Nhiều dự án lọc dầu giảm quy mô, chậm tiến độ
Tập đoàn dầu khí quốc gia Thái Lan PTT cùng với đối tác Saudi Aramco (Saudi Arabia) vừa thông báo có thể sẽ thay đổi quy mô và tiến độ đầu tư dự án lọc dầu Victory (Nhơn Hội, Bình Định)
- 10-01-2016Dự án lọc dầu gặp khó cùng giá dầu
- 06-12-2015Long đong các siêu dự án lọc dầu tỷ đô
- 29-10-2015Nhà đầu tư Qatar đề nghị rút khỏi dự án lọc hóa dầu Long Sơn
- 14-09-2015Cần Thơ “chưa quyết” thu hồi dự án lọc dầu 538 triệu USD
- 17-07-2015Đại gia BĐS đến Bình Định "ăn theo" dự án lọc hóa dầu Nhơn Hội
Thông tin từ Văn phòng UBND TP Cần Thơ cho biết sau gần tám năm triển khai dự án Nhà máy lọc dầu Cần Thơ, đến nay Công ty CP đầu tư - thương mại Viễn Đông (chủ đầu tư) vẫn đang loay hoay tìm đối tác mới để liên doanh thực hiện dự án.
Trước đó vào năm 2008, UBND TP Cần Thơ cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH Nhà máy lọc dầu Cần Thơ, liên doanh giữa Công ty cổ phần đầu tư - thương mại Viễn Đông (VN) và Công ty Semtech Limited (B.V.I) để thực hiện dự án với số vốn 8.608 tỉ đồng (tương đương 538 triệu USD tại thời điểm đó), trong đó phía VN góp 30% vốn, với công suất 2 triệu tấn/năm.
Tuy nhiên, sau khi đối tác nước ngoài rút khỏi dự án, chủ đầu tư đã xin điều chỉnh quy mô dự án, công suất còn 1 triệu tấn/năm với tổng vốn đầu tư xuống còn 350 triệu USD.
Dù vậy, theo ông Lê Mạnh Tùng - phó giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư TP Cần Thơ, đến nay dự án vẫn chưa có diễn biến gì mới, dù một nhà đầu tư nước ngoài khác là Công ty Razeedland Plaza (M) SDN. BHD Malaysia - thuộc Tập đoàn lọc hóa dầu SGB Refinery Petrochemical Corporation SDN. BHD, Vương quốc Brunei (RPSB) - cũng bày tỏ ý định tham gia dự án này.
“Chúng tôi đang xem xét, thẩm định năng lực nhà đầu tư trước khi chấp thuận cho tham gia dự án” - ông Tùng cho biết.
Trong khi đó, theo UBND tỉnh Bình Định, Tập đoàn dầu khí quốc gia Thái Lan PTT cùng với đối tác Saudi Aramco (Saudi Arabia) vừa thông báo có thể sẽ thay đổi quy mô và tiến độ đầu tư dự án lọc dầu Victory (Nhơn Hội, Bình Định) so với bản nghiên cứu tiền khả thi đã trình Chính phủ.
Cụ thể, vốn đầu tư của dự án sẽ giảm không còn ở mức 22 tỉ USD và công suất chế biến cũng giảm xuống mức 400.000 thùng dầu/ngày, với lý do giá dầu thô giảm mạnh.
“Dự án lọc hóa dầu Victory vẫn đang tiếp tục triển khai, tuy có hơi chậm một chút do nhiều nguyên nhân, trong đó có chuyện giá dầu thô giảm sâu” - ông Hồ Quốc Dũng, chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, xác nhận với Tuổi Trẻ.
Như vậy, trong số dự án lọc hóa dầu đã được cấp phép, đến nay chỉ mới có Nhà máy lọc dầu Dung Quất đi vào hoạt động và dự án lọc hóa dầu Vũng Rô mới triển khai sau nhiều năm được cấp phép, các dự án còn lại vẫn đang loay hoay với các thủ tục đầu tư, thậm chí “đắp chiếu” như dự án lọc dầu Cần Thơ.
Tuổi Trẻ