MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khi sân bay Tân Sơn Nhất nghẽn cả trên trời, dưới đất

Có mặt tại sân bay Tân Sơn Nhất liên tục trong những ngày qua, PV đã tận mắt chứng kiến cảnh hàng chục chiếc máy bay nối đuôi nhau chờ cất cánh, không khác gì kẹt xe trên đường bộ...

Máy bay cất cánh cũng phải… xếp hàng

Chuyện quá tải ở sân bay Tân Sơn Nhất không phải bây giờ mới nói, thế nhưng được tận mắt chứng kiến cảnh máy bay liên tục cất, hạ cánh từ đài kiểm soát không lưu những ngày qua, PV Báo Giao thông mới cảm nhận sâu sắc cụm từ “tắc đường trên trời”.

Từ độ cao khoảng 100m, phóng tầm mắt về phía đường lăn và đường cất hạ cánh, đếm nhanh một lượt, chúng tôi ghi nhận tới 8 chiếc máy bay đang nối đuôi nhau từ sân đỗ ra đường lăn 25R để cất cánh.

Theo số liệu thống kê của TCT Cảng hàng không VN (ACV), trong 5 tháng đầu năm 2015, có tới hơn 10,6 triệu lượt hành khách đến Tân Sơn Nhất. So với cùng kỳ năm 2014, lượng khách hành đến sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã vượt 116,9%. Được biết, trong 16 năm qua (1999-2014) sản lượng hành khách thông qua CHK Quốc tế Tân Sơn Nhất đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 13,8% về hành khách và 12,9% về hàng hóa (14,7% quốc nội và 12,2% quốc tế).

Tại vị trí đường cất, hạ cánh 25R, chiếc VJC803 của hãng hàng không Vietjet Air vừa mới hạ cánh. Trong khi tại đường lăn E1, nơi tiếp giáp đường cất, hạ cánh 25R có hai chiếc máy bay đang đợi. Đi đầu là chiếc máy bay VJC811 của hãng Vietjet Air, tiếp đó là chiếc KHV819 của hãng hàng không Campuchia.

Phía sau đường E1 là đường lăn E2 cũng có hai chiếc đậu là chiếc AXM512 và chiếc HVN9224 của Vietnam Airlines. Phía bên phải là đường lăn E4, chiếc APR253 của hãng hàng không quốc gia Pháp cũng đang nằm chờ. Điểm giữa của đường lăn số 6 cũng có chiếc HVN108 của Vietnam Airlines đang chờ chuẩn bị ra đường lăn E2. Ở vị trí đường lăn W1, một chiếc máy bay của Vietnam Airlines cũng vừa hạ cánh đang đi vào sân đỗ.

Phía trong Đài kiểm soát không lưu, các nhân viên làm việc hết sức căng thẳng. Kiểm soát viên chính Lý Thị Thuận liên tiếp nhận các cuộc gọi từ cơ trưởng các chuyến bay xin hạ cánh. Xem trên màn hình kiểm soát không lưu, trong phạm vi 10 km có ít nhất bốn chuyến bay đang xin hạ cánh. Những máy bay nào chưa được lệnh hạ cánh, phải tiếp tục bay vòng để chờ. Xa hơn, có gần chục chiếc cũng đang chuẩn bị bay vào vùng không lưu Tân Sơn Nhất.

Sau khi chiếc VJC803 hạ cánh an toàn, chiếc VJC811 được phép cất cánh. Tiếp đến là chiếc AVE Air lại hạ cánh. Cứ liên tục như thế, trung bình bốn phút có một chuyến hạ cánh, một chuyến cất cánh.

Trên thực tế, nhiều hành khách đi máy bay đã từng nếm trải tình trạng bay vòng trên trời đợi hạ cánh. Nhiều hành khách tỏ ra mệt mỏi sau một chuyến đi không phải quá dài. “Đi thì đúng giờ mà hạ cánh chậm quá. Cảm giác như chuyến nào cũng phải bay lòng vòng chờ được hạ cánh”, anh Chính, một hành khách đi máy bay của Vietnam Airlines từ Đà Nẵng vào TP HCM nói.

Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch khi đi từ Quy Nhơn về TP HCM cũng bị bay lòng vòng tới 30 phút. “Tân Sơn Nhất giờ đã quá tải rồi. Vừa rồi, tôi đi Quy Nhơn vào TP HCM, chỉ tính thời gian máy bay phải lòng vòng trên trời chờ hạ cánh đã mất 30 phút. Quá tải ở đây là quá tải không lưu chứ không đơn thuần chỉ là quá tải nhà ga”, ông Lịch nói.

Sẽ tắc trầm trọng hơn

Anh Lê Quốc Việt - một kíp trưởng tại đài kiểm soát không lưu cho biết, lượng máy bay đến sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất ngày càng đông nên việc điều hành rất căng thẳng. Từ Đài kiểm soát không lưu, kiểm soát viên phải quan sát trên màn hình và cả bằng mắt thường. “Khu vực sân đỗ gần như chật kín máy bay. Trên đường lăn có lúc hơn chục chiếc nằm chờ. Trên không cũng có gần chục chiếc bay vòng chờ hạ cánh. Chỉ cần một phút lơ là sẽ uy hiếp đến an toàn bay ngay”, Kíp phó Trịnh Ngọc Huy cho biết.

“Kẹt” máy bay ở sân bay Tân Sơn Nhất không chỉ ảnh hưởng đến các chuyến bay dân sự mà các chuyến bay quân sự cũng không phải là ngoại lệ. Thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn, Phó Tư lệnh Binh chủng Phòng không không quân (Bộ Quốc phòng) cho biết, do lượng máy bay thương mại đến đông nên phía quân đội phải có nhiều biện pháp phối hợp để giảm thiểu va chạm và ách tắc giao thông. Chẳng hạn việc huấn luyện quân sự tại Tân Sơn Nhất được điều chỉnh còn ba ngày mỗi tuần. Một số vị trí quân sự được bàn giao cho ACV để mở rộng sân đỗ. Thế nhưng, vẫn còn tình trạng máy bay xếp hàng chờ nhau cất hạ cánh, ra vào sân đỗ.

“Đấy là dưới mặt đất, ách tắc trên không mới đáng lo ngại. Đường vào ra trên không phận sân bay quân sự chiến lược Biên Hòa nhiều lúc phải nhường cho dân sự. Chúng tôi đã điều chỉnh đường bay, khu vực bay, hiệp đồng thời gian nhưng vẫn bị vướng khi sân bay quân sự Biên Hòa hoạt động. Nếu tần suất các chuyến bay ở Tân Sơn Nhất cao nữa chắc chắn là ách tắc càng trầm trọng hơn”, Thiếu tướng Tuấn nói.

Theo Phan Tư

An toàn giao thông

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên