Ngày 19/5, khởi công dự án xây dựng cầu Việt Trì-Ba Vì
Sau khi dự án cầu Việt Trì - Ba vì hoàn thành và đưa vào khai thác sẽ rút ngắn quãng đường từ thủ đô Hà Nội đến trung tâm thành phố Việt Trì khoảng 20 km so với trước đây.
Ngày 19/5, Bộ Giao thông vận tải sẽ tổ chức động thổ Dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Việt Trì – Ba Vì với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 1.463 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng gần 885 tỷ đồng, do Công ty Cổ phần Tập đoàn Phú Mỹ làm nhà đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT (Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao).
Theo TTXVN, dự án có tổng chiều dài 9,46 km bao gồm cầu chính và đường dẫn hai đầu cầu được xây dựng trên địa phận các xã Phú Sơn, Thái Hòa, Phú Đông, Vạn Thắng, Phú Cường (huyện Ba Vì, Tp.Hà Nội) và phường Thọ Sơn (Tp.Việt Trì, tỉnh Phú Thọ).
Cụ thể, phần cầu chính Việt Trì – Ba Vì vượt sông Hồng có chiều dài 1,55 km, đường dẫn phía Phú Thọ dài 0,26 km và đường dẫn phía Hà Nội khoảng 7,54 km.
Căn cứ thiết kế được phê duyệt, điểm đầu của dự án sẽ kết nối với Quốc lộ 32 tại lý trình Km59+500 (cách đầu cầu Trung Hà về phía Hà Nội khoảng 3,5 km) thuộc địa phận xã Phú Sơn (huyện Ba Vì), điểm cuối tại khu vực giao với Quốc lộ 32C tại lý trình Km3+100 thuộc địa phận phường Thọ Sơn (Tp.Việt Trì).
Cầu Việt Trì – Ba Vì có bề rộng 12m bao gồm hai làn xe cơ giới rộng 7m, hai làn xe hỗn hợp rộng 4m và gờ lan can hai bên rộng 1m.
Kết cấu của cầu chính gồm 6 nhịp dạng dầm hộp liên tục bằng bê tông cốt thép dự ứng lực được thi công theo phương pháp đúc hẫng cân bằng.
Doanh thu từ việc thu phí để tính hoàn vốn cho dự án được xác định trên cơ sở lưu lượng xe, thời gian dự kiến thu phí từ quý I/2017.
Hiện nay, nhà đầu dự kiến sử dụng trạm thu phí đặt tại đặt ở phía Hà Nội tại lý trình Km7+160, cách đầu cầu phía Hà Nội khoảng 500m để thu phí hoàn vốn cho công trình trong khoảng thời gian 21 năm 1 tháng.
Theo đánh giá, sau khi dự án hoàn thành và đưa vào khai thác sẽ rút ngắn quãng đường từ thủ đô Hà Nội đến trung tâm thành phố Việt Trì khoảng 20 km so với trước đây.
Mặt khác, sau khi dự án này được hoàn thành sẽ từng bước hoàn thiện mạng lưới hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thủ đô Hà Nội và tỉnh Phú Thọ nói chung và vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ nói chung.
Đặc biệt, khi cầu Việt Trì – Ba Vì được đưa vào khai thác sẽ góp phần đáp ứng tốt hơn nhu cầu vận tải ngày càng cao, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông trên tuyến Quốc lộ 32 và Quốc lộ 32C.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc việc bổ sung Dự án đầu tư cầu Việt Trì - Ba Vì nối quốc lộ 32 và quốc lộ 32C vào Quy hoạch phát triển GTVT đường bộ Việt Nam giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Thủ tướng Chính phủ cũng đồng ý thực hiện dự án theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT). Bộ GTVT là cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với dự án.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT thống nhất với UBND thành phố Hà Nội và tỉnh Phú Thọ về nội dung cụ thể của dự án để đảm bảo phù hợp quy hoạch và đầu tư đồng bộ, hiệu quả.
Theo Chinhphu.vn