MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không lo thiếu cơ hội làm ăn

Cơ hội đầu tư, làm ăn kinh doanh năm 2014 sẽ như thế nào? Với một số vốn ít ỏi có nên vay thêm vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh?

Thông qua bàn tròn “Làm ăn đầu năm” do báo Tuổi Trẻ tổ chức sáng 9-2, các doanh nhân cho chúng ta nhiều góc nhìn khác nhau.

Tham dự bàn tròn có bà Vũ Kim Hạnh - chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng VN chất lượng cao, ông Nguyễn Ngọc Hòa - chủ tịch HĐQT Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP.HCM (Saigon Co.op), ông Nguyễn Trí Kiên - giám đốc Công ty TNHH may túi xách Minh Tiến (Miti), ông Lý Thành Sinh - giám đốc Công ty TNHH Minh Long Hưng và ông Kao Siêu Lực - giám đốc ABC Bakery.

Khó đòi lãi ngay

"Chúng tôi xác định các dự án phải chấp nhận đến ba năm mới hòa vốn thay vì một hai năm như trước kia"

Ông Nguyễn Ngọc Hòa

Ông Nguyễn Ngọc Hòa cho rằng cuối năm 2013 và đầu năm 2014 các chỉ số kinh tế vĩ mô đã ổn định hơn, hầu hết doanh nghiệp đều kỳ vọng cơ hội sẽ được mở ra trong năm nay. Tuy nhiên, năm 2014 dự báo khó khăn sẽ chưa thể qua ngay nên các doanh nghiệp vẫn phải tính toán và cân nhắc rất nhiều trước khi đầu tư.

Đối với Saigon Co.op, xu hướng đầu tư kinh doanh năm 2014 sẽ theo hướng bền vững hơn, chứ không theo kiểu “bộc phát” như các năm trước. Hai đặc điểm quan trọng của các dự án đầu tư mới đó là “đón đầu và dài hạn”. Đó là đầu tư phải theo hướng dài hơi, chấp nhận thời gian chờ đợi. “Chúng tôi xác định các dự án phải chấp nhận đến ba năm mới hòa vốn thay vì một hai năm như trước kia” - ông Hòa cho biết.

Ông Nguyễn Trí Kiên cũng dự báo năm 2014 đối với các doanh nghiệp vẫn còn quá khó khăn. “Sức mua của người tiêu dùng dịp tết vừa qua xuống tới mức thấp khủng khiếp. Người dân gần như đã cạn tiền cho tiêu dùng, có lẽ chỉ những người có mặt bằng cho thuê là ít bị ảnh hưởng” - ông Kiên cho hay. Theo ông Kiên, những năm trước sản phẩm balô, túi xách dành cho người đi du lịch, về quê vào dịp cuối năm của Miti bán rất chạy, thế nhưng năm nay sức mua giảm thảm hại...

Đồng quan điểm này, ông Kao Siêu Lực ví von kinh tế VN thời gian qua giống như “một con trăn lỡ nuốt một con trâu là nợ xấu, bất động sản” nên cần thời gian khá dài mới tiêu hóa hết được. Do đó, dự báo phải đến năm 2015 nền kinh tế VN mới hồi phục, còn năm 2014 vẫn khó khăn. “Dù lãi suất ngân hàng tiếng là được hạ, là thấp, nhưng việc tiếp cận vốn vay của doanh nghiệp vừa và nhỏ hoàn toàn không dễ dàng chút nào. Ngân hàng hiện không dám vung tay mở van cho vay, vì sợ tiền chảy ra không hốt lại được” - ông Lực nhấn mạnh.

Kinh doanh thực phẩm vẫn thắng...

"Sẽ có chuỗi phân phối sản phẩm túi xách vali trong khu vực Đông Nam Á, trước mắt là Campuchia và Lào... Phải mở rộng thị phần trước khi đối thủ cạnh tranh cũng đang tìm kiếm cơ hội như mình"

Ông Nguyễn Trí Kiên

Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa cơ hội làm ăn của năm 2014 không có. Ông Nguyễn Ngọc Hòa dẫn chứng từ kết quả hoạt động kinh doanh tại hệ thống siêu thị Co.op Mart cho thấy thời gian qua nhóm hàng thiết yếu vẫn tăng trưởng ổn định. Qua theo dõi, các nhà cung cấp những mặt hàng thiết yếu hiện vẫn còn dư địa phát triển rất lớn, dù có thời điểm lượng hàng bán ra của họ bị chững lại. 

Nếu những doanh nghiệp nào sản xuất theo hướng phát triển bền vững (chú trọng vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, dinh dưỡng, mẫu mã kiểu dáng đẹp...) cơ hội phát triển vẫn rất lớn. “Nhất là mảng thức ăn dành cho trẻ em, người lớn tuổi, thực phẩm chay... vẫn còn để ngỏ chờ thêm người đầu tư vào. 

Xu hướng tiêu dùng thực phẩm này không còn tập trung ở các thành phố lớn truyền thống mà đã lan rộng ra ở khắp các tỉnh thành khác như Cần Thơ, Đà Nẵng, Hải Phòng... Đây sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất của VN trong thời gian tới” - ông Hòa nhận định.

Ông Lý Thành Sinh chia sẻ thông tin khá thú vị bởi trong khoảng thời gian khủng hoảng kinh tế năm năm qua lại chính là thời điểm công ty này phát triển mạnh nhất từ trước đến nay. “Năm 2012 tăng trưởng gấp hàng chục lần so với năm 2011, còn năm 2013 ước tăng khoảng 300% và thị trường mở rộng khắp đất nước” - ông Sinh cho biết.

Để có được thành công này, theo ông Sinh, quan trọng nhất là phải nghĩ đến định hướng xây dựng thương hiệu, nếu muốn phát triển bền vững lâu dài. Sau 20 năm gắn bó với nghề sản xuất thời trang ở nhà cho trẻ em, năm 2009 Minh Long Hưng mới tính đến chuyện đầu tư xây dựng thương hiệu và phát triển hệ thống phân phối một cách bài bản. “Do chọn phân khúc sản phẩm dành cho trẻ em, nên chúng tôi chỉ chọn 100% làm chất liệu chính với màu trắng. Đồng thời, tập trung hoàn toàn vào mặt chất lượng, nhắm đến công nhân và các vùng nông thôn để đưa hàng đi phân phối” - ông Sinh chia sẻ kinh nghiệm.

Khi một số kênh phân phối ở chợ truyền thống không phát huy hiệu quả, Minh Long Hưng đã chọn kênh bán hàng lưu động, đặc biệt là các khu công nghiệp, với đội ngũ nhân lực hàng trăm người nên đã giải phóng được hàng tồn kho trước đó. “Kênh phân phối ở các khu công nghiệp đã thật sự nuôi sống doanh nghiệp một thời gian rất dài, và phải nói là rất thành công” - ông Sinh nói. Hiện tại do giá bất động sản xuống khá thấp, Minh Long Hưng đang đẩy mạnh đầu tư vào mặt bằng để mở rộng nhà xưởng, nhà kho và tiếp tục đầu tư đổi mới công nghệ.

Tương tự như vậy, ông Nguyễn Trí Kiên cũng cho rằng với tình hình kinh tế hiện tại, công ty sẽ tiếp tục đầu tư vào dòng sản phẩm cho học sinh được đánh giá là suy giảm ít để thu hồi vốn nhanh. “Chúng tôi cũng tiếp tục định hướng đưa hàng về nông thôn dù cực khổ hơn bán ở thành phố nhiều” - ông Kiên nói.

Không chỉ tập trung vào sản xuất và phân phối sản phẩm thương hiệu Miti, đơn vị này cũng đang đầu tư phát triển hệ thống phân phối balô, túi xách của nhiều thương hiệu khác. Hiện Miti đã có tám điểm phân phối dạng này và trong năm nay sẽ mở rộng hệ thống phân phối ra các nước lân cận.

Đương đầu với hội nhập

Một trong những thách thức lớn mà các doanh nghiệp đặt ra trong buổi trao đổi, đó là đối phó với các tác động tiêu cực từ các hiệp định thương mại. Kinh nghiệm tham gia vào Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cho thấy dù có những thành công nhất định nhưng trong một số lĩnh vực, các doanh nghiệp đang bị thiệt hại lớn do thiếu thông tin và sự chuẩn bị để đối phó với cạnh tranh quốc tế.

Bà Vũ Kim Hạnh cho rằng khủng hoảng kinh tế đã làm doanh nghiệp nhỏ và vừa của VN rất khó khăn, nhiều doanh nhân buộc phải rao bán doanh nghiệp của mình. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp nước ngoài vào mua bán, thâu tóm với giá rẻ. “Tuần nào chúng tôi cũng tiếp các đoàn doanh nghiệp Trung Quốc và nhiều nước khác đến nhờ tư vấn mua lại doanh nghiệp VN. Họ đi mua doanh nghiệp mà như mua rau” - bà Hạnh cho hay.

Cũng theo bà Hạnh, e ngại nhất hiện nay là chuỗi cửa hàng tiện lợi có vốn đầu tư nước ngoài đang phát triển rất nhanh. “Họ được cho phép lỗ trong vòng ba năm, chấp nhận lỗ để xí chỗ, xí phần mặt bằng để đón đợi các hiệp định Afta, Asean+... có hiệu lực để đưa hàng ngoại tràn vào. Đây sẽ là thách thức lớn cho các nhà sản xuất và bán lẻ trong nước trong một vài năm tới. Nếu không có những biện pháp đối phó, hệ thống bán lẻ của VN cũng sẽ thuộc về nước ngoài như Thái Lan trước kia” - bà Hạnh nhận định.

Theo ông Hòa, với các hiệp định FTA, cần rút kinh nghiệm từ việc các cơ quan nhà nước quyết liệt trong việc công bố thông tin hơn. Nhà nước cần có các đánh giá, khảo sát thật chi tiết và các kịch bản xử lý những tình huống xấu xảy ra của từng ngành hàng để cung cấp cho doanh nghiệp ứng phó. Cần xây dựng các chuỗi cung ứng vững mạnh, có nguồn gốc rõ ràng, định chế về truy xuất nguồn gốc để kiểm soát chặt nguồn cung ứng, không chỉ có doanh nghiệp tự làm mà Nhà nước cũng cần bắt tay tham gia trong việc ban hành các quy định, tiêu chuẩn.

* Từng ngành nghề cần được thông tin cụ thể hơn, sát với thực tiễn hơn về các chính sách liên quan đến hội nhập, thuế quan... để doanh nghiệp có thể chủ động tận dụng và ứng phó. Điều này chỉ có Chính phủ, sở ngành mới làm được

Bà Vũ Kim Hạnh

* Không đổi mới công nghệ thì không thể duy trì được chất lượng và giá thành hợp lý để cạnh tranh với hàng Trung Quốc giá rẻ. Với kế hoạch đầu tư trong năm 2014, chúng tôi tự tin có thể cạnh tranh được với hàng Trung Quốc và cả hàng giả, hàng nhái thương hiệu của công ty

Ông Lý Thành Sinh

* Dù lãi suất ngân hàng tiếng là được hạ, là thấp, nhưng việc tiếp cận vốn vay của doanh nghiệp vừa và nhỏ hoàn toàn không dễ dàng chút nào. Ngân hàng hiện không dám vung tay mở van cho vay, vì sợ tiền chảy ra không hốt lại được

Ông Kao Siêu Lực

Mời chuyên gia Israel sang đào tạo khởi nghiệp

Bà Kim Hạnh cho biết điều tra chương trình hàng VN chất lượng cao năm 2013 cho thấy sự xuất hiện của những nhà sản xuất nhỏ của các địa phương thay vì chỉ tập trung ở TP.HCM và Hà Nội như các năm trước. Điều này cho thấy nếu có môi trường thúc đẩy để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư làm ăn thì kiểu doanh nghiệp nào cũng có thể tham gia, chứ không nhất thiết chỉ có doanh nghiệp lớn mới tham gia được. 

Đặc biệt, Chính phủ cần có những chính sách khuyến khích và hỗ trợ hữu ích, đi vào thực tế thì số doanh nghiệp nhỏ làm ăn hiệu quả cũng sẽ rất nhiều. Hiện Hội Doanh nghiệp hàng VN chất lượng cao đã thuyết phục được các hội thanh niên ở địa phương lập ra các quỹ hỗ trợ khởi nghiệp cho các doanh nghiệp nhỏ. Hội Doanh nghiệp hàng VN chất lượng cao đang mời chuyên gia từ Israel sang đào tạo các kỹ năng khởi nghiệp.

Học trước khi khởi nghiệp

Các khách mời của buổi trao đổi đều cho rằng nếu muốn khởi nghiệp kinh doanh trước hết nên học nghề, nếu không thì bỏ tiền nhàn rỗi vào ngân hàng sẽ an toàn hơn. “Một trưởng phòng kinh doanh của chúng tôi từng xin nghỉ việc ra kinh doanh dép và hoa kiểng, cuối cùng mất hết vốn mấy trăm triệu” - ông Lý Thành Sinh khuyến cáo.

Ông Kao Siêu Lực cho hay quá trình khởi nghiệp thương hiệu ABC Bakery cách đây bảy năm và cho rằng chất lượng là vấn đề quan trọng nhất để cạnh tranh với các đối thủ. Muốn giữ được chất lượng phải có nguyên liệu tốt, tay nghề cao và máy móc thiết bị hiện đại. “Hãy theo học nghề mình muốn theo đuổi để tiếp thu được nhiều kinh nghiệm quý báu. Khi nào tay chân cứng cáp rồi hẵng nghĩ đến việc làm ông chủ, khi đó cũng không quá muộn” - ông Lực chia sẻ.

Theo Trần Vũ Nghi - Trần Hạnh

cucpth

Tuổi trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên