng tuy nhiên theo đánh giá của các nhà đầu tư nước ngoài thì hiện nay giá điện của Việt Nam vẫn chưa hấp dẫn được nhà đầu tư nước ngoài.
“Hiện tại các doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam mới chỉ đầu tư vào các dự án thủy điện nhỏ lẻ nhưng các dự án này cũng dần hết rồi. Các dự án lớn thì doanh nghiệp tư nhân không thể làm do không đủ năng lực tài chính, còn các nhà đầu tư nước ngoài thì thường yêu cầu Chính phủ bảo lãnh nhiều nhưng giá họ đưa ra cũng khá cao”.
Ông Tri đặt câu hỏi: Giá điện hiện đã hợp lý chưa? Và đưa ra câu trả lời rằng: Đối với nhà đầu tư nước ngoài thì chưa, còn đối với nhà đầu tư trong nước thì mức sinh lời đó là tạm chấp nhận được.
Tăng giá điện thêm 7,5% kể từ ngày 16/3/2015
Khánh Nhi – Nguyệt Quế