M&A tại Việt Nam sẽ còn sôi động hơn trong thời gian tới
Với các quy định trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng và doanh nghiệp hiện nay đã khá thông thoáng, nên khả năng luồng vốn ngoại chảy vào Việt Nam sẽ mạnh hơn, nhất là thông qua con đường M&A.
- 21-08-2015M&A nông nghiệp: "Đường tắt" chiếm lĩnh thị trường của các đại gia Việt?
- 11-08-2015M&A ngân hàng: Chuyện được, mất
- 06-08-2015Những thương vụ M&A nghìn tỷ trên thị trường BĐS từ 2014-2015
Đó là nhận định của Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia (NCEIF) đưa ra trong phân tích các chính sách tài chính – tiền tệ tháng 8/2015.
Theo NCEIF, hoạt động mua bán sáp nhập (M&A) đang diễn ra khá sôi động tại Việt Nam, song xét về giá trị các giao dịch này còn khá nhỏ. Trong đó, có 3 đặc điểm khiến cho giao dịch của các thương vụ M&A Việt Nam còn nhỏ hơn các nước trong khu vực, cụ thể:
Thứ nhất, doanh nghiệp Việt Nam đa phần có quy mô nhỏ và vừa, chiếm đến 97%. Quy mô của những doanh nghiệp Việt Nam nói chung hiện cũng nhỏ hơn nhiều so với doanh nghiệp các nước trong khu vực.
Thứ hai, quá trình tái cấu trúc cũng như đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước thời gian qua chỉ tập trung cổ phần hóa, tái cơ cấu và bán cổ phần của những công ty con trước. Vì thế, giá trị các thương vụ M&A của Việt Nam còn nhỏ hơn so với các nước trong khu vực.
Thứ ba, nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong thời gian qua còn khá dè dặt, vì họ phải tìm hiểu lộ trình và khả năng thành công trước khi quyết định đầu tư.
Quy mô các thương vụ M&A năm 2014 đã tăng mạnh so với năm 2013. Xu hướng này tiếp tục tăng lên khi 6 tháng đầu năm, giá trị thương vụ đã bằng ¾ so với năm 2014. Tuy nhiên, so với thế giới thì quy mô M&A tại Việt Nam vẫn ở mức khá khiêm tốn.
Dẫn chứng, trong năm 2014 hoạt động M&A thế giới tăng 57%, đạt 4.400 tỷ USD, trong khi Việt Nam chỉ tăng 33%, thị trường đạt khoảng 4,2 tỷ USD với 313 giao dịch. So với các nước trong khu vực, giá trị giao dịch trung bình mỗi thương vụ cũng khá khiêm tốn, với khoảng 130 triệu USD, trong khi các nước trong khu vực đạt khoảng 400 triệu USD.
Tuy nhiên, sau khi chính sách nới room lên 49%, NCEIF nhận định dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ gia tăng mạnh mẽ. Nhà đầu tư nước ngoài có thể sở hữu không hạn chế cổ phần, là một trong những thông điệp vô cùng quan trọng với giới đầu tư quốc tế về sự cởi mở chính sách thu hút đầu tư gián tiếp nước ngoài tại Việt Nam.
Do đó, cơ quan dự báo kinh tế quốc gia cho rằng M&A của thị trường Việt Nam sẽ còn sôi động hơn nữa trong thời gian tới.