MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lợi thế đã rõ, nhưng vẫn có thể bỏ lỡ

Hiện Nhật Bản là quốc gia đầu tư FDI nhiều nhất vào Việt Nam với số lượng các dự án FDI tăng lên nhanh chóng.Năm 2011,có 234 dự án đầu tư mới của các công ty Nhật Bản đã được cấp phép tại Việt Nam.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam Bùi Quang Vinh, những lợi thế không đương nhiên giúp Việt Nam chắc chắn là điểm đến của các NĐT Nhật Bản nếu các vấn đề về cơ cấu kinh tế, cơ chế chính sách, môi trường đầu tư, khả năng cạnh tranh không mau chóng được cải thiện.

Hiện Nhật Bản là quốc gia đầu tư FDI nhiều nhất vào Việt Nam với số lượng các dự án FDI tăng lên nhanh chóng. Năm 2011, có 234 dự án đầu tư mới của các công ty Nhật Bản đã được cấp phép tại Việt Nam.

Qua năm 2012, con số này tăng vọt lên tới 317 dự án được cấp phép. Cùng với đó, lượng vốn FDI từ Nhật Bản trong tổng lượng vốn FDI vào Việt Nam cũng có sự nhảy vọt.

Năm 2011, Nhật Bản chiếm 25% tổng nguồn vốn FDI đầu tư vào Việt Nam nhưng con số này đã tăng gấp đôi, lên mức 50% trong năm 2012. Đây là những con số “biết nói” cho thấy xu hướng một làn sóng đầu tư mới từ Nhật Bản đang xuất hiện tại Việt Nam.

Bốn lợi thế lớn nhất mà Việt Nam thu hút được sự quan tâm của các DN được các lãnh đạo, chuyên gia trong nước và Nhật Bản chỉ ra tại Diễn đàn kinh tế cấp cao Việt Nam – Nhật Bản trong 2 ngày 5 - 6/9 tại Hà Nội gồm: Thời điểm; vị trí địa lý; lao động và mối quan hệ tin cậy giữa Nhật Bản và Việt Nam hiện nay.

Về mặt thời điểm, theo Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), giờ là lúc các DN Nhật Bản có xu hướng chuyển bớt đầu tư từ các thị trường Trung Quốc và Thái Lan (chủ yếu do áp lực chi phí ngày càng cao) sang các thị trường khu vực khác, trong đó có Việt Nam.

Trong khi đó về vị trí địa lý, nếu so với các nước khác trong khu vực thì Việt Nam cũng có lợi thế lớn, đặc biệt với các DN Nhật Bản đang đầu tư làm ăn tại Trung Quốc (như tại tỉnh Quảng Đông - có khoảng cách địa lý gần Việt Nam nhất) muốn chuyển hướng đầu tư sang các nước khác. Lợi thế về địa lý này ít nhất sẽ giúp các DN Nhật Bản tiết kiệm được chi phí vận chuyển hơn so với đặt nhà máy ở các nước khác.

Việt Nam cũng được đánh giá là nơi có thị trường lao động dồi dào, chất lượng lao động tốt, chi phí lao động khá hợp lý nên cũng được nhiều DN Nhật Bản quan tâm. Một yếu tố vô cùng quan trọng khác là mối quan hệ ngày càng gắn bó chặt chẽ và tin cậy giữa 2 nước.

“Quan hệ Việt Nam – Nhật Bản hiện nay đang ở giai đoạn phát triển tốt đẹp và rực rỡ nhất. Hai nền kinh tế đã, đang và sẽ mang tính hỗ trợ, bổ sung lẫn nhau. Việt Nam không chỉ là điểm đến đầu tư lâu dài của các DN Nhật Bản mà còn là người bạn, người đồng hành tin cậy của nhân dân xứ mặt trời mọc” - GS. TS. Tô Huy Rứa, Trưởng Ban tổ chức Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng thời là Chủ tịch Liên minh Nghị sỹ hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản nói tại diễn đàn này.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Việt Nam Bùi Quang Vinh, những lợi thế ấy không đương nhiên sẽ giúp Việt Nam chắc chắn là điểm đến của các NĐT Nhật Bản nếu các vấn đề về cơ cấu kinh tế, cơ chế chính sách, môi trường đầu tư, khả năng cạnh tranh không mau chóng được cải thiện. Các cơ hội thu hút đầu tư chẳng những sẽ bị bỏ lỡ mà nguy cơ tụt hậu với nhiều nước láng giềng trong khu vực sẽ là nhỡn tiền.

Bởi thế, vấn đề đặt ra cho Việt Nam lúc này theo các diễn giả tập trung chia sẻ là phải tập trung cho cải cách. Cải cách về môi trường đầu tư, cải cách về thể chế, cải cách về mô hình kinh tế và tái cấu trúc các trọng tâm kinh tế như đã xác định cần được thực hiện một cách mạnh mẽ...

Bên cạnh đó, cần xây dựng khung pháp luật trên cơ sở để phát huy được tất cả các nguồn lực tham gia vào phát triển kinh tế, đồng thời tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng tốt và đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho phát triển kinh tế.

Theo Đỗ Lê

cucpth

Thời báo Ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên