Kiểm toán nhà nước: Nợ thuế đang có xu hướng tăng
Theo kết quả kiểm toán về nợ thuế do ngành Thuế quản lý thì tổng số nợ thuế đến ngày 31/12/2013 là 69.342 tỷ đồng, tăng 26% (14.285 tỷ đồng) so với năm 2012, bằng 12,4% số thu nội địa trừ dầu thô. Nợ thuế có xu hướng tăng qua các năm cả về số tuyệt đối và tỷ trọng so với số thu nội địa trừ dầu thô.
- 29-05-2015KTNN: Thống kê nợ công năm 2013 chưa đầy đủ
- 25-05-2015KTNN chỉ ra các sai phạm tại Công ty bảo hiểm Pjico và Bảo Minh giai đoạn 2011-2013
- 25-05-2015KTNN kiến nghị thu hồi 104 tỷ đồng tiền cấp trùng thẻ bảo hiểm y tế
Sáng nay (ngày 10/7/2015), Kiểm toán Nhà nước đã họp báo công bố kết quả kiểm toán năm 2014.
Theo kết quả kiểm toán về nợ thuế do ngành Thuế quản lý thì tổng số nợ thuế đến ngày 31/12/2013 là 69.342 tỷ đồng, tăng 26% (14.285 tỷ đồng) so với năm 2012, bằng 12,4% số thu nội địa trừ dầu thô.
Nợ thuế có xu hướng tăng qua các năm cả về số tuyệt đối và tỷ trọng so với số thu nội địa trừ dầu thô.
Cụ thể, năm 2011, nợ thuế 35.117 tỷ đồng; năm 2012 là 55.056 tỷ đồng; năm 2013 là 69.342 tỷ đồng. Nếu loại trừ nợ tiền sử dụng đất và tiền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế và tiền phạt chậm nộp do ngành thuế quản lý, nợ thuế trong các năm từ 2011 đến 2013 tương ứng là 26.844 tỷ đồng, 47.012 tỷ đồng và 49.279 tỷ đồng.
Nợ khó thu năm 2013 so với 2012 tăng 67% (4.381 tỷ đồng), trong đó 59/63 địa phương có nợ thuế khó thu tăng so với năm 2012, một số địa phương có mức tăng cao.
Tiền thuế nợ đến 90 ngày và trên 90 ngày năm 2013 so với 2012 tăng 33% (12.763,464 tỷ đồng), trong đó 39/63 địa phương có tiền thuế nợ đến 90 ngày và trên 90 ngày tính đến cuối năm 2013 tăng so với năm 2012, một số địa phương có mức tăng cao.
Nợ chờ xử lý năm 2013 so với 2012 giảm 31% (2.859,864 tỷ đồng), trong đó 35/63 địa phương có nợ chờ xử lý tính đến cuối năm 2013 giảm so với năm 2012.
Một số địa phương có số nợ chờ xử lý giảm nhiều, trong khi 24 địa phương có nợ chờ xử lý tăng so với năm 2012.
Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, các nhóm nợ tăng cao do:
Thứ nhất, kinh tế Việt Nam và thế giới khó khăn nên nhiều doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, không có nguồn để nộp thuế;
Thứ hai, nhiều doanh nghiệp có nguy cơ phá sản, bỏ trốn, không có khả năng thanh toán nợ thuế;
Thứ ba, tình trạng chuyển đổi chủ sở hữu của các doanh nghiệp nợ thuế và bỏ trốn ngày càng gia tăng; một số doanh nghiệp vay vốn ngân hàng, làm ăn thua lỗ dẫn đến mất khả năng chi trả;
Thứ tư, tình trạng chiếm dụng vốn giữa các doanh nghiệp, nợ xấu của ngân hàng cũng gây khó khăn cho công tác quản lý thu nợ thuế;
Thứ năm, một số đơn vị hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng trong thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn do thắt chặt chi tiêu công, thị trường trầm lắng, tỷ lệ giao dịch thấp, không có nguồn để thanh toán các khoản nợ thuế.