Người Việt có rơi vào cảnh "chưa giàu đã già" vì đánh mất cơ hội "dân số vàng"?
Thời kỳ dân số vàng được dự báo sẽ kéo dài đến năm 2041, tức là còn khoảng 25 năm nữa thì cơ hội này sẽ qua đi. Khi đó số người trong độ tuổi phụ thuộc sẽ lớn hơn số người trong độ tuổi lao động.
- 25-01-201620 năm nữa, thu nhập bình quân người Việt sẽ cao gấp 8 lần hiện nay?
- 22-01-2016Tổng bí thư: Nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế vẫn tồn tại
- 20-01-2016Mức lương của người Việt chỉ đứng hàng thứ 8 trong ASEAN
- 18-12-2014Việt Nam cần làm gì để tận dụng cơ hội dân số vàng?
Bài phát biểu khá tâm huyết về vấn đề “Đẩy mạnh cải cách thể chế, hướng tới một Việt Nam thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ” tại Đại hội Đảng XII của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã thẳng thắn nhìn vào tình hình của đất nước.
Trong đó, một điểm đáng chú ý được Bộ trưởng Vinh đưa ra là mức thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam trong tương quan với một số nước trong khu vực đang có khoảng cách khá xa, và những cơ hội của thời kỳ dân số vàng đang sắp qua đi.
Nghịch lý dân số vàng: năng suất lao động thấp
Dân số Việt Nam đã đạt con số 90 triệu người, đứng thứ 14 trên thế giới và thứ 8 ở châu Á. Cùng với xu hướng giảm sinh và nâng cao tuổi thọ, tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động (15-64) tăng lên, hiện chiếm 69% tổng số dân. Từ năm 2007, Việt Nam chính thức bước vào thời kỳ cơ cấu “dân số vàng” - là thời kỳ cơ cấu dân số thể hiện số người trong độ tuổi lao động chiếm tỷ trọng cao hơn số người phụ thuộc. Thời kỳ này đem đến cơ hội là nguồn lao động dồi dào, tạo ra lượng của cải vật chất lớn để tích lũy cho tương lai.
Tuy nhiên, một thách thức đặt ra với nước ta là mặc dù có lực lượng lao động trẻ, dồi dào nhưng có khoảng 70% lao động chưa được đào tạo nghề. Bên cạnh đó, khoảng 70% dân số ở nông thôn, trong khi nông dân hiện nay mới sử dụng 40% thời gian cho sản xuất nông nghiệp, còn lại 60% thời gian là nông nhàn.
Ngoài ra, vấn đề thu nhập thấp, thiếu việc làm, chất lượng sống và chất lượng dân số chưa cao, tốc độ già hóa nhanh, chi phí an sinh xã hội lớn cũng là những thách thức đặt ra với Việt Nam.
GS.TS. Nguyễn Đình Cử (Viện Dân số và Các vấn đề xã hội, Ðại học Kinh tế quốc dân), từng ví von: mỏ vàng không khai thác thì còn, nhưng "cơ cấu dân số vàng" nếu không khai thác thì sẽ hết. Do đó, cần sớm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo ra và tìm kiếm nhiều việc làm có thu nhập cao, cả ở trong và ngoài nước, hạn chế tiêu dùng xa xỉ, nâng cao tiết kiệm, thúc đẩy đầu tư.
Thời kỳ dân số vàng được dự báo sẽ kéo dài đến năm 2041, tức là còn khoảng 25 năm nữa thì cơ hội từ dân số vàng sẽ qua đi. Nhìn lại gần chục năm qua khi Việt Nam chính thức bước vào thời kỳ dân số vàng, nhiều “nút thắt” về chất lượng nguồn nhân lực, việc làm và thu nhập của người lao động vẫn đang là bài toán chưa có lời giải.
Theo ông Đỗ Văn Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tốc độ tăng năng suất lao động trung bình ở giai đoạn 2006-2010 chủ yếu dựa vào ngành nông lâm thủy sản, trong khi các ngành công nghiệp – xây dựng và dịch vụ có tốc độ tăng năng suất lao động khá thấp.
Một nghiên cứu đáng giật mình được PGS.TS. Giang Thanh Long, Viện trưởng Viện Chính sách công và quản lý (ĐH Kinh tế Quốc dân) đưa ra là nếu năng suất lao động không thay đổi thì Việt Nam chỉ có thể có được “dư lợi” dân số vàng tới năm 2018.
Phân tích cụ thể hơn, vị chuyên gia này cho biết thu nhập từ lao động sẽ tăng nhanh từ 14 - 31 tuổi, sau đó bắt đầu giảm dần tới năm 51 tuổi và tiếp tục giảm nhanh đến 70 tuổi và về 0 khi đến tuổi 90.
Số liệu điều tra mức sống hộ gia đình Việt Nam năm 2012 cho thấy, dân số trong độ tuổi 23 - 53 tạo ra thặng dư khoảng 632.000 tỉ đồng, trong khi dân số trong độ tuổi 0 - 23 và từ 54 tuổi trở lên tương ứng tạo thâm hụt khoảng 552.000 tỉ đồng.
Như vậy, tổng cộng cho toàn bộ dân số thì mức thâm hụt là khoảng 109.000 tỉ đồng. Để bù đắp cho phần thâm hụt này thì một phần được chia sẻ từ nguồn thặng dư do nhóm dân số tuổi từ 23 - 53 tạo ra và phần khác là từ các khoản chuyển giao khác.
“Nếu giả định cơ cấu thu nhập từ lao động và tiêu dùng bình quân đầu người theo từng độ tuổi của năm 2012 được giữ nguyên và năng suất lao động không thay đổi, thì biến đổi cơ cấu tuổi dân số chỉ có tác động tích cực tới tỷ số hỗ trợ kinh tế tới năm 2018. Nói cách khác, Việt Nam chỉ có “dư lợi dân số” tới năm 2018”, PGS.TS Giang Thanh Long nói.
Nguy cơ tụt hậu và nỗi lo chưa giàu đã già
Số liệu công bố mới đây của Tổng cục Thống kê cho biết, năng suất lao động được tính trên thu nhập bình quân của người lao động Việt Nam là 79,3 triệu đồng (3.657 USD). Nếu tính theo giá so sánh năm 2010, năng suất lao động tăng 6,4% và tính bình quân 17 năm trở lại, năng suất lao động của toàn xã hội tăng 24 triệu đồng/lao động, tương đương 1.600 USD/lao động/năm.
Tuy nhiên, so với Singapore thì năng suất lao động cao gấp 18 lần; Malaysia cao gấp 6,6 lần; Thái Lan cao gấp 2,7 lần và Philippines cao gấp 1,8 lần. Hiện năng suất lao động của Singapore là 92.632 USD; của Malaysia là 30.317 USD và của Thái Lan là 9.311 USD. Nhiều chuyên gia lo ngại, Việt Nam đang ngày càng tụt hậu xa hơn khi khoảng cách năng suất lao động ngày càng xa.
GS. Trần Văn Thọ , Đại học Waseda (Tokyo), đặt ra khi cho rằng Việt Nam chưa tận dụng được cơ hội từ dân số vàng. Dẫn chứng, giai đoạn 2006 – 2015, tốc độ phát triển chậm lại, chỉ còn trên dưới 5,5% và kém hiệu suất. Việt Nam đang loay hoay với mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc kinh tế.
Do đó, cùng với việc đẩy mạnh đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng năng suất lao động thì cần đẩy mạnh phát triển thị trường liên quan đến yếu tố sản xuất như thị trường vốn, thị trường lao động, thị trường đất đai; đẩy mạnh cải cách DN Nhà nước….