MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nếu Hyundai không trở lại!

Sau 20 năm ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam vẫn còn “non trẻ”. Các nhà sản xuất được hưởng lợi từ nguồn lực, đất đai, năng lượng giá rẻ nhưng phải gánh chịu rủi ro từ cụm ngành chưa phát triển.

Hyundai đề nghị chấm dứt hợp đồng

Ngày 06/01/2014, UBND tỉnh Quảng Nam cử đại diện lãnh đạo Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai và Thaco sang Hàn Quốc làm việc với Tập đoàn Huyndai về việc triển khai dự án Nhà máy sản xuất động cơ của Tập đoàn Hyundai tại Khu kinh tế mở Chu Lai, tỉnh Quảng Nam.

Tại buổi làm việc, sau khi thảo luận, đại diện Tập đoàn Huyndai cho rằng thời hạn ký kết hợp đồng chuyển giao công nghệ giữa hai bên đã kết thúc và do dự án kéo dài sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất, kinh doanh tại thị trường ASEAN.

Vì vậy, đại diện Tập đoàn Huyndai đề nghị chấm dứt hợp đồng giữa hai bên và báo cáo lãnh đạo Tập đoàn xem xét điều chỉnh kế hoạch chuyển giao công nghệ và sản xuất sản phẩm vào năm 2016. 

UBND tỉnh Quảng Nam đã đề nghị Phó Thủ tướng Chính phủ làm việc và đề nghị Tập đoàn Huyndai xem xét tiếp tục phối hợp triển khai dự án.

Với nhiều người đây chắc hẵn là tin không vui bất ngờ đầu năm 2014, nhưng, nếu Hyundai không ở lại với dự án, có lẽ đó không là điều bất ngờ với các nhà hoạch định chính sách cũng như giới đầu tư trong ngành.

Lịch sử dự án

Ngày 04/08/2011, Tập đoàn Hyundai Motor – Hyundai và CTCP Ô tô Trường Hải - Thaco đã ký kết Biên bản ghi nhớ về việc thực hiện dự án Nhà máy sản xuất động cơ của Tập đoàn Hyundai tại Khu kinh tế mở Chu Lai, tỉnh Quảng Nam.

Theo đó, vốn đầu tư dự án 165 triệu USD, Hyundai sẽ góp 51% vốn, công suất sản xuất 100.000 động cơ các loại/năm; bắt đầu triển khai vào tháng 10/2011 và đưa vào hoạt động vào cuối năm 2012.

Tuy nhiên, đến tháng 8/2013 dự án chưa đi vào hoạt động, theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Nam, dự án gặp một số khó khăn, vướng mắc về áp dụng tiêu chuẩn khí thải cho việc sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu xe ô tô - xe máy mới, thời điểm áp dụng tiêu chuẩn khí thải Euro 4 bắt đầu vào tháng 01/2017.

Báo cáo chỉ ra rằng, nhiên liệu nhập khẩu từ nước ngoài theo tiêu chuẩn Euro 4,5 đạt chuẩn có giá thành cao với mức chênh lệch 20-30% so với nhiên liệu tiêu chuẩn Euro 2,3. Đồng thời, nguồn cung cấp nhiên liệu bị lệ thuộc vào nhà cung cấp nước ngoài.

Do đó, UBND tỉnh Quảng Nam đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ thống nhất cho phép dự án được sản xuất số lượng 100.000 động cơ hoặc thời hạn đến cuối năm 2018 theo tiêu chuẩn Euro 2,3 để dự án có sản lượng phù hợp, bảo hòa nguồn vốn đầu tư trước khi tiếp tục đầu tư công nghệ đạt tiêu chuẩn Euro 4,5 đáp ứng yêu cầu môi trường và hội nhập tại khu vực.

UBND cũng lượng trước rằng, dự án sẽ gặp nhiều rủi ro do phụ thuộc vào quyết định chuyển giao công nghệ của đối tác Hyundai vào thời điểm đầu tư. Bởi nếu áp dụng tiêu chuẩn khí thảimới và không có chính sách đặc thù, thời gian chuẩn bị đầu tư sẽ kéo dài và đến năm 2017 mới đủ khả năng đầu tư trực tiếp sản phẩm động cơ đạt tiêu chuẩn Euro 4/Euro 5.

Sau khi điều chỉnh, Chính phủ đã chấp thuận dự án sẽ sản xuất 100.000 động cơ Diesel theo tiêu chuẩn khí thải tương đương Euro 2/Euro 3 dùng để lắp ráp trên các xe ô tô sản xuất lắp ráp trong nước đến hết năm 2018. Dự án sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động tháng 01/2015.

Nếu Hyundai không trở lại...

Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam bắt đầu muộn và phát triển chậm. Sau 20 năm đổi mới và phát triển, ngày nay Honda, Toyota, Ford, GM… đã vào Việt Nam theo cơ chế sở hữu 100% hoặc liên doanh. Họ cũng đã thành lập nhiều doanh nghiệp lắp ráp xe tại Việt Nam. Việt Nam cũng đã phát triển ngành công nghiệp xe hơi nội địa.

Hiện tại, sản lượng sản xuất xe hơi Việt Nam ước đạt 100.000 chiếc/năm; có hàng trăm doanh nghiệp sản xuất linh kiện ô tô, đa số là các doanh nghiệp vừa và nhỏ với công suất thấp. Các sản phẩm chủ yếu vẫn còn khá đơn giản, như chỗ ngồi, pin. Nhìn chung, công nghiệp sản xuất thiết bị vẫn còn phụ thuộc nhập khẩu.

Trong năm 2013, doanh số bán ô tô toàn thị trường đạt hơn 110.000 chiếc, tăng 19% trong đó chủ yếu vẫn là xe lắp ráp trong nước (CKD). Tuy nhiên, trong những tháng cuối của năm 2013, mức tăng sản lượng tiêu thụ CKD thấp hơn sản lượng tiêu thụ các loại xe nhập khẩu nguyên chiếc (CBU). VAMA cho biết, năm 2013, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước tăng 18% trong khi xe nhập khẩu tăng 23% so với cùng kì năm ngoái.

Với quy mô thị trường, và tốc độ tăng trưởng kinh tế, thị trường tiêu thụ ô tô trong nước sẽ cực hấp dẫn với các nhà sản xuất. Với các chính sách hiện tại, các nhà sản xuất xe hơi sẽ được hưởng lợi từ nguồn lực, đất đai và chi phí năng lượng giá rẻ.

Tuy nhiên, ngành công nghiệp xe hơi Việt Nam còn phải cạnh tranh với Thái Lan, Indonesia và các quốc gia ASEAN cũng như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và những quốc gia ASEAN. Bởi trước 2018, thuế nhập khẩu Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ là 5%.

Đồng thời các nhà sản xuất phải gánh chịu rủi ro từ cụm ngành công nghiệp xe hơi chưa phát triển. Đây có thể là yếu tố quan trọng, bên cạnh việc áp dụng tiêu chuẩn khí thải làm tăng giá thành xe sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh trên thị trường nội địa của Hyundai với chính xe Hyundai nhập khẩu. 

Vì vậy, việc Huyndai chấm dứt hợp đồng giữa hai bên nếu có sẽ là minh chứng rõ nét cho cụm ngành chưa phát triển đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến lợi ích của các bên tham gia. Bên cạnh đó, phát triển ngành công nghiệp mà Việt Nam không có lợi thế quả là một điều không dễ dàng.

T. Sam

quynhnn

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên