MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngành dệt may thời hội nhập: Con đường có trải hoa hồng?

Nếu tận dụng tốt lợi thế và những cơ hội sắp tới, ngành dệt may Việt Nam có thể bứt phá ngoạn mục. Tuy nhiên, không có con đường nào trải toàn hoa hồng và những thách thức vẫn đang chờ ở phía trước.

Nội dung nổi bật:

- Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may năm 2014 đạt 20,95 tỷ USD; tăng 16,8% so với năm trước.

- Hàng dệt may Việt Nam đang dần chinh phục những thị trường lớn và khó tính như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc.

- Năm 2014, ngành dệt may thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài.

- Vinatex dự kiến, năm 2015, ngành dệt may có kế hoạch xuất khẩu từ 28 - 28,5 tỷ USD; tăng 15,9% trong năm 2015.


“Chinh phục” những thị trường lớn và khó tính

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, giá trị xuất khẩu hàng dệt may năm 2014 đạt 20,95 tỷ USD; tăng 16,8% so với năm trước. Đặc biệt, trong tất cả các tháng năm 2014, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam đều đạt giá trị trên 1 tỷ USD.

Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may theo tháng năm 2014 (Nguồn: Tổng cục Hải quan).

Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may theo tháng năm 2014 (Nguồn: Tổng cục Hải quan).

Trong năm 2014, hàng dệt may là mặt hàng chủ lực của Việt Nam xuất khẩu sang hầu hết các thị trường trên thế giới. Trong đó thị trường Hoa Kỳ dẫn đầu với kim ngạch đạt 9,82 tỷ USD; chiếm khoảng 46,9% kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của cả nước.

Nếu so với các quốc gia cạnh tranh trên thị trường Mỹ, Việt Nam tiếp tục đạt tăng trưởng dẫn dầu với 2 con số, trong khi các quốc gia khác tăng nhẹ hoặc thậm chí còn tăng trưởng âm (Trung Quốc tăng chưa tới 1%, Ấn Độ tăng 6%, Indonesia, Bangladesh Campuchia tăng trưởng âm).

Thị trường EU đứng thứ 2 với kim ngạch đạt 3,4 tỷ USD, tăng 17%. Các mặt hàng XK như áo jacket, quần nam nữ, áo hàng suite nam nữ… chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu mặt  hàng may mặc XK sang EU. Thị phần hàng dệt may của Việt Nam trên thị trường EU tăng từ 1% (trong năm 2013) lên 1,98% (trong năm 2014).

Nhật Bản là thị trường XK lớn thứ 3 của Việt Nam với kim ngạch đạt 2,7 tỷ USD tăng 9%, thị phần tăng từ 6,01% lên 6,61%. Thị trường Hàn Quốc tăng tới 27% trong năm 2014 với kim ngạch 2,4 tỷ USD, trong đó tăng trưởng mạnh nhất là các nhóm hàng áo khoác, áo jacket, hàng suite, quần nam nữ.

“Hút” vốn ngoại

Trong năm 2014, ngành dệt may đã đón nhận rất nhiều dự án đầu tư lớn từ các nhà đầu tư nước ngoài. Đây là một tín hiệu tích cực đối với toàn ngành, nhưng cũng là một đe dọa không nhỏ đối với các doanh nghiệp dệt may nội địa.

Đầu tháng 10, Tập đoàn TAL (Hong Kong) được tỉnh Hải Dương quyết định đầu tư 600 triệu USD xây dựng Nhà máy sản xuất sợi, dệt nhuộm và may mặc ở khu công nghiệp Đại An. TAL đã đầu tư vào ngành dệt may Việt Nam từ năm 2004 với nhà máy tại Thái Bình và có nhiều sản phẩm xuất đi Mỹ.

Trước đó, Nam Định đã cấp phép xây dựng nhà máy sản xuất sợi-dệt-nhuộm có vốn đầu tư 68 triệu USD cho Tập đoàn dệt may Yulun Giang Tô (Trung Quốc).

Tại phía Nam, nhiều tập đoàn của Đài Loan, Hong Kong cũng tăng cường đẩy mạnh đầu tư. Trong đầu tháng 10, Tập đoàn Haputex Development Limited (Hong Kong) và Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Việt Hương đã liên doanh đầu tư 120 triệu USD lập Công ty TNHH liên doanh Nam Phương Textile Limited. Dự án đặt tại Bình Dương rộng 12ha chuyên về lĩnh vực dệt vải, sẽ hoạt động vào đầu 2016, sử dụng khoảng 3.000 lao động.

Mới đây, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) và Tập đoàn Dệt may Itochu (Nhật Bản) đã ký thỏa thuận khung về hợp tác kinh doanh, để thực hiện đầu tư chuỗi dự án mới về dệt nhuộm hoàn tất và nguyên phụ liệu tại Việt Nam.

Liệu con đường có trải hoa hồng?

Với tiền đề vững chắc, năm 2015 được đánh giá là năm thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu của ngành dệt may. Phân tích sâu về cơ hội tại các thị trường, ông Lê Tiến Trường – Phó Chủ tịch Hiệp hội, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam cho biết, triển vọng tăng trưởng kim ngạch ngay tại các thị trường truyền thống của ngành còn rất lớn.

Khi FTA Việt Nam - EU được ký kết, xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang EU sẽ khởi sắc tương tự trường hợp của Bangladesh tăng trưởng mạnh vào EU kể từ khi hưởng ưu đãi về thuế GSP. Dự báo năm 2015, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam sang EU sẽ duy trì được đà tăng trưởng và đạt trên 4 tỷ USD.

Đối với thị trường Nhật Bản, Việt Nam có thế mạnh là một trong những nước tham gia đàm phán TPP cùng với Nhật Bản. Việc các nhà đầu tư Nhật tăng đầu tư vào vùng sản xuất nguyên phụ liệu trong ngành dệt may tại Việt Nam đã tạo cho ngành dệt may Việt Nam cơ hội tận dụng được lợi thế về quy tắc xuất xứ và từng bước đáp ứng được tiêu chuẩn về kỹ thuật và môi trường khi xuất khẩu sang Nhật Bản.

Với đà tăng trưởng như năm 2014 cộng với sức hút từ các FTA sắp ký kết, Đại diện Vinatex dự kiến, ngành dệt may có kế hoạch xuất khẩu từ 28 đến 28,5 tỷ USD; tăng 15,9% trong năm 2015.

Đồng thời, theo PGS.TS Phạm Tất Thắng, Viện Nghiên cứu Thương mại, Bộ Công Thương, nếu tận dụng tốt cơ hội từ những hiệp định thương mại sắp tới, Việt Nam có cơ hội trở thành một “cường quốc” về dệt may.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, ngành dệt may Việt Nam cũng đứng trước nhiều thách thức không nhỏ. Khi thị trường được mở rộng thì những quy định đối với hàng dệt may Việt Nam sẽ ngày càng gay gắt hơn. Các yêu cầu về nguồn gốc, xuất xứ nguyên phụ liệu dệt may cũng sẽ là một trở ngại lớn nếu doanh nghiệp dệt may Việt Nam không có sự chuẩn bị kỹ càng.

>>>Ngành xuất khẩu dệt may ăn nên làm ra

Nguyệt Quế

Trịnh Hường

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên