MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lo sợ thủy điện Đồng Nai 6, 6A

Người dân từ mạn trên đến mạn dưới đều phản đối thủy điện Đồng Nai 6, 6A và khẳng định những người ủng hộ đều chỉ vì quyền lợi cá nhân


Thông tin về thủy điện Đồng Nai 6, 6A đến với người dân chưa nhiều. Tuy nhiên, khi chúng tôi thâm nhập thực tế, thông tin việc khả năng có thêm 2 thủy điện phía thượng nguồn sông Đồng Nai, hủy hoại một phần Vườn Quốc gia (VQG) Cát Tiên thì người dân đều tỏ thái độ lo ngại hoặc phản đối quyết liệt.

Làm thủy điện thì mất nhiều thứ lắm!

Chiều buông xuống xã Đồng Nai Thượng (huyện Cát Tiên - Lâm Đồng), vị trí mà chủ đầu tư - Tập đoàn Đức Long Gia Lai đang lăm le phá VQG Cát Tiên để xây 2 thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. Một người đàn ông dân tộc Mạ, tóc bạc trắng, khuôn mặt đầy nếp nhăn, đăm đắm nhìn cánh rừng hũng vĩ, cảm thán: “Chúng tôi muốn giữ vùng đất thiêng này, chúng tôi không muốn thủy điện”.

Ông cho biết cách vị trí dự kiến xây 2 thủy điện Đồng Nai 6, 6A khoảng 5 km là hơn 1.500 nhân khẩu người Mạ. Hầu hết người dân đều không muốn có thêm thủy điện làm ảnh hưởng đến cuộc sống và lai tạp màu sắc văn hóa của người dân tộc bản địa đã tồn tại lâu đời. “Một số người nói ủng hộ nhưng đó chỉ là những người bị mua chuộc; được chủ đầu tư hứa hẹn sẽ mở đường sá, thuận lợi cho việc làm ăn của cá nhân họ mà thôi” - ông nói.
Ramsar Bàu Sấu trong VQG Cát Tiên sẽ ảnh hưởng trầm trọng

hoặc có thể biến mất nếu xây dựng 2 thủy điện Đồng Nai 6, 6A

Cách nơi dự kiến xây 2 thủy điện này là xã Tà Lài (huyện Tân Phú - Đồng Nai), vùng đất xanh mát nằm bên sông Đồng Nai cũng có nhiều người Mạ sinh sống. Ka Duyên, 18 tuổi, nói: “Đã có quá nhiều thủy điện trên sông Đồng Nai rồi nên cứ mưa thì lũ lụt, nắng thì khô hạn, rừng thì ngày một ít đi nên chúng tôi không muốn thủy điện nữa”.

Anh Ka Lỏi, 20 tuổi, vừa gùi củi từ rừng về, cho biết: “Làm thủy điện thì mất nhiều thứ lắm: mất rừng, mất đất; dòng sông cũng thay đổi khiến mẹ thiên nhiên nổi giận”. Trong lúc Ka Lỏi đang nói chuyện với chúng tôi thì một nhóm nữ sinh lớp 8 đi học về cũng sà vào góp chuyện: “Bọn em không muốn mất rừng, không muốn bờ sông bị xói lở làm thay đổi cảnh quan quê hương đang tươi đẹp như thế này. Cô giáo cũng dạy phải bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên”.

Anh Trần Thanh Phong, công an viên xã Tà Lài, khẳng định: Gần 2.500 người Mạ ở đây sống nhờ sông, nhờ rừng nên rất biết giữ gìn, nâng niu. Thủy điện nhiều quá đã làm ảnh hưởng đến đời sống vật chất cũng như tâm linh của họ”.

Không chỉ người dân tộc Mạ, nhiều dân tộc khác bao đời nay vẫn sống bám theo các con sông, ăn nhờ cái tôm, cái tép; canh tác trồng trọt bên những bãi bồi và hát các bài ca ca ngợi rừng núi hùng vĩ đều lên tiếng không muốn có thêm thủy điện.

Người dân phản ứng

Nếu như đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng thượng nguồn sông Đồng Nai có thái độ ôn hòa đối với 2 dự án thủy điện thì những người dân hạ nguồn phản ứng rất gay gắt.

Từ phía xã Đắc Lua (huyện Tân Phú) trở xuống mạn hạ lưu sông Đồng Nai, đất đai màu mỡ nên thu hút nhiều người từ miền Bắc di cư vào khai hoang lập nghiệp. Ngồi trước sân nhà, nhìn ra bờ sông cách đó khoảng 100 m, chị Trần Thị Liệu (ấp 4, xã Đắc Lua) bức xúc: “Mấy năm nay, trên thì thủy điện, dưới thì khai thác cát vô tội vạ nên mùa mưa thì lũ lụt, mùa nắng thì khô hạn, không làm ăn gì được. Xây thủy điện chi mà nhiều thế?”.

Khi đề cập đến 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A, chị Liệu cho biết chỉ mới nghe qua báo, đài chứ chưa được thông báo chính thức. “Nếu chính quyền địa phương hỏi ý kiến, chúng tôi sẽ phản đối liền, muốn phát triển thì cũng phải xem lại chứ băm nát sông như thế thì còn gì!” - chị Liệu nói.

Người hàng xóm của chị Liệu, bà Nguyễn Thị Thuyết, đang ngồi ôm cháu nội đón luồng gió mát quạt lên từ phía sông, cũng góp vào: “Nghe nói lợi ích từ thủy điện chẳng bao nhiêu mà nguy cơ rình rập trên đầu chúng tôi, cứ như thủy điện Sông Tranh 2 ấy, thì sợ quá!”.

Ông Trần Kim Hay, tổ trưởng tổ 1, ấp 4, xã Đắc Lua, vung tay nói dứt khoát: “Chỉ mới nạn khai thác cát bừa bãi thôi đã làm khổ chúng tôi rồi, giờ thêm thủy điện cũ, thủy điện mới cứ cố đấm ăn xôi thì thêm khổ. Để cuộc sống bảo đảm, giữ sông cho con cháu, chúng tôi quyết phản đối việc xây thêm thủy điện trên sông Đồng Nai”.

Rời xã Đắc Lua, chúng tôi men về các xã Núi Tượng, Nam Cát Tiên (huyện Tân Phú) đến một số xã thuộc huyện Định Quán. Đi tới đâu người dân cũng nói “không” với thủy điện Đồng Nai 6, 6A. Thậm chí, về đến TP Biên Hòa, những bức xúc về 2 dự án thủy điện này vẫn tràn ngập. “Vào mùa khô, điện ở TP Biên Hòa chập chờn, nước thì thiếu trầm trọng. Sản lượng điện sẽ chẳng là bao mà phá vườn quốc gia thì chúng tôi nhất quyết không cho làm…” - ông Nguyễn Văn Hòa, người dân phường Hiệp Hòa - TP Biên Hòa, nói.

Đồng Nai phản đối đến cùng

Ông Trương Văn Vở, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội (QH) tỉnh Đồng Nai, cho biết tại kỳ họp thứ 5 QH khóa XIII, đoàn đại biểu QH tỉnh sẽ tiếp tục lên tiếng, yêu cầu Chính phủ báo cáo về việc rà soát quy hoạch thủy điện, trong đó có 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A. Tỉnh bảo lưu quan điểm phản đối đến cùng việc xây 2 thủy điện này và đề nghị QH, Chính phủ xem xét cho dừng triển khai cả hai vì những hệ lụy đã được cảnh báo.


Theo Xuân Hoàng

cucpth

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên