Kiểm toán nhà nước: EVN phân bổ lỗ tỷ giá không nhất quán, không đồng đều
Với đặc thù ngành điện, khi xây dựng phương án bán điện đã tính đến yếu tố phân bổ khoảng 9%. Nhưng khi bán điện có lãi thì phân bổ lại thành hơn 30% chênh lệch tỷ giá này vào giá điện
Tại cuộc họp báo của Kiểm toán nhà nước ngày 25/07/2014, trả lời về kết quả kiểm toán Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN, ông Nguyễn Ngọc Long (kiểm toán trưởng KTNN chuyên về Doanh nghiệp) cho biết trong năm 2012, EVN lãi 8.814 tỷ, tỷ suất LNTT/vốn CSH 7,52%. Đây là năm đầu tiên sau nhiều năm EVN mới có lãi và kết quả này là nhờ 2 lần tăng giá điện.
Vì sao tăng giá điện?
Theo kiểm toán, KQKD 2012 của EVN đã bao gồm xử lý chênh lệch tỷ giá kết chuyển vào KQKD 2012 là 10.535 tỷ đồng. Lỗ những năm trước phân bổ vào năm 2012 là 10.482 tỷ. Tổng cộng 2 khoản này tính tròn là 21.000 tỷ. Tuy nhiên đến nay tổng số lỗ vẫn phải xử lý là 18.140 tỷ, trog đó 15.114 tỷ là chênh lệch tỷ giá, còn lại là lỗ do kinh doanh. Lỗ chênh lệch tỷ giá do các đơn vị của EVN vay để đầu tư kinh doanh trong suốt 10 năm nay. Lỗ do kinh doanh là do giá bán điện thấp hơn giá thành sản xuất.
Nói về các yếu tố ảnh hưởng đến tăng giá điện 2012, ông Long cho biết, yếu tố thứ nhất, trong cơ cấu giá thành sản xuất điện có bao gồm chi phí nhiên liệu khí trả thêm cho PVN. Khi EVN mua khí của PVN thì có định mức nhất định nhưng trong quá trình thực hiện mua vượt định mức thì sẽ bị tính giá khác. Khoản này là 2.115 tỷ. Khoản xử lý bù lỗ chênh lệch tỷ giá là hơn 10.500 tỷ.
“Nếu không tính toán phát sinh từ năm trước của 2012 thì giá điện 2012 giảm 12.660 tỷ tương ứng giá thành giảm 120 đồng/KWh.” – ông Long nêu kết quả tính của KTNN.
Bên cạnh đó, tại 31/12/2012, EVN đã điều chỉnh bổ sung vốn 63.000 tỷ từ nguồn chênh lệch do kiểm kê đánh giá tài sản. Điều này không ảnh hưởng đến năm 2012 nhưng tiềm ẩn đến 2013 làm giá điện tăng thêm 6.318 tỷ/năm, giá thành cao hơn 2012 là 62 đồng/kwh.
Yếu tố thứ 3 là do chính sách hỗ trợ giá than cho sản xuất điện của nhà nước. Khi chính sách này thay đổi thì giá thành điện thay đổi theo. Trong năm 2012 đã thay đổi giá bán từng loại than từ 22-40% khiến cho giá thành sản xuất điện tăng lên. Hiện nay, chênh lệch giữa giá thị trường của khí và than so với giá bán cho ngành điện là 12.063 tỷ.
EVN phân bổ lỗ tỷ giá không nhất quán
Nói cụ thể hơn về việc giá bán điện tăng 2 lần trong năm 2012, ông Long giải thích đợt 1 do yếu tố bù lỗ từ chênh lệch tỷ giá và kinh doanh lỗ. Lần 2 là do điều chỉnh giá than làm giá điện tăng 34 đồng/kwh.
Việc phân bổ lỗ chênh lệch tỷ giá, theo quy định thì khỏan lỗ tỷ giá được phân bổ trong 5 năm nhưng không quy định là phân bổ như thế nào và cũng không phải đăng ký. Với đặc thù ngành điện, khi xây dựng phương án bán điện cũng đã tính đến yếu tố phân bổ khoảng 9%. Nhưng khi bán điện có lãi thì phân bổ lại thành hơn 30% chênh lệch tỷ giá này vào giá điện, KTNN đánh giá việc phân bổ này không nhất quán và không phân bố đều.
Có sự chuyển giá trong nội bộ Tập đoàn Điện lực?
Đánh giá về việc mua bán điện trong nội bộ EVN, thay mặt KTNN, ông Long cho rằng việc này chưa đảm bảo khách quan vì có sự bù lỗ giữa các đơn vị. Về nguyên tắc, công ty điện mua điện qua 5 tổng công ty điện lực là Điện lực miền Bắc, miền Trung, miền Nam, EVN Hà Nội, EVN Hồ Chí Minh. Số tiền bù lỗ cho các đơn vị này là 1.717 tỷ.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Công ty mẹ EVN nâng giá mua bán cho 1 số tổng công ty có phải là chuyển giá nội bộ hay không, theo ông Long, 5 đơn vị nói trên thuộc 100% vốn của EVN thực hiện nhiệm vụ bán điện từ trước 2012 cho các đối tượng tiêu thụ, thực hiện theo chỉ thị của Chính phủ là bán nhằm bình ổn và kiềm chế lạm phát nên mới chịu lỗ.
“Với vấn đề đảm bảo minh bạch khách quan sau này khi làm việc với tổ chức quốc tế thì việc xử lý theo KTNN là phù hợp về mặt hạch toán kế toán”.
Nói riêng về 2 đơn vị mua tăng giá điện để bù lỗ là Nhà máy điện Uông Bí (865 tỷ), NMĐ Cần Thơ, đây là 2 đơn vị cổ phần. Uông Bí được bù lỗ vì cũng thực hiện nhiệm vụ như trên còn NMĐ Cần Thơ là nhà máy chạy dầu với giá thành điện 36.000 đồng/số - cao gấp 36 lần các nhà máy bình thường do sản lượng điện của nhà máy chạy dầu là để phục vụ bù khi xảy ra sự cố đường dây. Trong 2012, sản lượng của nhà máy này chỉ đạt 7% - giảm 93% so với công suất phát 2011 nhưng vẫn phải chịu tất cả các chi phí bảo dưỡng duy tu.
"Đó là chưa nhắc đến NM điện Thủ Đức giá thành sản xuất là 200.000 đồng/số, cũng với trách nhiệm chạy bù khi xảy ra sự cố. Mặc dù năm qua không chạy hết công suất nhưng nhà máy này vẫn phải sử dụng 91 tỷ đồng để bảo dưỡng duy tu." - ông Long cho hay.
>> Ý kiến: Một cách để không tăng giá điện
Hải Hà