Lọc dầu Dung Quất “kêu cứu”, Bộ Tài chính nói gì?
"Bộ đã nhận được đề nghị của PVN và đang theo dõi, nghiên cứu để có ý kiến xử lý. Quan điểm của Bộ là sẽ xem xét để đảm bảo hài hoà lợi ích của các bên", ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết.
Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đã gửi văn bản lên Liên Bộ Tài chính - Công Thương và Văn phòng Chính phủ trình bày những khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm của Nhà máy lọc dầu Dung Quất do sự chênh lệch về thuế suất nhập khẩu ưu đãi của nhà máy với thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi khi Việt Nam thực hiện theo cam kết FTA.
“Việc chênh lệch thuế đối với mặt hàng dầu đã gây khó khăn lớn đối với Nhà máy lọc dầu Dung Quất trong việc tiêu thụ sản phẩm nên việc tiếp tục chênh lệch thuế nhập khẩu đối với xăng sẽ gây thêm áp lực tiêu thụ và làm xáo trộn tình hình sản xuất của nhà máy”, văn bản của PVN cho biết.
Đại diện PVN cũng nhấn mạnh, việc không tiêu thụ được sản phẩm sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến vận hành an toàn của nhà máy và hiệu quả kinh doanh của Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), đơn vị quản lý Nhà máy lọc dầu Dung Quất.
Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết, Bộ Tài chính đã nhận được đề nghị và đang theo dõi, nghiên cứu để có ý kiến xử lý. Quan điểm của Bộ là sẽ xem xét để đảm bảo hài hoà lợi ích của các bên.
Ông Thi cũng cho biết, trên bình diện chung, mỗi chính sách đưa ra được áp dụng trên mặt bằng chung của đất nước, doanh nghiệp làm ăn có lãi hay không còn phải phụ thuộc vào hiệu quả, tổ chức sản xuất kinh doanh và nhiều yếu tố khác.
"Trong cùng một mặt bằng chính sách có doanh nghiệp mất hết có doanh nghiệp lãi lớn bởi còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như quản trị doanh nghiệp, tiết giảm chi phí, nâng cao năng suất lao động...”, ông Thi nêu quan điểm.
Trước ý kiến cho rằng mặc dù có Nhà máy lọc dầu Dung Quất nhưng giá xăng trong nước vẫn ở mức cao, ông Thi nhấn mạnh, giá xăng ở Việt Nam không cao, Việt Nam đứng thứ 43/188 nước. "Trong khi đó, xung quanh nhiều nước như Trung Quốc, Lào, Campuchia... có giá cao hơn, nếu chính sách không cẩn thận thì nhập về lại chảy lậu ra các nước", ông Thi nói.
Đây không phải là lần đầu tiên PVN, BSR gửi văn bản đề nghị điều chỉnh chính sách thuế và những lần trước đó, Bộ Tài chính đều "khước từ" các đề xuất của PVN và BSR.
Ông Nguyễn Hoài Giang, Chủ tịch Hội đồng thành viên BSR cho biết, ngay từ lần đầu tiên kiến nghị điều chỉnh chính sách thuế BSR đã kỳ vọng cơ quan quản lý nhà nước điều chỉnh vì vấn đề này quá cấp thiết liên quan đến sự sống còn của nhà máy.
Cũng theo ông Giang, lâu nay các sản phẩm xăng dầu vẫn chịu thuế, kể cả sản phẩm nhập khẩu bây giờ theo lộ trình hội nhập, từ tháng 1/2016 sản phẩm diesel nhập từ các nước Đông Nam Á, Nhật Bản, Hàn Quốc có thuế về 0% trong khi sản phẩm này do nhà máy sản xuất ra vẫn giữ thuế 10%.
“Đáng lẽ phải hạ xuống 0% vì nếu giữ mức thuế 10% sản phẩm chúng tôi sản xuất sẽ đắt hơn thì các đầu mối kinh doanh xăng dầu sẽ không mua của Nhà máy lọc dầu Dung Quất”, ông Giang nói.
Đối với mặt hàng xăng, theo ông Giang, lộ trình đến năm 2021 mới bắt đầu đưa thuế nhập khẩu về 0% nhưng hiện có thông tin thoả thuận FTA với Hàn Quốc những sản phẩm xăng nhập từ Hàn Quốc chỉ chịu 10% trong khi xăng nhà máy lọc dầu Dung Quất là 20%.
Thời gian tới thoả thuận với Nhật Bản cũng sẽ đưa thuế nhập khẩu mặt hàng xăng từ Nhật Bản về 10%. Như vậy, tương tự như diesel, chênh lệch thuế nhập khẩu đối với mặt hàng xăng cũng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của nhà máy.
BizLIVE