MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lực lượng quản lý thị trường “ kêu” thiếu biên chế

Các chi cục quản lý thị trường “kêu” thiếu biên chế dù được bổ sung từ các lực lượng phối hợp chống nạn buôn lậu.

Ngày 19.7, tại buổi Giao ban công tác quản lý thị trường (TP Cần Thơ), ông Đỗ Hữu Quang, phó cục trưởng cục Quản lý thị trường, trưởng VPĐD tại TPHCM cho biết, 6 tháng đầu năm nay, 19 Chi cục Quản lý thị trường (CC QLTT) khu vực Nam Bộ đã xử lý 11.107 vụ vi phạm (chiếm 22,7% so với cả nước), nộp ngân sách 76,19 tỷ đồng (chiếm 42,84% so cả nước).

Theo ông Quang, 2.869 vụ vi phạm về buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu; 2.017 vụ hàng giả, hàng kém chất lượng; 1.870 vụ vi phạm trong lĩnh vực giá; 4.351 vụ vi phạm kinh doanh trái phép khác. Chỉ riêng mặt hàng đường cát, 501,8 tấn đường bị tịch thu, tăng 235 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, An Giang tịch thu gần 183 tấn; TPHCM hơn 51 tấn. Vĩnh Long là nơi xử lý mạnh nhất, với 262 tấn đường cát và 60 tấn đường khô.

Ông Phan Lợi, chi cục trưởng CC QLTT tỉnh An Giang thừa nhận việc phát hiện và xử lý rất khó khăn khi đa số người vận chuyển hàng lậu đều thuộc diện nghèo, gia đình neo đơn, một số là trẻ em người dân tộc Khmer. “Họ biết cách mang vác 1.490 gói thuốc lá lậu để tránh bị chịu trách nhiệm hình sự”, ông Lợi nói.

An Giang đã tịch thu và tái xuất (3 đợt) hơn 663.222 gói thuốc lá và 550 điếu xì gà với tổng số tiền hơn 2 tỷ đồng, lớn hơn số thuốc lá mới tịch thu trong 6 tháng ở 19 tỉnh thuộc khu vực Nam bộ. Dòng chảy đường cát và thuốc lá lậu vẫn lưu thông qua biên giới tỉnh này dù có tới 7 chốt chặn, 75 cán bộ trực 24/24 giờ.

Các chi cục quản lý thị trường “kêu” thiếu biên chế dù được bổ sung từ các lực lượng phối hợp chống nạn buôn lậu. Nhiều địa phương, một đội QLTT phụ trách 2 huyện ( 5-6 biên chế). Công chức có thẻ kiểm tra thị trường rất ít, có đội chỉ có 1-2 thẻ, không bảo đảm kiểm tra đúng pháp luật. Nhiều đội phải thuê nhà dân làm trụ sở, khó khăn cho việc tiếp nhận thông tin và phối hợp công tác.

Ông Quang nói rằng hoạt động buôn lậu, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại ngày càng phức tạp, thủ đoạn tinh vi, thậm chí lợi dụng chủ trương “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trà trộn hàng lậu, hàng đội lốt… trong khi lực lượng QLTT khó khăn về nhân lực, kinh phí hoạt động, trang thiết bị và phương tiện phục vụ công tác kiểm tra, kiểm soát. Ngay cả việc tịch thu hàng rồi, muốn tiêu hủy, như thuốc BVTV, hóa chất độc hại, động - thực vật (tươi sống) có nguy cơ cao về dịch bệnh, tác động xấu đến môi trường cũng không đủ kinh phí.

Theo Ngọc Bích

thanhhuong

Sài gòn Tiếp thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên