MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lương thấp hơn nhân viên, sếp nhà nước ấm ức

Quy định khống chế trả lương cho lãnh đạo DNNN của Chính phủ mới đây đang khiến nhiều vị sếp ấm ức. Nhiều khả năng, lương giám đốc thấp hơn cả lương cán bộ cấp dưới.

Thấp hơn cấp dưới?

Mới đây, phát biểu trên diễn đàn tái cơ cấu DNNN do Bộ Công Thương tổ chức, bà Quách Kim Anh, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thuốc lá than phiền: "Lương của viên chức quản lý nếu bị Nhà nước quy định cứng, sẽ tạo thành hai mức lương trong DN rất bất cập. Chúng tôi đã tính toán, với các lãnh đạo quản lý bình quân trên 60 triệu đồng/tháng hiện nay thì sẽ xảy ra chuyện, lương viên chức quản lý sắp tới còn thấp hơn cả các nhân sự quản lý ở bộ phận khác và các viên chức quản lý bậc trung".

Trong khi đó, viên chức quản lý là người đứng đầu doanh nghiệp, có vai trò quyết định tới hoạt động của DN và có trách nhiệm rất cao với các nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, kể cả nhiệm vụ chính trị do Nhà nước giao, bà Anh cho biết.

Không phàn nàn thấp cao, nhưng ông Bùi Ngọc Bảo, chủ tịch HĐTV Tập đoàn xăng dầu Việt Nam cho rằng, quy định về tiền lương mới cho viên chức quản lý DNNN sẽ làm nảy sinh 2 thang bảng lương khác biệt ở các công ty đã cổ phần hóa.

Ông cho biết, mặc dù Nghị định 51 của Chính phủ quy định, với các DN đã cổ phần thì người đại diện vốn Nhà nước sẽ chịu trách nhiệm áp dụng cơ chế tiền lương phù hợp với thực tiễn nhưng Thông tư 19 hướng dẫn lại yêu cầu áp dụng bảng lương đúng với doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước.

Như vậy, tại DNNN đã cổ phần sẽ có 2 bảng lương, một là bảng lương trả cho người đại diện vốn Nhà nước được coi là viên chức quản lý, một bảng lương là trả cho hệ thống các cán bộ quản lý hoàn toàn theo Luật doanh nghiệp.

lương-tiền-tỷ, sếp-Tập-đoàn, sếp, DNNN, cổ-phần-hóa, thua-lỗ, hiệu-quả, chủ-tịch, viên-chức, thu-nhập, nộp-thuế

"Sếp DNNN ăn lương phải gắn với kết quả điều hành DN"

Ông Bảo cho rằng Bộ Công Thương với tư cách là chủ sở hữu cần có kiến nghị điều chỉnh cơ chế tiền lương cho phù hợp với cơ chế thị trường.

Theo cơ chế mới, những vị quản lý bậc trung có thể hưởng lương rất cao, do "ăn theo năng suất hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Còn những vị chủ tịch Tập đoàn, Tổng công ty... có thể lương sẽ thấp hơn vì phải tính theo hệ số lương cơ bản do Nhà nước quy định.

Theo Nghị định 51 của Chính phủ, mức lương cao nhất mà một vị chủ tịch Tập đoàn kinh tế được hưởng chỉ là 54 triệu đồng/tháng, lương cho Tổng giám đốc Tập đoàn chỉ được mức tối đa 52,5 triệu đồng/tháng. Đây là mức lương được trả với điều kiện các vị này phải hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quản lý điều hành doanh nghiệp, năng suất lao động tăng, lợi nhuận năm cao hơn năm trước, nộp ngân sách tăng...

Một lãnh đạo của Bộ Tài chính tiết lộ, sau khi có quy định này, hàng loạt các Tập đoàn, Tổng công ty đã phản ứng, kiến nghị đòi sửa đổi, nhất là các đơn vị có các lãnh đạo lương và thưởng lên tới hơn 1 tỷ mỗi năm.

Vừa qua, khá nhiều vị lãnh đạo đang hưởng mức lương cao hơn nhiều so với mức trần mới của chính phủ.

Chẳng hạn như tại TCty Lương thực Miền nam (Vinafood 2), lương lãnh đạo doanh nghiệp trong năm 2011 lên tới 79,749 triệu đồng/người/tháng. Cùng đó, theo báo cáo quyết toán thuế thu nhập cá nhân, thu nhập năm 2011 của lãnh đạo tại đơn vị này lên tới 1,3-1,5 tỷ đồng/năm.

Đối với TCty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1), lương của các vị lãnh đạo bình quân cũng đã là 56,5 triệu đồng/tháng. Khi tính thêm các thu nhập khác, tổng thu nhập thực tế của lãnh đạo tại đơn vị này từ 700-900 triệu đồng/năm. Ở Vietnam Airlines, lương các vị lãnh đạo cũng đều từ 55-58 triệu đồng/tháng.

Trong khi đó, lương bình quân của người lao động toàn khối DNNN năm 2012 chỉ mới đạt 6,8 triệu đồng/tháng. Tại một số Tập đoàn như Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Điện lực, lương bình quân cho người lao động ở mức 7,3 triệu đồng/tháng.

"Là người của Nhà nước thì đừng kêu"

Theo đại diện Vụ Lao động Tiền lương, Bộ Lao động thương binh và xã hội, chênh lệch tiền lương giữa cán bộ lãnh đạo và cán bộ bậc trung là một thực tế phải chấp nhận.

Theo lãnh đạo này, lương của một phi công nước ngoài, phải giữ tính mạng hàng bao nhiều người thì cao hơn lương của ông Tổng giám đốc hàng không là bình thường. Những kỹ sư, cán bộ làm ra bao nhiêu giá trị sản phẩm, tạo doanh thu cho doanh nghiệp thì phải được lương cao. Còn các viên chức quản lý, là người của Nhà nước, thì phải chấp nhận hưởng lương theo quy định của nhà nước.

"Đã là người của Nhà nước thì đừng kêu. Nếu thấy không được, anh cứ ra làm doanh nghiệp tư nhân sẽ biết!", vị này nói.

Đại diện Vụ lao động tiền lương cho hay, mức khống chế 54 triệu đồng/tháng là đã được tính toán dựa trên cơ sở rà soát mặt bằng tiền lương hiện nay của các DNNN, đảm bảo tiếp cận thị trường, hài hòa lợi ích giữa các bên.

lương-tiền-tỷ, sếp-Tập-đoàn, sếp, DNNN, cổ-phần-hóa, thua-lỗ, hiệu-quả, chủ-tịch, viên-chức, thu-nhập, nộp-thuế
Viên chức nhà nước làm DN cũng không thể lương cao?

Theo phân tích của vị này, mức lương khống chế trên có thể là thấp nếu so với các Tập đoàn lớn của nước ngoài, nhưng so với doanh nghiệp ở Việt Nam là chấp nhận được. Trước đây, các vị sếp DNNN hưởng lương cao gấp mấy chục lần lương nhân viên chủ yếu là do quy chế phân phối tiền lương nội bộ. Nay, áp dụng cơ chế mới, lương trả theo đúng chức danh, đặc biệt, cấm chuyện lấy lương của người lao động trả cho viên chức quản lý nên có thể, một số vị sẽ bị hạ lương.

"Tuy nhiên, tôi cho số này là không nhiều. Hơn nữa, việc giảm lương như vậy cũng là hợp lý, tránh sự chênh lệch thái quá với người lao động", vị này nói.

Theo Phạm Huyền

cucpth

Vietnamnet

Trở lên trên