Một năm "nhạy cảm" chuyện lợi ích nhóm trong tái cơ cấu
Sau một năm, vấn đề lợi ích nhóm cản trở tái cơ cấu vẫn không được giải quyết mặc dù các chuyên gia kinh tế đã nhiều lần phân tích về vấn đề này.
Mới đây nhất, PSG TS Võ Đại Lược - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính trị Thế giới cho biết, các nhóm lợi ích vẫn chi phối rất mạnh quá trình tái cơ cấu và cản trở quá trình đổi mới. Tuy nhiên, để làm rõ vấn đề này, ông từ chối và cho rằng đây là vấn đề "nhạy cảm".
Những tranh luận xoay quanh chủ đề lợi ích nhóm tái cơ cấu nền kinh tế đã từng được đẩy đến cao trào trong ngày thứ nhất của Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân 2013 đang diễn ra tại Nha Trang vào đầu tháng 4/2013.
TS Lưu Bích Hồ cho rằng rất khó trao trách nhiệm tái cơ cấu nền kinh tế cho cơ quan hành pháp, khu vực mà lợi ích nhóm dễ hoành hành hơn các khu vực khác.
“Để mình Chính phủ làm là không ổn, nên trao nhiệm vụ chỉ đạo giám sát điều phối cho Quốc hội, tái cơ cấu nền kinh tế là việc đặc biệt, nên Quốc hội nên lập ra một ủy ban đặc biệt để thực hiện”, TS Lưu Bích Hồ đề nghị.
Tại diễn đàn Kinh tế Mùa xuân, TS Phạm Chi Lan cũng quan ngại có thể xảy ra việc lợi dụng tái cơ cấu để thu vén cho lợi ích cá nhân, và đề nghị Quốc hội cần giám sát thật chặt chẽ.
Ngoài ra, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng phân tích, chính trong thời gian bỏ lỡ cơ hội tái cơ cấu nền kinh tế đó, các nhóm lợi ích đã bùng lên và trở thành gánh nặng cho nền kinh tế. Thế lực của các nhóm lợi ích đã trở nên mạnh mẽ, không phải chỉ ở riêng khu vực doanh nghiệp nhà nước mà khu vực nào cũng có, và là lực cản rất lớn cho tái cơ cấu.
Ngày 24/10 vừa qua, trong phiên thảo luận tổ, sốt ruột với tốc độ tái cơ cấu kinh tế ì ạch, luẩn quẩn, cán bộ nể nang nhau, lợi ích nhóm.... đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cũng đã chỉ ra nguyên nhân là do lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ chính trong các doanh nghiệp nhà nước đang phải sắp xếp lại, cổ phần hóa. Nhiều nơi còn nể nang nhau.
Mới đây, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính trị Thế giới, chuyên gia kinh tế Võ Đại Lược cũng cho biết, các nhóm lợi ích vẫn chi phối rất mạnh quá trình tái cơ cấu và cản trở quá trình đổi mới, điều mà ông đã nói từ cách đây 1 năm trước.
Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi để làm rõ biểu hiện của nhóm lợi ích chi phối thế nào đến nền kinh tế và quá trình tái cơ cấu, nhóm lợi ích cụ thể được biểu hiện như thế nào, PGS TS Võ Đại Lược cho biết, không thể nói cụ thể được vì đây là vấn đề nhạy cảm, động chạm.
Nêu quan điểm về việc tái cơ cấu nền kinh tế liệu có thực hiện được hay không, PGS TS Võ Đại Lược cho biết, thời gian vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã thể hiện rõ những quyết tâm về việc phải tái cơ cấu nền kinh tế thông qua hàng loạt chỉ đạo của Thủ tướng đối với các bộ ban ngành và trong thông điệp năm 2014.
Thủ tướng cũng nói rõ sắp xếp cán bộ là nhân tố quyết định đến sự thành bại của công cuộc cải tổ tái cơ cấu. Do vậy: “Sắp xếp, bố trí cán bộ không tốt thì không tái cơ cấu được gì hết. Nếu ông cán bộ lãnh đạo ở đó mà không chịu cổ phần hóa thì phải thay thế”, Thủ tướng chỉ đạo.
Thủ tướng cũng yêu cầu thoái vốn nhà nước tại những ngành không cần nắm giữ:”Cái nào thua lỗ, không khắc phục được thì giải thể, phá sản đi, lần này phải kiên quyết”.
Và cũng tinh thần chỉ đạo xuyên suốt này, trong các buổi gặp gỡ tại các ngành, doanh nghiệp, Thủ tướng liên tục đưa ra những thông điệp chỉ đạo phải sát xao việc tái cấu trúc, thoái vốn. Từ tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đến Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đều phải: “đẩy nhanh cổ phần hóa các đơn vị, thoái vốn đầu tư ra ngoài ngành; đồng thời kiện toàn bộ máy và năng lực quản trị…”.
Dù vậy, TS Võ Đại Lược thừa nhận:"Trước sự tác động của các nhóm lợi ích, việc tái cơ cấu nền kinh tế dù được thực hiện theo quy trình như hiện nay không hiệu quả".
Theo Nguyên Thảo