MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khai thác titan phải chú trọng môi trường

Khai thác khoáng sản titan với quy mô nhỏ, thủ công, không hoàn thổ sau khai thác... khiến địa hình thay đổi, môi trường bị tổn hại nặng

Trong 2 ngày 13 và 14-5, hội thảo quốc tế khoáng sản titan ASEAN được tổ chức tại TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) với nhiều nước thành viên tham gia cùng đại diện của hai quốc gia Trung Quốc và Úc. Ông Nguyễn Linh Ngọc, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết hội thảo nhằm đánh giá tiềm năng khoáng sản titan ở Việt Nam và các nước ASEAN, nâng cao công nghệ khai thác, chế biến và bảo vệ môi trường.

Khai thác nhiều, thu ngân sách ít

Theo số liệu hiện có của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tổng trữ lượng và tài nguyên dự báo quặng titan-zircon ở Việt Nam là 664 triệu tấn quặng tinh. Sa khoáng titan chủ yếu phát hiện dọc ven biển từ Thanh Hóa đến Bắc Bà Rịa-Vũng Tàu. Trong đó chiếm đến 83% là ở những vùng có tầng cát đỏ của Ninh Thuận, Bình Thuận và Bắc Bà Rịa-Vũng Tàu.

Những năm gần đây, do thị trường tiêu thụ titan trên thế giới tăng mạnh, giá cả cũng leo thang, vì vậy, việc khai thác sa khoáng titan ở Việt Nam trở nên rất sôi động. Tình hình khai thác ở một số địa phương như: Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định… gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường.

Qua thống kê chưa đầy đủ của Cục Thẩm định đánh giá tác động môi trường, tại các tỉnh miền Trung có trên 40 đơn vị tổ chức khai thác ở 38 khu mỏ. Song song đó, đã có 18 xưởng tuyển tinh quặng ra đời với hơn 2 triệu tấn quặng được khai thác. Tuy nhiên, phần lớn titan bán ra thị trường chủ yếu là quặng, chưa qua chế biến, do đó Nhà nước chỉ thu được khoản thuế tài nguyên ít ỏi.

Môi trường bị tổn hại nặng

Cũng theo điều tra của Cục Thẩm định đánh giá tác động môi trường, các mỏ khai thác lộ thiên bằng công nghệ bán cơ giới, kết hợp thủ công và tuyển thô trên giàn vít đứng. Số lượng mỏ đưa vào khai thác tương đối nhiều nhưng phần lớn khai thác quy mô nhỏ, việc khai thác chế biến còn đơn giản. Một số đơn vị khai thác vẫn còn sử dụng nước biển hoặc nước biển pha với nước ngọt để tuyển quặng.
Hậu quả là đã làm cho đất, nước ngầm một số khu vực nhiễm mặn, nhiều hecta đất cát ven biển bị đào xới; rừng phi lao phòng hộ chắn gió, cát đã bị tàn phá, cảnh quan ven biển bị suy thoái nặng nề; nguồn nước ngọt trong cồn cát ven biển bị ô nhiễm và nhiễm mặn; đường giao thông nông thôn bị xuống cấp nghiêm trọng do vận chuyển quặng...

Chưa hết, trong quá trình khai thác, các đơn vị đã xả  thải sau khai thác qua khu vực giáp biển mà không hoàn thổ sau khai thác; khai thác quá độ sâu, phạm vi cho phép đã làm thay đổi địa hình, mất cảnh quan môi trường, gây sạt lở bồi lấp, có nguy cơ xảy ra hiện tượng hoang mạc hóa.

Cần đổi mới công nghệ

Tại hội thảo, ông Đào Công Vũ, Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim Việt Nam, đã đề xuất mô hình cụm thiết bị khai thác và tuyển thô quặng titan. Theo mô hình này, quặng được khai thác bằng súng bắn nước hoặc bơm sục nước đánh tơi. Sau đó dùng bơm hút cát để hút quặng và chuyển về cụm thiết bị tuyển thô. Thiết bị tuyển thô sử dụng các vít xoắn tuyển tinh để lấy ra quặng tinh đạt yêu cầu...
Qua kết quả thử nghiệm, mô hình này đã giúp nâng năng suất cụm vít tăng thêm hơn 30%, tăng thực thu hơn 2%, khối lượng quặng tinh thu được cũng tăng hơn 34% đồng thời giảm chi phí nhân công vận hành trực tiếp…

Tuy nhiên, ông Vũ lưu ý khi đổi mới mô hình khai thác và tuyển thô phải có các nghiên cứu, đánh giá đầy đủ để thiết kế quy mô, kết cấu mô hình phù hợp nhằm đạt hiệu quả kinh tế cao nhất, tận thu được tài nguyên và bảo vệ được môi trường sau khai thác.

Ứng dụng của titan

Titan là một chất kim loại có khả năng kéo dãn tốt, nhẹ, chống ăn mòn, khả năng chịu đựng nhiệt độ rất cao. Hợp kim titan được dùng chủ yếu trong hàng không, xe bọc thép, tàu hải quân, tàu vũ trụ và tên lửa, áo chống đạn... Nhiều sản phẩm khác cũng dùng titan để chế tạo như gậy đánh golf, dụng cụ thí nghiệm, máy tính xách tay…

Theo GIA KHÁNH

thanhhuong

Người Lao động

Trở lên trên