MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kinh tế Việt Nam năm 2015 đang trên đà phục hồi tích cực

Theo Chủ tịch Quốc hội, sau khi TPP kết thúc đàm phán, dự kiến đến tháng 11 hoặc tháng 12 này có thể ký kết được. Đến tháng 3, hoặc tháng 4 Quốc hội có thể phê chuẩn thông qua, chậm nhất là đến cuối năm 2016.

Đa số ý kiến của các đại biểu thống nhất cho rằng, kinh tế-xã hội năm 2015 trên đà phục hồi, có nhiều chuyển biến tích cực, tạo thế và lực mới để tăng trưởng cao hơn trong năm tới.

Đánh giá về tình hình kinh tế-xã hội 9 tháng qua, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Đào Quang Thu nhấn mạnh, nền kinh tế ​Việt Nam phục hồi rõ nét và đạt tốc độ tăng trưởng cao so với kế hoạch đề ra và cao hơn nhiều so vòi cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

Cụ thể, tốc độ tăng GDP đạt 6,5%, là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ 4 năm trước, tốc độ tăng có xu hướng tăng nhanh sau từng Quý; trong đó chỉ có duy nhất lĩnh vực nông, lâm, thủy sản đạt mức tăng thấp.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng tăng 0,74% so với cùng kỳ năm trước. Đây là năm có mức tăng giá thấp nhất so với cùng kỳ hàng chục năm qua. Lạm phát cơ bản bình quân 9 tháng tăng 2,15% so với cùng kỳ năm trước. Tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế ước tăng 10,78%, cao hơn gần 1% so với tốc độ tăng tiền gửi.

Tổng thu Ngân sách nhà nước thực hiện 9 tháng ước đạt 683 nghìn tỷ đồng, bằng 75% dự toán năm, tăng 7% so với cùng kỳ; trong đó thu nội địa bằng 79% dự toán, tăng 17,1% so với cùng kỳ. Tổng chi Ngân sách nhà nước ước đạt 823,97 nghìn tỷ đồng, bằng 71,8% dự toán, tăng 7,8% so với cùng kỳ.

Cũng trong 9 tháng qua, tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 909,5 nghìn tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 120,7 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2014.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư phân tích, mặc dù 9 tháng qua, chúng ta nhập siêu khoảng 3,9 tỷ USD, bằng 3,2% tổng kim ngạch xuất khẩu, tuy nhiên vẫn trong giới hạn Quốc hội cho phép (dưới 5%).

Cũng theo báo cáo của Chính phủ, việc phá giá đồng Nhân dân tệ giữa năm vừa qua cùng với việc giảm giá dầu thô và các mặt hàng nông sản xuất khấu có tác động ảnh hưởng đến nền kinh tế nước ta, nhưng tác động không lớn.

Thực tế là nền kinh tế nước ta tiếp tục phục hồi. Tăng trưởng kinh tế trong Quý 3 cao hơn nhiều so với Quý 2 và dự báo cả năm sẽ vượt mục tiêu kế hoạch đề ra.

Sự hồi phục của nền kinh tế cũng được thể hiện rõ nét qua hoạt động phát triển doanh nghiệp. Trong 9 tháng qua, cả nước có 68.347 doanh nghiệp thành lập mới, so với cùng kỳ năm 2014 tăng 28,5%.

Đáng chú ý, có 12.848 doanh nghiệp trước đây gặp khó khăn ngừng hoạt động nay quay lại hoạt động, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy vậy, cũng có đến 47.604 doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước còn chậm so với kế hoạch đề ra. Tính đến hết tháng 8/2015 mới cổ phần hóa được 95/289 doanh nghiệp nhà nước, đạt 32,8% kế hoạch...

Thẩm tra về báo cáo này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu đánh giá, trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, giá dầu tiếp tục giảm giá và ở mức thấp, một số nước phá giá mạnh đồng tiền, tình hình kinh tế-xã hội ​Việt Nam đã có chuyển biến tích cực, dự kiến 13/14 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch theo Nghị quyết của Quốc hội.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả tích cực, một số ý kiến cho rằng việc phục hồi tăng trưởng thiếu yếu tố bền vững, lo ngại rằng việc khai thác dầu vượt kế hoạch đề ra trong điều kiện giá dầu ở mức giá quá thấp.

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng thấp trong khi chưa có giải pháp xử lý hữu hiệu tình trạng "được mùa mất giá," khó khăn tiêu thụ sản phẩm ảnh hưởng lớn đến thu nhập của người nông dân.

Bên cạnh đó, năm 2015 đã nhập siêu trở lại sau 3 năm 2012-2014 xuất siêu. Có ý kiến lo ngại nếu không thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp tư nhân trong nước thì cơ cấu sản xuất doanh nghiệp trong nước sẽ ngày càng thu hẹp.

Nhiều ý kiến lo ngại việc kiểm soát chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa thắt chặt đã tác động trực tiếp đến doanh nghiệp. Số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể lớn trong những năm qua là đáng báo động và sẽ tác động tiêu cực trong trung hạn, dài hạn.

Đặc biệt, cân đối ngân sách nhà nước khó khăn, cơ cấu chi ngân sách chưa phù hợp, chi thường xuyên vẫn tăng nhanh. Bội chi ngân sách dự kiến là 5% không đạt mục tiêu giảm xuống còn 4,5% GDP (bao gồm cả trái phiếu Chính phủ).

Có ý kiến cho rằng chưa khắc phục được việc sử dụng một phần bội chi cho chi thường xuyên và trả nợ. Nợ công nằm trong giới hạn cho phép nhưng tăng nhanh trong giai đoạn 2011-2015, hiệu quả sử dụng vốn ODA và các chính sách sử dụng vốn ODA chưa cao, chưa gắn với chính sách huy động vốn đối ứng, áp lực và nghĩa vụ trả nợ tăng nhanh; kỷ cương, kỷ luật tài chính chưa nghiêm…

Nhiều ý kiến đồng tình dự báo trong báo cáo của Chính phủ và cho rằng năm 2016 cần đánh giá thêm các mặt thuận lợi, thời cơ mới, thách thức mới, nhất là sự kiện kết thúc đàm phán TPP.

Đồng thời, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016 phải bám sát Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm (2011-2020) và dự thảo Văn kiện Đại hội XII của Đảng trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, ​Việt Nam sẽ thực hiện các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; tiếp tục những mực tiêu đang được triển khai “ổn định kinh tế vĩ mô trên cơ sở bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; tập trung tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuât, kinh doanh.”

Có ý kiến cho rằng việc phát triển kinh tế-xã hội năm 2016 dự kiến khó khăn hơn năm 2015 với tình hình kinh tế thế giới tiếp tục suy giảm nhất là các nước đối tác kinh tế lớn với ​Việt Nam.

Đề cập đến các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị phải đặc biệt quan tâm tới vấn đề hội nhập trong thời gian tới.

Theo Chủ tịch Quốc hội, sau khi TPP kết thúc đàm phán, dự kiến đến tháng 11 hoặc tháng 12 này có thể ký kết được. Đến tháng 3, hoặc tháng 4 Quốc hội có thể phê chuẩn thông qua, chậm nhất là đến cuối năm 2016. Mặc dù thời gian vẫn còn, song Chủ tịch Quốc hội đề nghị phải có sự chuẩn bị ngay từ bây giờ.

Đối với vấn đề nhập siêu, theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, phải tập trung vào chính những ngành nghề mà khả năng nhập siêu lớn. Thực tế, nhiều ngành nghề như: thức ăn gia súc, thuốc trừ sâu, thiết bị, phụ tùng, thuốc, rồi đến một thế mạnh rất lớn là dệt may, giày dép cũng phải nhập vật tư lớn.

“Muốn hạn chế nhập siêu phải đẩy mạnh sản xuất trong nước. Muốn đẩy mạnh sản xuất trong nước thì phải sản xuất cho được vật tư, phụ tùng, máy móc, nguyên liệu. Giảm nhập siêu đồng thời cũng cạnh tranh được, nếu không các nước sẽ lợi dụng TPP của mình xuất vào, người ta dựa vào sản xuất của mình để hưởng lợi. Trước tình hình như vậy cần phải có các giải pháp hết sức quyết liệt” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Trên cơ sở đó, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng đề nghị kế hoạch 5 năm, mục tiêu và nhiệm vụ 5 năm tới sẽ phải cố gắng ban hành Nghị quyết vào kỳ họp thứ 11. Cái yếu nhất và đáng lo nhất theo Chủ tịch Quốc hội là kinh tế vĩ mô, nhưng nhất thiết phải giữ được ổn định như chỉ tiêu đề ra.

Theo P.V

TTXVN

Trở lên trên